Cay mắt cảnh mẹ và con trai ngồi ăn cơm ngay giữa sân trường trong ngày đưa con đi nhập học

Vân Trang, Theo Helino 15:33 18/08/2019

Bữa cơm chất chứa tình mẹ nên dù chỉ có vài món kho, món canh nhưng vẫn đắt giá hơn bất kì bữa ăn trong nhà hàng sang trọng nào.

Vượt qua bài thi đại học căng thẳng, hàng ngàn thí sinh bắt đầu kéo nhau lên thành phố nhập học. Tân sinh viên quay cuồng với hàng đống thủ tục, học đủ loại kĩ năng nấu nướng, tự chăm sóc bản thân… để sẵn sàng thích nghi với môi trường mới. Còn ba mẹ cũng xoay xở với hàng đống chi phí đầu năm không tên. Số tiền có thể lên đến hàng chục triệu đồng, là gánh nặng không chỉ với phụ huynh thành phố mà còn càng nặng trĩu hơn với những gia đình tỉnh lẻ.

Trong những ngày nhập học vừa qua, một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc của người mẹ nghèo và nam sinh viên tỉnh lẻ đã khiến cộng đồng mạng vô cùng xúc động. Thương con nên không quản ngại đường xa, người mẹ bỏ công bỏ việc theo chân con lên thành phố nhập học. Đặc biệt hơn cả là bữa cơm giản dị, chỉ vài món kho và canh, tất cả mọi thứ đều bỏ trên nền gạch nhưng ấm áp lắm!

Cay mắt cảnh mẹ và con trai ngồi ăn cơm ngay giữa sân trường trong ngày đưa con đi nhập học - Ảnh 1.

Bữa cơm giản dị, chỉ vài món kho và canh, tất cả mọi thứ đều bỏ hết trên nền gạch nhưng ai nhìn vào cũng thấy ấm áp lắm! (Ảnh: UEE TV)

Người chụp lại bữa cơm bình dị này là Lê Tiên, chuyên viên phòng Truyền thông của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM. Lê Tiên chia sẻ thêm: "Hôm đấy là ngày đầu tân sinh viên làm thủ tục nhập trường. Lúc ra cổng để hỗ trợ các bạn, mình thấy hai mẹ con lấy cơm ra bên hông tòa nhà ăn cơm. Bữa cơm có vài món kho và canh nhưng hai mẹ con ngồi ăn rất ngon. Tới gần, mình thấy người mẹ gắp thức ăn bỏ vào bát rồi nói: "Ăn no nghe con!". Cả người mẹ và em sinh viên có lẽ sau một đêm đi xe đường dài mệt nhọc và đói bụng nên ăn ngon lành. Ngày đầu lên thành phố, lạ nước lạ cái nên gia đình dậy đi sớm, nấu cơm mang theo. Cũng có thể ở quê họ không kịp ăn uống, lên tới trường mới ăn. Vì ngại mình không nỡ hỏi hai mẹ con, cũng không muốn làm phiền bữa cơm ấm áp, bình dị của họ".

Lê Tiên cũng cho biết thêm là hôm đón tân sinh viên, nhà trường cũng cho mời nhiều gia đình vào phòng máy lạnh của nhà ăn công đoàn dùng bữa. Nhưng do số lượng đông không kiểm soát được hoặc cũng có thể hai mẹ con thấy chỗ ngoài này mát nên mới trải luôn thức ăn bên ngoài hông tòa nhà.

Cay mắt cảnh mẹ và con trai ngồi ăn cơm ngay giữa sân trường trong ngày đưa con đi nhập học - Ảnh 2.
Cay mắt cảnh mẹ và con trai ngồi ăn cơm ngay giữa sân trường trong ngày đưa con đi nhập học - Ảnh 3.

Thức đêm thức khuya cùng con ôn bài, giờ đây nhiều bậc phụ huynh cũng không ngại vất vả theo chân con lên thành phố nhập học.

Sinh viên học xa nhà mang biết bao nhiêu kì vọng của dòng họ và khát vọng đổi đời của gia đình vùng quê. Không còn quá vinh quang như việc đỗ Trạng nguyên ngày xưa nhưng nhiều cha mẹ vẫn luôn coi đại học là cánh cửa thành công của con. Lo cho con cái ăn cái mặc, lo con lên thành phố bị trò đời cám dỗ… Từng đồng học phí có thể đếm xuể nhưng tình thương của cha mẹ chẳng có thước đo giá trị nào có thể cân đo được.

Ai nhìn thấy bức ảnh này cũng đồng tình rằng, bao bồng bột, xốc nổi của tuổi mới lớn có thể thay đổi dần theo năm tháng. Duy chỉ tình cảm mẹ dành cho con là mãi mãi không đổi.

"Mặc dù vậy nhưng hai mẹ con nhất định đang rất hạnh phúc. Anh chàng sinh viên xa nhà ráng học để mai này đền đáp công mẹ nha", bạn Trần Dung bình luận.

"13 năm trước mình cũng lên thành phố học đại học. Sợ con gái bỡ ngỡ, cha mình bỏ công việc ở quê đi cùng. Đêm trước, mẹ thức cả đêm đồ xôi cho hai cha con mang theo. Tới bến xe rồi bắt xe ôm vào trường lúc 5h sáng. Sợ con đói, cha mang xôi ra ép mình ăn. Sau đó, hai cha con di chuyển vào ký túc xá và được ở tạm mấy ngày trước khi làm thủ tục nhập học. Ngày cha về mình đã khóc như mưa. 4 năm trôi qua đi học rồi đi làm những bữa cơm gia đình đang thưa dần đi với mình. Những lúc đó mới biết bữa cơm gia đình có giá trị như thế nào!", bạn Nga chia sẻ.

Cay mắt cảnh mẹ và con trai ngồi ăn cơm ngay giữa sân trường trong ngày đưa con đi nhập học - Ảnh 4.