Last Tango in Paris là một bộ phim tình cảm được hợp tác sản xuất giữa hai nước Pháp – Ý. Phim chứa đựng những cảnh quay nhạy cảm về tình dục tới nỗi từng bị cấm chiếu ở nhiều quốc gia, bị cắt xén khi phát hành và được phân loại ở mức cao nhất, R hoặc NC-17. Nội dung phim xoay quanh mối quan hệ đầy nhục dục giữa một doanh nhân trung niên người Mỹ và một thiếu nữ Pháp xinh đẹp.
Thế giới rúng động trước sự thật trần trụi của "Last Tango in Paris"
Dù bị chỉ trích hay đánh giá trái chiều, nhưng Last Tango in Paris vẫn được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh thế kỷ XX. Nó đã mang lại hai đề cử Oscar Marlon Brando và Bernardo Bertolucci. Nhưng giờ đây, sau 44 năm, người ta mới biết được sự thật tồi tệ mà cả hai đã sắp đặt để mưu lợi cho mình.
Cảnh phim nhạy cảm và ám ảnh nhất chính là khi nhân vật nữ do Maria Schneider thủ vai bị nam chính Marlon Brando tấn công tình dục. Một cảnh phim đầy đau đớn và buồn thảm khi nhân vật của Marlon cưỡng bức cô gái mà hắn yêu trong sự tuyệt vọng. Cái cảm giác sợ hãi, hốt hoảng của Maria khiến cho tất cả trở nên thật tới không ngờ. Và nó đúng thật không phải chỉ là diễn.
Để thu được hiệu ứng chân thật, Marlon đã sử dụng một "cây gậy bơ" đụng chạm vào người Maria mà không hề báo cho cô biết trước
Bernardo nói rằng để tạo cảm giác thật, ông cùng Marlon đã nảy ra ý tưởng sử dụng "thanh bơ" cho cảnh quay. Mặc dù nữ diễn viên Maria Schneider biết rằng sẽ thực hiện cảnh quay cưỡng bức nhưng riêng chi tiết về "thanh gậy bơ" thì không. Lý giải cho hành động không báo trước với Maria, Bernardo Bertolucci chẳng ngần ngại tiết lộ vì ông ta muốn "phản ứng thật của một cô gái chứ không phải của một diễn viên". Năm đó, Maria chỉ vừa tròn 19 tuổi với cơ hội diễn xuất trong bộ phim đầu tay. Còn Bradon đã là một trung niên 48 tuổi dày dặn tuổi đời và tuổi nghề.
Trong khi Marlon Brandon và Bernardo Bertolucci được vinh danh và ca tụng. Thì nữ diễn viên Pháp Maria Schneider lại bị nhấn chìm trong khủng hoảng, cả trong công việc lẫn cuộc sống. Maria đã từng nói, quay bộ phim này là sự hối hận duy nhất của bà. Vì nó đã phá hủy hoàn toàn cuộc sống của bà.
Maria đã mất vào năm 2011 ở tuổi 58. Trong suốt cuộc đời mình, bà đã tham gia gần 50 bộ phim lớn nhỏ. Nhưng những gì mà người ta nhớ đến Maria Schneider vẫn chỉ là cô gái Paris xinh đẹp nhỏ nhắn trong Last Tango in Paris. Những cảnh quay sex trong phim đã biến Maria trở thành một biểu tượng nhục dục và khép lại cơ hội được đóng những phim nghiêm túc của một diễn viên trẻ mới vào nghề.
Chẳng ai chịu nghe những gì Maria nói khi bà còn sống
Không chỉ bị "đóng khung" trên màn ảnh, những ám ảnh của vụ tấn công tình dục công khai ấy còn khiến Maria trở nên trầm cảm và suy sụp. Sau Last Tango in Paris, bà đã gặp rất nhiều bất ổn trong tâm lý rồi rơi vào tình trạng nghiện thuốc. Thậm chí, là cả những nỗ lực để tự sát. Maria không bao giờ đóng cảnh khỏa thân một lần nào nữa.
"Họ chỉ báo cho tôi biết sau khi đã quay cảnh đó xong và tôi đã rất tức giận. Đáng lý tôi phải gọi cho đại diện để kiện họ vì đã bắt tôi làm điều không có trong kịch bản. Nhưng lúc đó, tôi không hề biết điều đó. Marlon nói với tôi rằng: "Đừng lo, chỉ là phim thôi mà", nhưng suốt cảnh quay ấy, những gì Marlon làm khiến tôi phải òa khóc. Tôi cảm giác như mình đã bị cả Marlon và Bertolucci cưỡng bức. Sau khi quay xong, Marlon còn chẳng đếm xỉa hay xin lỗi tôi một lời. Điều an ủi là may sao, nó chỉ quay đúng một lần".
Năm 2007, Maria đã chính thức lên tiếng về sự thật đằng sau cảnh quay năm xưa trên tờ Daily Mail. Nhưng đáp lại lời tố cáo, nhiều kẻ đã nói rằng Maria chỉ là một diễn viên vô danh đang muốn gây sự chú ý.
Tại sao khi Maria Schneider lên tiếng, sự việc chẳng gây một chú ý nào đáng kể. Nhưng khi Bernardo Bertolucci công khai thừa nhận. Thì chúng ta lại bùng nổ vì tức giận? Là vì sự lan tỏa thông tin của ngày ấy không giống như bây giờ? Hay căn bản là vì lời nói của Maria thì không đáng tin bằng lời của Bernardo?
Bố già huyền thoại Marlon Brando đã qua đời vào năm 2004
Có bao nhiêu người dám thừa nhận những gì họ đã làm? Thật ra Bernardo đã cảm thấy đủ an toàn để nói ra những điều này trên truyền hình, trong bối cảnh chúng ta đang sống: một nền văn hóa bảo vệ cho những kẻ hiếp dâm. Nơi mà nạn nhân dễ dàng bị tấn công bằng đủ mọi hình thức và thủ phạm, chủ yếu là nam giới vẫn có thể nhởn nhơ. Điều mà Bernardo không lường trước, chính là tính hai chiều của truyền thông ngày nay.
Chỉ là một cây gậy bơ thì chẳng phải là hiếp dâm – nhiều khán giả nam giới đã đáp trả sự tức giận dành cho Bernardo và Marlon
Nhiều người lên tiếng lập luận: nó không phải là "hiếp dâm" vì làm gì có quan hệ tình dục thật sự giữa hai diễn viên. Cây gậy bơ chỉ là đạo cụ và vật tiếp xúc duy nhất vào nơi nhạy cảm. Vậy thì cảm xúc của một người phụ nữ khi bất ngờ bị tấn công là không đáng quan tâm ư? Vậy thì nếu bạn băn khoăn tại sao các nạn nhân bị lạm dụng không dám đứng lên vạch trần tội ác, thì bạn đã có câu trả lời rồi đấy.
Nhưng điều đó chẳng đáng sợ bằng việc: chúng ta - công chúng xem phim vẫn điềm nhiên bỏ qua tất cả tai tiếng của những ngôi sao đạo diễn, diễn viên ấy chỉ vì họ đã làm ra những bộ phim tuyệt vời. Thay vì dành thời gian xem xét những lời tố cáo vây quanh họ, thì họ chỉ đơn giản phớt lờ và đưa ra kết luận: "Tất cả là vì nghệ thuật" hay "Ranh giới giữa nghệ thuật và đạo đức đôi khi mỏng manh lắm".
Đạo diễn Bernardo Bertolucci hẳn đang thất vọng vì đã dám "nói sự thật" dù nó vẫn quá muộn màng
Vẫn biết, nghệ thuật là đòi hỏi sự hy sinh. Nhưng những thứ được đánh đổi bằng nhân tính và đạo đức thì có được coi là nghệ thuật chân chính hay không?