Năm 2018, tiền đạo Nguyễn Hữu Khôi khoác áo CLB Siheung City tại K3 League Basic (hạng 4 Hàn Quốc) và nhận mức lương 45 triệu đồng/tháng (khoảng 1.900 USD/tháng), kèm chi phí phụ cấp. Mức thu nhập này thuộc loại cao nhất V.League hiện tại, dành cho những cầu thủ ngôi sao, "công thần" của đội bóng.
Nhưng tiền đạo sinh năm 1992 đã không quyết tâm bám trụ lại Hàn Quốc. Mùa 2019 anh trở lại V.League trong màu áo Sanna Khánh Hòa và hiện đang khoác áo Than Quảng Ninh. Lý do đầu tiên được nêu ra vì Hữu Khôi muốn được trở về thi đấu gần quê nhà Thái Bình.
Tiếp theo, khi thi đấu trong nước anh sẽ có thêm số tiền lót tay để đảm bảo được
tương lai lâu dài hơn, và nếu cộng gộp thêm lương cơ bản, hàng tháng thu nhập cũng không kém là bao so với khi thi đấu nước ngoài.Xuân Trường từng được Buriram United đãi ngộ mức 10.000 USD/tháng, nhưng anh đã không thể chứng tỏ khả năng để rồi phải kết thúc sớm hợp đồng.
Quan trọng hơn cả là sự nhập nhằng trong việc xếp loại mức lương. Thu nhập của Hữu Khôi chỉ cao khi so sánh với V.League, còn ở Hàn Quốc cụ thể là ở các hạng dưới K-League 1 và 2, mức 1.900 USD/tháng chỉ thuộc vào hàng trung bình thấp dành cho một cầu thủ nội binh.
Theo những báo cáo tài chính công khai ở mùa 2013, 2017, ngoại binh thi đấu ở K.League 1, 2 nhận thấp nhất 8.000 USD/tháng, xuống tiếp các hạng 3, 4, 5 vào khoảng 4.000 USD/tháng. Một cầu thủ Hàn Quốc thi đấu ở hạng 1, 2 nhận lương thấp nhất 3.200 usd/tháng, còn ở hạng dưới là 2,000 USD/tháng.
Trường hợp Hữu Khôi suất ngoại binh nhưng chỉ được xếp loại lương như nội binh, tương tự như năm 2016, Lương Xuân Trường gia nhập Incheon United (K-League), nhận mức lương 3.000 USD/tháng. Con số rất cao nếu so với V.League, nhưng thực chất mức này chỉ là dành cho cầu thủ trẻ và ở một đội bóng "nhà giàu".
Năm 2017, tiền vệ thuộc biên chế HAGL chuyển tới Gangwon FC, nhận mức lương được đồn đoán trong khoảng 6.000 USD/tháng. Mức này thua kém gấp đôi nếu so với các ngoại binh khác tại đội.
Cuối mùa giải 2017, Gangwon FC báo cáo đã chi 61.300 USD/tháng cho 4 ngoại binh Diego Maurício, Jonathan Nanizayamo, Gerson Guimaraes và Valentinos Sielis. Tức mỗi ngoại binh nhận khoảng 15.000 USD/tháng.
Không nổi tiếng như Công Vinh, Công Phượng nhưng Hữu Khôi cũng đã có chuyến ra nước ngoài thi đấu khá thành công - 5 bàn trong 19 trận thi đấu tại giải hạng 5 Hàn Quốc. Đồ họa: Đỗ Linh
Khác với Hàn Quốc, bóng đá Nhật Bản từ năm 2012 đã có quy định mức lương chặt chẽ, áp dụng cho mọi đối tượng, khái quát có 3 mức: Hợp đồng chuyên nghiệp loại A lương cơ bản từ 4,8 triệu yen/năm (tương đương 3.700 USD - 87,5 triệu đồng/tháng) trở lên; Loại B và C đều từ 4,8 triệu yen/năm trở xuống nhưng loại B phải có những ràng buộc về khoản thưởng.
Nhờ vào các quy định trên, năm 2015, Tuấn Anh mới 20 tuổi đã nhận không dưới 3.000 USD/tháng khi khoác áo CLB Yokohama FC (J-League 2). Năm 2016, Công Phượng gia nhập Mito Hollyhock với mức lương 3.000 USD/tháng (khoảng 70 triệu đồng).
Tuy vậy, hai bản hợp đồng nêu trên chỉ được coi là những chuyến "du học" có tính hợp tác giữa đội bóng cũng như nhiều bên liên quan. Điều này tương tự với hai trường hợp của Đoàn Văn Hậu chuyển tới SC Heerenveen (Hà Lan) - 22.000 USD/tháng và Công Phượng tới Sint-Truidense (Bỉ) - không dưới 20.000 USD/tháng.
Tất nhiên hai đội bóng châu Âu đã nhận được nhiều sự trợ giúp mang tính thương mại khi chịu chi trả mức lương theo quy định đã có hoặc nằm trong khoảng trung bình của giải đấu.
Nhưng từ sự việc này dẫn đến một vấn đề, cầu thủ Việt Nam xuất ngoại, được hưởng lương cao ngất ngưỡng so với trong nước, đổi lại chính bản thân họ phải nhanh chóng khẳng định được tài năng, ít nhất bật lên được so với các đồng nghiệp nếu không muốn sớm bị đào thải.
Trong số các cầu thủ Việt Nam từng đến Hàn Quốc thi đấu có tiền đạo Nguyễn Công Phượng đã nhận được đúng mức lương dành cho ngoại binh. Năm 2019, ở Incheon United (K-League), Phượng nhận 10.000 USD/tháng (khoảng 236 triệu đồng) theo những tin tức công khai trên báo chí.
Tuy nhiên, dù nhận lương cao nhưng Công Phượng đã không thể hiện được trình độ đúng như kỳ vọng và kết quả là anh "mài đũng quần" trên băng ghế dự bị, không nằm trong kế hoạch sử dụng của các HLV. Kịch bản lặp lại khi tiền đạo của HAGL được cho mượn tại châu Âu.
Công Phượng trở về V.League và lập tức để lại dấu ấn trong màu áo CLB TP.HCM.
Kết quả sau cùng, Công Phượng sụt giảm phong độ, mất cảm giác thi đấu đỉnh cao và lung lay vị trí ở đội tuyển Việt Nam.
Mùa 2020, Công Phượng trở về V.League trong màu áo CLB TP.HCM. Mức lương của anh chỉ còn khoảng 40-50 triệu đồng/tháng so với mức 500 triệu đồng/tháng ở châu Âu, nhưng đổi lại là những màn trình diễn bùng nổ, thắp sáng hi vọng trên cấp đội tuyển.
Với trường hợp của Đoàn Văn Hậu, anh vẫn chưa đánh mất phong độ khi trở về khoác áo U23, tuyển Việt Nam. Nhưng tương lai chưa thể đảm bảo vì hậu vệ sinh năm 1999 chỉ được thi đấu ở cấp độ trẻ và đang không có được sự ủng hộ từ các CĐV SC Heerenveen (Hà Lan) trong bình chọn có nên tiếp tục giữ lại đội bóng hay không.
Trong số các cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu, chỉ duy nhất trường hợp thủ môn Đặng Văn Lâm không liên quan đến yếu tố thương mại, các mối quan hệ trao đổi, hợp tác. Tuy nhiên, Văn Lâm vốn không xuất thân từ môi trường bóng đá Việt Nam.
Chốt lại, cầu thủ Việt Nam xuất ngoại đừng chỉ nhìn vào mức lương cao chót vót so với V.League. Vì nó như một "cái bẫy", thoạt nhìn rất ấn tượng nhưng ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Suy cho cùng là vì thực lực cầu thủ Việt Nam chưa cao, việc ra nước ngoài thi đấu cũng chưa quen thuộc và thường mang nhiều tính chất ngoài chuyên môn.