Ngoài nghe nhạc, đọc sách, chơi game thì giải câu đố cũng là một cách giúp bạn thư giãn, giải trí. Chơi giải đố còn giúp bạn tăng vốn kiến thức xã hội, tích lũy thêm được nhiều ngôn từ. Vì thế, trò chơi này được nhiều người yêu thích, đặc biệt là các bậc phụ huynh thường hay sưu tầm câu đố khó dành cho trẻ nhỏ.
Chẳng hạn như một câu đố hóm hỉnh sau đây từng gây bão mạng xã hội:
"Bà già thì thích, trẻ nít thì không
Bỏ huyền, lam lũ nắng mưa ngoài đồng".
Câu đố khá lắt léo phải không nào? Bạn có đoán được ra đây là thứ gì không? Câu đố này không thể giải trong chốc lát mà cần thời gian để suy luận. Gợi ý cho bạn một chút nhé: Nói đến "lam lũ ngoài đồng", bạn thường nghĩ đến hình ảnh gì?
Thường sẽ là hình ảnh người nông dân một nắng hai sương, là con trâu kéo cày vất vả. Khoan đã, dừng lại một chút ở "trâu" nhé. Nếu như thêm dấu huyền, ta được gì nào? Nói đến đây, chắc bạn đã đoán ra đáp án rồi. Chữ được nhắc đến chính là "trâu" và "trầu", chỉ cần thay đổi dấu, ta đã có 2 từ khác nghĩa hoàn toàn, chỉ vật/ con vật khác nhau.
Nhân tiện nhắc đến trâu và trầu thì chúng ta cùng bổ túc một chút kiến thức thú vị nhé! Ăn trầu là một tập tục phổ biến ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Đại Dương. Tục ăn trầu có công dụng làm thơm miệng và là nghi thức xã giao cùng lễ nghi ở một số nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, trầu có thêm vôi, vỏ chay, vỏ quế và thuốc lào. Các loại thực vật khác được dùng ăn kèm có vỏ trầm, rễ sen, vỏ khoai, vỏ đỏ.
Ngày nay, ít người biết ăn trầu. Miếng trầu chỉ tồn tại ở các vùng nông thôn, gắn liền với hình ảnh của các cụ bà ở miền thôn dã. Tuy vậy, không phải miếng trầu đã mai một mà vẫn trường tồn, trở thành một bản sắc văn hóa có nội hàm rộng, tính nhân văn, biểu tượng cho sự thủy chung, tình đoàn kết, lòng tôn kính,... Do vậy, trong các kỳ lễ tế gia tiên, lễ mừng thọ,... thì miếng trầu, trái cau không thể thiếu được. Trong lễ cưới, miếng trầu, trái cau là biểu trưng cho tình yêu đôi lứa, cho sự thủy chung bền chặt, suốt đời gắn bó trăm năm.
Còn trâu là một loài động vật thuộc họ Trâu bò, phân bộ Nhai lại, lớp Thú có vú. Chúng sống hoang dã ở Nam Á, Đông Nam Á… Trâu thuần dưỡng, tức trâu nhà được nuôi phổ biến nhất ở vùng nhiệt đới châu Á.
Trâu nhà là vật nuôi thể hiện cho sức khỏe, để lấy sức cày kéo trong nông nghiệp. Trâu còn tượng trưng cho sự trung thành, hiền lành và cần cù, chăm chỉ. Trâu là con vật gần gũi với con người. Trong lao động sản xuất, trâu tham gia vào nhiều công đoạn làm ruộng, từ cày vỡ, cày ải, cày đánh luống đến bừa vỡ, bừa kỹ,… Qua mùa cày cấy, trâu lại làm việc kéo xe, vận chuyển những nguyên liệu cần thiết cũng như chuyên chở thành quả lao động sau khi thu hoạch.