Cổ động viên Malaysia làm náo loạn đường phố Hà Nội. Video: Team Sport5
VFF khuyến cáo các CĐV Malaysia không tổ chức diễu hành trên các tuyến đường nhằm bảo đảm an toàn. Còn nhớ, ở AFF Cup 2018, CĐV Malaysia cũng diễu hành qua nhiều cung đường ở phố cổ Hà Nội. Họ hát hò, đốt pháo sáng làm huyên náo các tuyến phố và thu hút sự chú ý của người dân Hà Nội.
Bên cạnh đó, VFF cũng tiến hành họp bàn với đại diện Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) vào chiều 26/9 tại Hà Nội. Hai bên thống nhất phối hợp để đảm bảo an toàn cho CĐV Malaysia từ ngày 7 – 11/10. Trong đó, VFF đề nghị FAM cung cấp đầu mối Hội CĐV Malaysia để hỗ trợ. Bên cạnh đó, VFF bố trí cổng riêng vào SVĐ Mỹ Đình cho CĐV Malaysia và đề nghị nhóm CĐV này có mặt trước giờ thi đấu khoảng 3 tiếng đồng hồ để được hỗ trợ tốt nhất.
CĐV Malaysia diễu hành, vừa hát hò, đốt pháo sáng làm huyên náo các tuyến phố ở Hà Nội. Ảnh: Hiếu Lương.
CĐV Malaysia với nhóm ultras được đánh là những fan cuồng bóng đá sôi động nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự cố nhóm CĐV này xô xát với CĐV Indonesia ở trận đấu giữa hai đội tuyển trên SVĐ Gelora Bung Karno (5/9) cũng thuộc vòng loại World Cup 2022 đã khiến phía Malaysia phải làm việc trước với VFF, tránh tình trạng như ở trận đấu trên tái diễn.
Đội tuyển Malaysia đánh bại Indonesia 3-2. Trên khán đài, CĐV Indonesia liên tục ném chai lọ, vật lạ vào phía CĐV Malaysia ngồi buộc BTC sân phải mở cổng cho người hâm mộ đội khách di chuyển ra khỏi sân trước khi trận đấu kết thúc. Báo cáo sau đó ghi nhận, một số CĐV Malaysia đã bị ngất và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Vào năm 2014, một nhóm CĐV Malaysia từng để lại hình ảnh xấu xí khi lao vào tấn công các CĐV Việt Nam ở SVĐ Bukit Jalil trong trận thua 1-2 của đội nhà ở bán kết lượt đi AFF Cup.
Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia thuộc lượt trận thứ ba vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á. Phía Việt Nam đã bán hết vé, trong khi đó, Malaysia được cung cấp khoảng 2500 vé để CĐV tới tiếp lửa cho "những chú hổ".