Nhắc đến Studio Ghibli, người ta không chỉ nghĩ về một hãng phim hoạt hình mà còn nhớ đến những thước phim đầy cảm xúc đưa ta bước đến thế giới kỳ diệu cùng cái nhìn sâu sắc về cuộc sống.
Có thể nói, lịch sử hình thành của Ghibli là câu chuyện về những con người đam mê nghệ thuật, những trái tim tận tụy với từng khung hình và sự kiên trì tạo ra những kiệt tác vượt thời gian.
Quay ngược trở lại những năm 80 của thế kỷ XX, khi ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản chủ yếu tập trung vào việc sản xuất anime theo chuỗi dài tập hoặc những bộ phim có ngân sách thấp, được làm với tiến độ nhanh để phục vụ nhu cầu thị trường.
Khi đó, ít ai dám nghĩ đến việc tạo ra những bộ phim hoạt hình có chất lượng tương đương với một bộ phim điện ảnh thực thụ, với sự đầu tư tỉ mỉ vào hình ảnh, cốt truyện và cảm xúc.
Tuy nhiên, Hayao Miyazaki và Isao Takahata – hai nhà làm phim với tầm nhìn nghệ thuật sâu sắc – đã không chấp nhận điều đó và lựa chọn một con đường chẳng mấy dễ dàng: làm phim hoạt hình với ngân sách lớn, chú trọng vào từng chi tiết nhỏ nhất và không bị ràng buộc bởi xu hướng thương mại nhất thời.
Bởi họ tin, hoạt hình không chỉ là công cụ giải trí đơn thuần còn là một phương tiện truyền tải cảm xúc, triết lý sống đầy tinh tế. Và Studio Ghibli ra đời năm 1985 với tham vọng tạo ra những bộ phim hoạt hình như vậy.
Bernard Shaw đã từng viết: “Một người lý trí là người thay đổi bản thân để thích nghi với môi trường. Chỉ có những người không lý trí mới muốn đi thay đổi môi trường để nó thích hợp với mình. Nhưng lịch sử lại thường được tạo nên bởi những người ở vế sau.”
Sự thật đã chứng minh, một trang vàng lịch sử trong nền công nghiệp hoạt hình đã được tạo ra.
Là một Totoro thân thiện ấm áp, trở thành biểu tượng của tuổi thơ thuần khiết, tựa dòng suối trong dịu dàng khẽ chảy qua từng góc nhỏ trái tim của mọi đứa trẻ.
Là một Vùng đất linh hồn mà ở đó, thứ chúng ta được chứng kiến chẳng phải chỉ đơn thuần là cuộc phiêu lưu kỳ ảo mà còn là hành trình trưởng thành đầy cảm xúc với lòng dũng cảm, tình yêu thương và cả những mất mát trong cuộc sống vô thường.
Hay một Mộ đom đóm - nơi nỗi đau chiến tranh nghiền nát con người, dù là thể xác hay tinh thần…
Không có nhân vật phản diện thuần túy hay anh hùng tuyệt đối, mỗi bộ phim của Ghibli đều mang đến một màu sắc riêng nhưng ở đó, từng khung hình đều khiến chúng ta cảm nhận sâu sắc hơi thở đẹp đến khôn cùng của cuộc sống bình dị này, dù là trong đau thương hay hạnh phúc.
Trong khi nhiều hãng phim hiện đại tận dụng công nghệ CGI (Computer-Generated Imagery) - kỹ thuật sử dụng đồ họa máy tính để tạo ra hình ảnh động và hiệu ứng đặc biệt trong phim ảnh, hoạt hình hay trò chơi điện tử nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất, khi mà cuộc đua về thời gian ngày càng trở nên khốc liệt và kẻ chiến thắng dường như là kẻ nhanh nhất, Ghibli vẫn kiên trì với phương pháp vẽ tay truyền thống.
Ở nơi ấy, từng đường nét, từng chuyển động nhỏ bé nhất đều được chăm chút bằng từ đôi tay của người nghệ sĩ - một sự tỉ mỉ và thậm chí là cả nỗi đau, sự tận tụy khiến người ta kinh ngạc.
Khi xem những thước phim do một nhóm nhà thiết kế CGI, hay hiện tại chính là AI thực hiện với hy vọng có thể dùng công nghệ thay thế cho vẽ tay, Hayao Miyazaki đã lặng đi và nói:
“Những người tạo ra thứ này không thể hiểu nỗi đau là gì [...] Tôi sẽ không bao giờ đưa công nghệ này vào tác phẩm của mình. Đây chính là sự xúc phạm cuộc sống…”
Thường, một hoạ sĩ khi thực hiện một khung vẽ tay với yêu cầu chất lượng, độ tỉ mỉ cao như của Ghibli sẽ mất khoảng 3 ngày làm việc với ca làm 8 tiếng/ngày. Một giây trong bộ phim thường cần tới 24 khung vẽ tay riêng biệt. Như vậy, với một phép tính đơn giản, để có được một giây trong phim, một hoạ sĩ của Ghibli sẽ mất tổng cộng đến 192 ngày.
Đơn cử như bốn giây mang tính biểu tượng trong bộ phim “Gió nổi rồi”. Tưởng chừng là một cảnh hỗn loạn nhưng tất cả nhân vật trong đó đều di chuyển một cách chẳng hề ngẫu nhiên. Mỗi người ở mỗi độ tuổi khác nhau, với các hành động khác nhau đang chen chúc trong đám đông đều theo một quỹ đạo của riêng mình. Tất cả được vẽ bằng tay một cách tỷ mỉ trong vòng 15 tháng.
4 giây trong bộ phim “Gió nổi rồi”
Vậy nhưng, đó chỉ là khi giờ làm việc mỗi ngày gói trong 8 tiếng. Để đáp ứng thời hạn mà nhà sản xuất đã đưa ra trước đó về ngày phim được phát hành, đội ngũ hoạ sĩ hàng trăm người của Ghibli buộc phải cật lực làm việc liên tục để vừa kịp tiến độ, vừa thỏa mãn yêu cầu khắt khe trong từng khung hình.
Đặc biệt, trong thời gian làm bộ phim “Ngọn đồi hoa hồng anh” (From Up on Poppy Hill), Hayao Miyazaki đã buộc phải đốc thúc tất cả mọi người đẩy nhanh tiến độ để cổ vũ tinh thần người Nhật Bản khi vừa trải qua thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011 khi ấy. Đến con trai của ông cũng thừa nhận không thể kế nghiệp cha do khối lượng công việc quá lớn kèm yêu cầu cao.
2 giờ chiếu trên màn ảnh rộng, từng giây phim Ghibli lướt qua tầm mắt đều là những năm tháng miệt mài của hàng trăm hoạ sĩ. Đây có lẽ chính là nỗi đau mà Hayao Miyazaki nhắc tới, nỗi đau những người làm phim hoạt hình bằng kỹ thuật công nghệ hiện đại không thể thấu hiểu hay truyền đến trái tim người xem những rung cảm đẹp đẽ, thuần khiết ấy.
Tôi đã từng tròn mắt nín thở trước những khung cảnh đẹp đến từng nhành hoa ngọn cỏ lay trong gió, nơi một chuyện tình đẹp của Howl và Sophie được viết lên, từng choáng ngợp trước khung cảnh một nhà tắm xa hoa nơi những linh hồn vẫn náo nhiệt sáng đèn hàng đêm với hàng trăm vị khách kỳ dị và cũng từng man mác buồn chỉ vì một cảnh tượng cơn gió cuốn bay cánh hoa cùng chiếc khăn trong Gió nổi rồi…
Dù là 20 năm trước hay 20 năm sau, từng khung hình của Ghibli vẫn luôn giữ đẹp tựa thuở ban đầu - nơi họ chẳng vội vã chạy theo xu hướng thị trường, cứ thế miệt mài với giấy chì màu nước.
Một làn tóc tung bay trong gió, một giọt nước mắt rơi chậm trên gò má hay ánh sáng lấp lánh trên mặt nước đòi hỏi hàng trăm bức vẽ tỉ mỉ. Chính điều đó tạo nên hơi thở cuộc sống mà Hayao Miyazaki vẫn nhắc đến, một sự chân thực không công nghệ nào có thể thay thế.
Suy cho cùng, cái chúng ta vẫn luôn tìm kiếm ở nghệ thuật chính là cuộc sống - ở trong một phiên bản đẹp đẽ, cũng đôi khi là đau đớn, khắc nghiệt hơn của nó.
Một trong những yếu tố đặc trưng nhất của Ghibli là cách họ sử dụng "ma" (間) – khái niệm trong nghệ thuật Nhật Bản về việc tạo khoảng lặng để cảm xúc được truyền tải trọn vẹn.
Một khung hình tĩnh, một cái nhìn đăm chiêu của nhân vật hay cảnh cánh đồng lúa đung đưa trong gió đều có thể kéo dài vài giây, để người xem có đủ thời gian cảm nhận, suy tư và hòa mình vào nhịp điệu của bộ phim. Đó chính là lý do tại sao những tác phẩm của Ghibli luôn mang đến cảm giác trầm lắng, sâu sắc và chân thực.
Trí tuệ nhân tạo giống như một tiềm thức tập thể - nơi chúng có một não bộ lưu trữ tất cả các tác phẩm hiện có do con người tạo ra và làm nên một “lối tắt” để có một tác phẩm được coi là đầy tính “nghệ thuật”.
Các vấn đề về việc vi phạm bản quyền trong các tác phẩm do AI tạo ra vẫn đang được bàn tán xôn xao với nhiều luồng dư luận. Bên cạnh những ý kiến phản đối thì nhiều người cũng cho rằng, mọi tác phẩm nghệ thuật chúng ta thấy hiện nay đều là sản phẩm phái sinh và cuộc chơi sẽ nghiêng về người có thể làm tốt nhất, nhanh nhất.
Đây là cuộc tranh cãi chưa có hồi kết - ít nhất đến thời điểm hiện tại.
Một bức ảnh được tạo từ AI theo phong cách Ghibli
Nhưng chỉ đến khi trình tạo hình ảnh mới nhất của OpenAI trên ChatGPT dễ dàng bắt chước phong cách Studio Ghibli mới tạo ra một làn sóng phản đối kịch liệt, khi một cảm giác khó chịu - có lẽ với phần đông những người yêu thích hãng hoạt hình nổi tiếng này - dâng lên.
Có lẽ vì nó đã copycat một phong cách nghệ thuật được hoàn thiện tỉ mỉ trong gần bốn thập kỷ, một biểu tượng của sự tinh tế đến từng chi tiết và rồi biến nó thành những nội dung rỗng tuếch được tạo chỉ sau một cái nhấp chuột và vài phút chờ đợi?
Hoặc cũng có lẽ vì chính điều mà Hayao Miyazaki từ chối mang vào tác phẩm của mình lại nghiễm nhiên sử dụng thứ ông dành cả đời tạo ra để làm nên một trào lưu sớm nở tối tàn - giống như một sự chế giễu, lời khiêu khích trắng trợn?
Dù với lý do gì khiến người ta phẫn nộ đi chăng nữa thì rõ ràng, những thứ AI tạo ra, không thể thay thế được nghệ thuật chân chính. Bởi nghệ thuật không chỉ đơn thuần là kết quả cuối cùng mà là quá trình giả kim tạo ra nó, là những tư duy, cảm xúc và ý nghĩa mà nghệ sĩ đặt vào trong.
Hayao Miyazaki từng nói: “Khi ai đó dành trọn tâm huyết vào một tạo vật. Thứ ấy sẽ mang trong mình một linh hồn.”
Đương nhiên, AI không có điều ấy. Thứ AI tạo ra chỉ là một sản phẩm, không phải và vĩnh viễn cũng không thể là nghệ thuật.
Một bức tranh, một bài hát hay một bài thơ không chỉ cần đẹp về mặt hình thức mà còn phải chạm đến cảm xúc người xem, người nghe. Nghệ thuật không chỉ có kỹ thuật hay sự hoàn hảo, mà là cách nó khiến ta cảm nhận, suy ngẫm về những câu chuyện phía sau.
Nhưng rõ ràng, khi dần để AI lấn sâu vào lĩnh vực sáng tạo, đồng nghĩ với việc chẳng thể phủ nhận, chúng ta cũng dần đánh mất đi “tính người” trong các tác phẩm nghệ thuật.
Chắc chắn AI không tước đi khả năng sáng tạo hay trí tưởng tượng của con người trong nghệ thuật, có thể AI sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hoàn thiện tác phẩm với những người đã có kỹ năng và giúp người mới có khả năng tiếp cận dễ dàng hơn nhưng nhưng khi ngày càng có nhiều nhà sáng tạo, các nhà văn, hoạ sĩ đắm chìm… trong “mê thuật” của sự nhanh chóng, lợi ích kinh tế mà AI mang lại. Chính bản thân họ sẽ dần biến chất mà không hề hay biết.
Một nhà văn khi có thể sử dụng AI để tinh chỉnh các bài thơ, quyển sách, khiến lời văn của mình sao cho giống như các bậc thi hào nổi tiếng, nhận về những sự ngợi khen… nhưng khi đó, các tác phẩm liệu có còn bộc lộ bản thân họ hay chỉ còn là một phần trong biển nội dung do AI tạo ra?
Liệu chúng ta có cảm giác thành tựu sau khi hoàn thiện tất cả? Liệu những tác phẩm ấy có thể giúp ta xử lý cảm xúc, thấu hiểu bản thân - một điều cốt yếu trong quá trình sáng tạo nghệ thuật hay không?
Rõ ràng, niềm hạnh phúc khi một tác phẩm từ chính tay mình làm ra không thể được sao chép bằng cách nhấn nút trên máy tính.
Người ta có thể lập luận rằng AI giúp lấy cảm hứng hoặc đơn giản hóa quy trình để chúng ta có thể tập trung vào ý tưởng. Nhưng sự lạc quan này ngây thơ biết bao khi lịch sử đã chứng minh con người là loài luôn yếu đuối trước lòng tham và sự cám dỗ. Chúng ta luôn muốn lựa chọn những thứ dễ dàng và dần trở nên lười biếng, trì trệ hay thậm chí là đánh mất khả năng làm những thứ vốn dĩ trong tầm tay.
"Tôi cảm thấy như chúng ta đang đến gần hơn với ngày tận thế. Con người chúng ta đang mất niềm tin vào chính mình" - Đây cũng chính là điều Hayao Miyazaki từng nói khi nghe về cỗ máy có thể “vẽ tranh như con người”.
Chẳng những vậy, khi AI giúp sáng tạo nghệ thuật trở nên dễ dàng đến mức ai cũng có thể làm được, thì cũng đồng nghĩa với việc tính cá nhân của người nghệ sĩ đang dần bị xóa bỏ.
Mọi thứ từ âm nhạc, thời trang đến văn học đều trở thành những bản sao lặp đi lặp lại và dường như chẳng ai có đủ động lực để thoát ra. Điều này gây áp lực buộc nghệ sĩ phải sáng tạo không vì niềm vui hay sự tâm huyết mà vì số lượng. Vẻ đẹp và sự kỳ diệu của từng cá nhân dần biến mất khỏi cuộc sống.
Nghệ thuật của con người luôn tồn tại cả những khiếm khuyết, chính điều này khiến nó trở nên độc đáo chứ không nhờ việc chắp ghép điều có sẵn để tạo thành một thứ rỗng tuếch.
Chẳng ai có thể phủ nhận những lợi ích mà AI mang lại nhưng đừng vì vậy mà đánh mất đi giá trị vốn có của con người. Rằng dù chúng ta luôn vẫn tiến về phía trước nhưng đừng chỉ hướng tới kết quả mà quên mất những cảm xúc, đam mê và sự tận tụy trong mỗi con người là thứ không thể lập trình.