Cây cầu gỗ vượt sông dài nhất Việt Nam: Trải nghiệm thót tim đi mãi chẳng thấy bờ, nhưng đẹp và ngoạn mục hết sức!

H. Trang, Theo Đời sống pháp luật 14:45 29/05/2024
Chia sẻ

Khi di chuyển cả cây cầu như nhảy múa với những âm thanh phát ra từ các tấm gỗ khiến khách du lịch vừa hồi hộp vừa thích thú.

Nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và những điểm check-in hấp dẫn, Phú Yên đã trở thành một trong những tọa độ mà hội mê xê dịch kiểu gì cũng phải một lần đặt chân đến. Đặc biệt, sau thành công của bộ phim "Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh" nơi đây càng trở nên thu hút với vẻ đẹp nên thơ, thanh bình. Gần đây, Phú Yên lại tiếp tục gây sốt trong cộng đồng du lịch với hình ảnh cây cầu gỗ vô cùng độc đáo, không chỉ được mệnh danh là cầu gỗ dài nhất Việt Nam mà đi "phượt" trên cây cầu này cũng trở thành trải nghiệm mà giới trẻ không thể bỏ qua.

Ảnh: @tusa1705, @themazinghaianh

Từng xuất hiện trong bộ phim "Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh", cây cầu gỗ này có tên là Cầu gỗ Ông Cọp hay còn gọi là "Cầu Miếu Ông Cọp" hoặc "Cầu Bình Thạnh". Vốn đã hút chân du khách từ rất nhiều năm trước, thế nhưng thời gian gần đây cây cầu này lại "hot" trở lại vì quá độc đáo khiến các bạn trẻ rần rần rủ nhau đến check-in.

Ảnh: @Blog Của Rọt, @Chauphuc.hau

Với chiều dài hơn 800 mét, đây là cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam, chiếc cầu bắc ngang qua dòng sông Phú Ngân nối liền giữa xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) với thị xã Sông Cầu. Nó có vai trò nối liền hai bờ của dòng sông, giúp kết nối giao thông để người dân thuận tiện trong việc đi lại. Nhờ có cầu Ông Cọp, cư dân ở hai bên sông khu vực ven biển không phải đánh đường vòng rất xa đến cả chục cây số qua bờ đối diện. 

Được xây dựng lần đầu vào năm 1998, tuy nhiên, cứ đến mùa mưa bão, cầu lại đổ sập. Lần xây dựng lại cầu gần nhất là vào đầu năm 2023 và hiện nay cầu gỗ Ông Cọp đã được đưa vào hoạt động trở lại. Tuy không đảm bảo độ an toàn nhưng vì sự tiện dụng của nó, nhiều người vẫn đi lại qua chiếc cầu này.

Người dân địa phương đi qua cầu này sẽ rút ngắn khoảng cách khoảng 10km so với di chuyển từ huyện Tuy An qua thị xã Sông Cầu, hoặc đi TP Quy Nhơn (Bình Định). (Ảnh: Trần Nam Trung) 

Mặt và trụ cầu được làm hoàn toàn từ gỗ ván. Trong khi đó, thành cầu chỉ nối với nhau bằng những thanh tre. Thứ duy nhất không phải làm từ gỗ, tre trên cây cầu này là những chiếc đinh sắt. Những tấm ván lót mặt cầu thường được thay mới nhưng khi bước đi trên cầu sẽ thấy những tấm ván cũ, ván mới nằm xen kẽ và dường như không có tấm nào khít nhau. Tuy dài ngoằng nhưng chiều rộng của cầu chỉ khoảng 2m, chỉ vừa cho hai xe máy đi qua và gần như không phải điểm đến dành cho người yếu tim, hoặc có tay lái không vững.

Ảnh: Trần Nam Trung, @Vedugx

Có thể nói, với người dân miền Bắc những cây cầu treo chòng chành, vắt vẻo qua sông là thử thách siêu khó mà người yếu tim không bao giờ dám thử. Thì ở các tỉnh miền Trung những cây cầu gỗ như trên lại trở thành "huyền thoại" mỗi khi được nhắc đến. Trong khi cuộc sống hiện đại hóa ngày nay thì những công trình có nét mộc mạc nhất định như cầu Ông Cọp khiến người trẻ cảm thấy rất thú vị, bởi giờ cũng không chắc còn bao nhiêu cái cầu đơn sơ nhưng rất độc đáo như vậy nữa. 

Nếu chưa quen thoạt nhìn cây cầu này chắc hẳn ai cũng tỏ ra khá rụt rè, cảm giác giống như bước đi trên những chiếc cầu kính cao chót vót ở Mộc Châu hay Sa Pa vậy, nhưng thực tế những tấm gỗ trên cầu rất chắc chắn và khi sải bước trên cầu du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác như bồng bềnh trên mặt nước, cùng với đó là được hòa mình vào không gian mênh mông của sông trời.

Ảnh: @hbcuong, @Blog Của Rọt

Nếu là người ưa cảm giác mạnh, bạn có thể thử thách chạy xe máy qua cầu, dù không phải ai cũng đủ can đảm lái xe đi qua dù chỉ 1 lần, nhất là khi nghe âm thanh lộc cộc của từng tấm gỗ mà bạn chạy qua. Chưa kể cây cầu này lại dài tới vài trăm mét và cần hơn 5 phút vừa lái vừa run mới có thể đi từ đầu bên này sang đầu bên kia. Tuy nhiên càng đi thì cảm giác lo lắng, hồi hộp sẽ được thay thế bằng sự thích thú. 

Có lẽ đây sẽ là thách thức cho các phượt thủ muốn chinh phục hết chiều dài của cây cầu kỷ lục. (Ảnh: @Hải Hớn Hở, @Phi Phong)

Ngoài thử thách lòng can đảm thì cây cầu gỗ này cũng mang vẻ đẹp rất đỗi mộc mạc, càng về chiều lại càng nên thơ. Ngắm hoàng hôn trên cầu cũng là một trải nghiệm thú vị mà du khách không nên bỏ lỡ. Hiện nay, cầu Ông Cọp là một trong những cây cầu gỗ hiếm hoi còn lại của tỉnh Phú Yên. Thế nên, vì lo sợ một ngày không xa cây cầu sẽ bị "xóa sổ", nhiều phượt thủ đã nhanh chân tìm đến và ghi lại những khoảnh khắc cùng các trải nghiệm khó quên tại nơi này.

Ảnh: @lamdidau, @Blog Của Rọt, @hbcuong

Cách di chuyển đến cầu Ông Cọp 

- Khách du lịch di chuyển đến TP Tuy Hòa bằng máy bay, xe khách, tàu hỏa hoặc phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy.

- Địa danh cầu gỗ Ông Cọp cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng chừng 35km. Nếu xuất phát từ trung tâm thành phố, bạn có thể di chuyển từ đường Lê Duẩn đến cây xăng Petrolimex số 17. Chạy qua cây xăng bạn sẽ thấy Uỷ Ban Nhân Dân An Hòa. Tại đây bạn chỉ cần đi thẳng qua cầu An Hòa hướng ra quốc lộ 1A và chạy dọc theo con đường Quốc Lộ 1A là có thể đến với địa danh cầu gỗ Ông Cọp. Nếu bạn gặp khó khăn trong quá trình di chuyển thì chỉ cần dùng Google Maps hoặc vừa chạy vừa hỏi những người dân địa phương gần đó.

Ảnh: @ntluan1910, @lamdidau 

- Mỗi lượt người hoặc xe qua cầu đều phải trả phí cho 2.000 đồng/lượt đi bộ, 3.000 đồng/lượt xe đạp không kèm người, xe máy đi qua phải trả 4.000 đồng (nếu chở thêm người, hàng hóa nặng sẽ phải đóng thêm 1.000 đồng).

- Nhiều khách du lịch chọn đi qua cây cầu Ông Cọp chênh vênh này để đi đường tắt đến các địa danh phổ biến khác tại Phú Yên bao gồm Gành Đá Đĩa, đập Tam Giang, đầm Ô Loan,... Gần cầu gỗ là rất nhiều thắng cảnh khác để du khách tham quan như: Bãi Xép, Gành Đá Đĩa, Nhà thờ Mằng Lăng, Hòn Yến,… Hầu như các điểm đến này đều nằm trên một cung đường, chính vì thế mà bạn có thể kết hợp đi khám phá sao cho thuận tiện nhất.

https://kenh14.vn/cay-cau-go-vuot-song-dai-nhat-viet-nam-di-mai-khong-thay-bo-ai-cung-tay-lai-lam-moi-dam-chay-het-duoc-20240529144253228.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày