Câu đố tiếng Việt: Cái gì có CAO có THẤP, có TO có NHỎ nhưng không ai thấy được? Đáp án tưởng xa tận chân trời ai ngờ gần ngay trước mắt

Hiểu Đan, Theo Nhịp Sống Việt 12:26 10/04/2022

Bạn có nghĩ ra cái gì thoắt ẩn thoắt hiện bí hiểm đến thế không?

Cái gì có CAO có THẤP, có TO có NHỎ nhưng không ai thấy được? Câu đố hóc búa này đang làm khó rất nhiều cư dân mạng. Nhiều đáp án được đưa ra, chẳng hạn 1 người cho rằng đó là... Huyết áp, nhưng tất nhiên đây là câu trả lời chưa chính xác bởi huyết áp có cao thấp thật nhưng to nhỏ thì chưa thấy. Có người lại cho rằng đó là Trí tuệ. Đáp án này cũng không nhận được nhiều sự đồng tình. Còn bạn, bạn đã nghĩ ra kết quả cho câu đố "hack não" này chưa?

Câu đố tiếng Việt: Cái gì có CAO có THẤP, có TO có NHỎ nhưng không ai thấy được? Đáp án tưởng xa tận chân trời ai ngờ gần ngay trước mắt - Ảnh 1.

Cái gì có CAO có THẤP, có TO có NHỎ nhưng không ai thấy được? (Ảnh minh họa)

Bật mí, đây là thứ mà hầu như ai cũng có. Và "nó" to hay nhỏ, cao hay thấp phụ thuộc khá nhiều vào tâm trạng của từng người. Thứ này cũng có thể gây nên "chiến tranh lạnh" hay xoa dịu một mối quan hệ, là "con đường tắt" đi đến tình yêu, nhiều người chỉ vì "nó" mà đổ đứ đừ đối phương, nhớ nhung không dứt. Đến đây liệu bạn đã mường tượng ra được đáp án?

Nếu vẫn "giơ tay xin hàng" thì câu trả lời chính là: GIỌNG NÓI. Thử nghĩ xem, giọng nói của 1 người có thể "tone" cao hoặc thấp, to hay nhỏ, nhưng rõ ràng bạn không thể nhìn thấy giọng nói được. Người ta bảo "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" vì lời nói có sức sát thương ghê gớm. Cũng có những người vì cảm một giọng nói mà dẫn đến tình yêu, lời ngọt ngào thì tất nhiên rồi, bao giờ mà chẳng có sức hút. Biết đáp án xong đúng là thấy quá đơn giản đúng không nào?

Giọng nói là một quá trình phức tạp, bao gồm sự phối hợp và hợp tác của nhiều cơ quan và bộ phận. Giọng nói của bạn bắt đầu trong khoang ngực, đi qua phổi, khí quản, dây thanh quản, cổ họng, miệng, hàm, lưỡi và vòm miệng mềm, và cuối cùng tạo thành âm thanh hay tiếng nói của chính bạn.

Trước khi dậy thì, thanh quản khá nhỏ, dây thanh quản cũng nhỏ và mỏng do đó trẻ em thường có giọng nói cao hơn người lớn. Khi bắt đầu dậy thì, kích thước thanh quản tăng và hình thành nhiều sụn hơn để bảo vệ dây thanh. Phần sụn của thanh quản lồi ra phía trước, tạo ra hình dạng giống như hình quả táo, thường gọi là yết hầu.

So với các cơ quan khác trong cơ thể, tin tốt là giọng nói già đi chậm hơn. Nếu bạn thử đoán tuổi của một người bằng cách nghe giọng nói, thông thường, bạn sẽ đoán được rằng người kia trẻ hơn tuổi thật.

https://kenh14.vn/cau-do-tieng-viet-cai-gi-co-cao-co-thap-co-to-co-nho-nhung-khong-ai-thay-duoc-dap-an-tuong-xa-tan-chan-troi-ai-ngo-gan-ngay-truoc-mat-20220410122700501.chn