Cây trà giúp huyện nghèo của Việt Nam "vươn mình", thu tiền tỷ mỗi năm: Giá bán đắt đỏ bậc nhất thế giới

Ngọc Minh, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 20:49 28/04/2025
Chia sẻ

Huyện Ba Chẽ từng là mảnh đất nghèo khó nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, song những năm gần đây, Ba Chẽ đã "thay da đổi thịt".

Sự thay da đổi thịt của huyện Ba Chẽ là nhờ vào việc người dân đã chuyển hướng sang phát triển trà hoa vàng.

Trà hoa vàng Ba Chẽ, Quảng Ninh, thuộc giống Camellia chrysantha, một trong những loài trà quý hiếm. Giống trà này nổi bật với những bông hoa màu vàng tươi, mang đến vẻ đẹp rực rỡ trong mùa đông hoặc đầu xuân. Hoa có 5-6 cánh, với nhụy vàng, tạo nên vẻ đẹp nổi bật trong thiên nhiên. Lá trà có hình bầu dục, màu xanh đậm, bóng mượt và mịn màng. Trà hoa vàng có thân gỗ, thường mọc trong các khu vực rừng núi cao, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu lạnh.

Tính đến năm 2022, huyện Ba Chẽ có khoảng 205 ha trà hoa vàng, trong đó 100 ha đã cho thu hoạch. Bình quân mỗi năm, huyện thu hoạch khoảng 20 tấn hoa tươi và 65 tấn lá. Doanh thu từ cây trà hoa vàng trên địa bàn huyện đạt khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm. Trong giai đoạn 2018-2019, doanh thu từ các hộ trồng trà đạt trên 13 tỷ đồng.

Cây trà giúp huyện nghèo của Việt Nam "vươn mình", thu tiền tỷ mỗi năm: Giá bán đắt đỏ bậc nhất thế giới- Ảnh 1.

Đồi trà hoa vàng tươi tốt ở Ba Chẽ.

Trà hoa vàng được trồng tập trung ở các xã Đồn Đạc, Thanh Sơn, Thanh Lâm, Đạp Thanh, Lương Mông... Với tiềm năng kinh tế và giá trị dược lý cao, trà hoa vàng đang trở thành cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân huyện Ba Chẽ.

Vì sao trà hoa vàng đắt đỏ?

Chuyên gia lâm nghiệp Nguyễn Văn Biên, Giám đốc Trung tâm cây giống Tam Đảo (Vĩnh Phúc), cho hay trà hoa vàng được xếp vào một trong những loại trà đắt đỏ nhất trên thế giới. Hiện Việt Nam chỉ có 24 giống trà hoa vàng đang bảo tồn trong sách đỏ. Riêng tại Tam Đảo có 8 loài đang được bảo tồn, chiếm 1/3 số lượng giống trà hoa vàng tại Việt Nam.

Trà hoa vàng là một loài quý hiếm, hiện đang được nhà nước bảo tồn để duy trì nguồn gen quý. Trà hoa vàng mang lại giá trị dược liệu và tinh thần cao.

Đặc điểm của cây trà hoa vàng là cả lá và hoa đều có khả năng phản chiếu ánh kim khi có nắng chiếu. Do đó, cây được gọi là kim hoa trà.

Theo ông Biên, kim hoa trà có tên khoa học là Camellia chrysantha và được tìm thấy ở Việt Nam từ năm 1962. Tuy nhiên, do chưa có nghiên cứu về hoạt chất của loài trà này, cho đến năm 1995, Trung Quốc bắt đầu thu mua trà hoa vàng số lượng lớn, khiến nguồn trà hoa vàng ở các vùng núi như Lạng Sơn và Quảng Ninh bị cạn kiệt.

Hiện, kim hoa trà đang được bảo tồn để giữ nguồn gen quý. Tại vùng núi Tam Đảo, nhiều giống trà hoa vàng quý cũng đang được bảo tồn.

Theo ông Biên, cây trà hoa vàng có chứa hơn 400 hợp chất dược tính (lá và hoa), bao gồm polyphenol, catechin, saponin… cùng các nguyên tố vi lượng như Mn, Zn, Se, Mo, Ge. Loài trà này có đặc tính kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị ung thư, giảm cholesterol trong máu, thải độc gan, thận, chống viêm, chống dị ứng, ổn định huyết áp, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và tăng cường sức đề kháng.

Nhờ những dược lý tuyệt vời cho sức khỏe, giá trà hoa vàng rất đắt đỏ. Có thời điểm, giá trà hoa vàng sấy lạnh có thể lên tới 24 triệu đồng/kg.

Ông Biên cũng cho biết, việc trồng trà hoa vàng giúp cho bà con có kinh tế ổn định và bảo vệ rừng bền vững, vì cây thường được trồng dưới tán rừng và sinh trưởng tốt trong môi trường tự nhiên.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày