Câu đố tiếng Việt: Tại sao lại gọi những người gian dối, lừa lọc là “đểu cáng”?

Thanh Hương, Theo Phụ nữ Việt Nam 09:11 30/10/2023
Chia sẻ

Nguồn gốc ban đầu của từ này sẽ khiến bạn bất ngờ đấy!

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường sử dụng từ "đểu cáng" để chỉ những người gian dối, phản phúc, lừa lọc. Đây là một từ khá phổ biến, được sử dụng nhiều trong cuộc sống. Chẳng hạn như: "Gã đó là một thằng đểu cáng", "Đừng tin, ông ta là đồ đểu cáng, lừa nhiều người rồi"...

Chắc hẳn, bạn đã từng sử dụng từ này, tuy nhiên đã bao giờ bạn tự hỏi, vì sao lại gọi là "đểu cáng" hay chưa? Nguồn gốc từ này cụ thể ra sao?

 Câu đố tiếng Việt: Tại sao lại gọi những người gian dối, lừa lọc là đểu cáng? - Ảnh 1.

Đểu cáng vốn là từ chỉ nghề phu khiêng.

Thực chất, "đểu cáng" ban đầu không phải một tính từ, mà là một danh từ chỉ nghề nghiệp! Theo đó, "Đểu" có nghĩa là người gánh thuê, còn "cáng" là người khiêng cáng hoặc cái cáng (loại võng có mui che, mắc vào 2 đòn do 2 người khiêng hai bên). Ngày xưa, từ "đểu cáng" dùng để chỉ những người phu khiêng.

Một số quan điểm cho rằng, ngày xưa phần lớn những người phu khiêng đều ít học, thường giành khách của nhau, ăn chia không đều, dẫn tình trạng đánh chửi, thậm chí lừa lọc nhau. Dần dần, từ "đều cáng" được dùng theo nghĩa bóng, dùng để ám chỉ những người hay làm việc xấu, hay ám chỉ tính xấu. Trải qua thời gian, ít người Việt còn hiểu nghĩa gốc của từ "đểu" và "cáng" nhưng nhắc đến "đểu cáng" thì hầu như ai cũng hiểu. Lý do "đểu cáng" mất hẳn nghĩa cũ là "phu khiêng" có lẽ vì công việc này đã không còn trong xã hội.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày