“Sao đặt thuốc mãi mà hem khỏi?”Chẳng là, tớ bị viêm “vùng kín” í mà. Cái chuyện viêm nhiễm này nói ra cũng xí hổ lắm, vì tớ bị viêm là do… ở bẩn. Bình thường tớ cũng là cô nàng sạch sẽ lắm, nhưng hôm í, đi chơi với bọn bạn cùng lớp về muộn, trời thì lạnh mà bình nước nóng nhà tớ lại đang bị hỏng nên tớ đã… không tắm rửa gì mà đi ngủ luôn. Lúc ấy tớ cũng chỉ nghĩ đơn giản là một hôm không tắm thì cũng chẳng sao, ai dè sau đó tớ bị ngứa ở “vùng kín” luôn.
Một điều đáng nói nữa là tớ lại chủ quan, khi bị ngứa không đi khám ngay. Mãi đến 1 tuần sau, khi khí hư của “cô bé” đã bắt đầu thoang thoảng mùi… cá ươn thì tớ mới “tá hỏa” đến bệnh viện. Khám cho tớ xong, cô bác sĩ chẩn đoán là bị viêm âm đạo nhẹ, cho tớ thuốc về đặt và dặn tớ hết thuốc thì đến khám lại.
Đinh ninh là chỉ cần làm theo đúng lời bác sĩ dặn là bệnh tật sẽ phải “cuốn gói” ra đi, ngày nào tớ cũng đặt thuốc rất “chuẩn”. Những lời dặn dò của cô bác sĩ như là phải giữ vệ sinh sạch sẽ, đặt thuốc trước khi đi ngủ, và thậm chí còn cẩn thận gác cao hai chân để… thuốc ngấm kĩ hơn nữa.
Đặt thuốc được khoảng 7 ngày, tớ mừng rỡ vô cùng khi thấy “cô bé” của mình đã hết mùi… cá ươn, trở lại thơm tho như ngày nào. Nhưng không hiểu sao cảm giác ngứa vẫn còn như cũ, thậm chí tớ thấy có vẻ còn ngứa hơn trước. Nghĩ là thuốc chưa phát huy hết tác dụng nên tớ lại tích cực đặt thuốc thêm mấy ngày nữa. Nào ngờ, cảm giác ngứa vẫn… y xì như cũ. Dùng hết cả thuốc rồi mà ngứa vẫn hoàn ngứa nên tớ lo lắng lắm. Tớ nghĩ hay là cô bác sĩ đã sơ xuất mà cho mình thiếu thuốc nhỉ? Và thế là, “chẳng cái dại nào bằng cái dại nào”, tớ bắt đầu ứng dụng hàng đống cách để tự chữa bệnh cho mình thêm hiệu quả.
Và hậu quả của những “sáng tạo” tự chữa bệnhBăn khoăn lo lắng mãi, nhưng tớ vẫn không đi khám lại. Lúc í tớ nghĩ là có lẽ cô bác sĩ đã cho thiếu thuốc và tớ chưa giữ vệ sinh được tốt nên mới bị ngứa mãi như thế. Rõ ràng là cô í đã cho tớ đúng thuốc, vì “cô bé” của tớ đã không còn mùi… cá ươn nữa cơ mà. Nghĩ vậy nên tớ đã mang vỉ thuốc đặt đã hết ra hiệu thuốc và mua thêm 1 vỉ y chang như thế nữa.
Về nhà, tớ vừa tiếp tục đặt thuốc, vừa hăng hái rửa nước muối, thậm chí còn dùng cả dung dịch vệ sinh để làm sạch “cô bé” một cách triệt để nhất. Tớ còn nhớ mang máng có lần cô hàng xóm kể là cô í bị ngứa “vùng kín” và đã khỏi nhờ dùng nước lá trầu không để rửa nên tớ cũng thực hành theo luôn. Tớ lóc cóc ra chợ, tìm mua lá trầu về và đun lên lấy nước “tắm” cho “cô bé”. Nghe con bạn nói nước lá đào cũng có thể chữa viêm âm đạo, tớ cũng hì hụi đi tìm bằng được lá đào về dùng luôn. Túm lại là có cách nào mà tớ biết, tớ nghe nói thì đều được tớ ứng dụng hết.
Cũng tại vì “cô bé” bị ngứa quá cơ, ngứa đến mức tớ lúc nào cũng ngọ ngoạy không yên, chỉ muốn… thò tay xuống gãi thui. Yên tâm là với “đống” phương pháp đa dạng của mình, “cô bé” ắt hẳn sẽ khỏi bệnh. Nào ngờ, “cô bé” không những không hết ngứa, mà còn bị sưng vù lên. Đầu tiên tớ cũng không nhận ra, chỉ thấy hơi căng căng ở “vùng kín”. Nhưng mấy hôm sau thì biểu hiện sưng rõ ràng luôn, làm tớ “tá hỏa tam tinh”, vội vàng chạy đến chỗ cô bác sĩ.
Nghe tớ “tường trình” và “khám nghiệm hiện trường” xong, cô bác sĩ lắc đầu: “Cháu đúng là… sáng tạo không phải lối! Cháu có biết tự tiện dùng thêm thuốc đặt và rửa bằng đủ các loại lá như thế là phản khoa học lắm không?”. Rồi trong khi tớ còn chưa kịp định thần thì cô ấy đã “tấn công” tiếp: “Thuốc đặt âm đạo cũng như các loại thuốc khác, dùng phải có liều lượng thì mới hiệu quả. Nếu lạm dụng, dùng nhiều quá sẽ gây nên sự kháng thuốc, làm mất cân bằng hệ vi sinh ở âm đạo, gây bội nhiễm các tác nhân gây bệnh khác, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm còn nặng hơn. Thêm vào đó, cháu dùng các loại lá để rửa mà không có cơ sở khoa học, dễ gây các phản ứng tương tác trong âm đạo, thậm chí có thể gây dị ứng với lá và còn bị viêm nặng hơn nữa”.
Tớ lúc ấy sợ quá, chỉ còn biết lắp bắp: “Cô ơi cháu không biết ạ. Cháu thấy “vùng kín” đã hết mùi rồi, chỉ còn ngứa thôi nên cháu nghĩ chắc cô cho thiếu thuốc. Vì thế mới đi mua thêm về dùng. Cháu không ngờ là hậu quả lại bị nặng hơn thế này”.
Cô bác sĩ nhăn mặt: “Thực ra, cháu chỉ bị dị ứng với thuốc đặt âm đạo thôi. Hiện tượng này nhiều người cũng gặp như cháu, vì trong thuốc đặt vốn có chứa kháng sinh, nên có bị dị ứng thì cũng chỉ là chuyện bình thường. Lẽ ra, khi hết thuốc mà cháu vẫn thấy bị ngứa thì phải đến đây cho cô khám lại ngay. Nếu lúc ấy cháu đến khám thì cô chỉ cần cho cháu thuốc bôi chống kháng viêm chống dị ứng 1-2 ngày là khỏi. Đằng này cháu lại…”
Nghe cô ấy nói thế, tớ vừa hối hận, vừa lo nên chẳng nói được gì, mặt méo xệch. Nhìn vẻ mặt khổ sở của tớ, cô bác sĩ trấn an: “Dù sao thì cháu cũng đã đến đây khám, hậu quả cũng không nghiêm trọng lắm. Tình trạng viêm chưa hết, nên cô sẽ cho cháu thuốc về dùng tiếp. Lần này phải dùng đúng như lời cô dặn và không được tự ý “sáng tạo” ra thêm cái gì đâu đấy nhé. Dùng xong thì không được mua thêm thuốc mà phải đến đây cô khám lại cho nghe chưa?”
Dĩ nhiên là sau lần ấy, tớ chẳng còn dám ho he tự làm bác sĩ nữa. Nhất nhất nghe theo lời bác sĩ, và thật may là sau khi dùng hết đợt thuốc í thì “cô bé” của tớ đã trở lại khỏe mạnh như cũ rùi đấy!