Câu chuyện đi tìm băng tang giữa đất Nhật đầy cảm động của chàng phi công Thái

Skye, Theo Trí Thức Trẻ 09:17 18/10/2016
Chia sẻ

Khi người dân Thái Lan đang chết lặng trong niềm đau và nước mắt, câu chuyện về chiếc băng tang đen của chàng phi công được hai người phụ nữ Nhật Bản tặng như làm ấm lòng cả dân tộc.

Chiều ngày 13/10, người dân Thái Lan nhận tin dữ. Đức Vua tôn kính Bhumibol Adulyadej của họ đã ra đi ở tuổi 88. Từ nay người ta không còn được thấy Đức Vua thích chụp ảnh và hay nở nụ cười ấy bằng xương bằng thịt nữa, tất cả chỉ còn là những tấm ảnh, áp phích trưng đầy mọi nẻo đường mà thôi.

Đất nước Thái Lan ấy, nổi tiếng với bao chốn vui chơi hội hè, gần như là mảnh đất mang nhiều nụ cười nhất Đông Nam Á, nay chìm trong màu xám tro tang thương não nề.

Câu chuyện đi tìm băng tang giữa đất Nhật đầy cảm động của chàng phi công Thái - Ảnh 1.

Anh Pat Phannachet trên chiếc máy bay mình lái.

Trong cái ngày người dân Thái Lan chìm trong nỗi đau thương đó, trên phi trường Narita, Nhật Bản, phi công Pat Phannachet vẫn đang phải tiếp tục công việc chở khách của mình. Nếu như có thể nghỉ việc trở về để tang như những công chức, người làm thuê khác, chắc hẳn Phannachet sẽ ngay lập tức bỏ dở tất cả, chỉ để một lần được hướng niềm tôn kính về với Đức Vua kính yêu.

Là một phi công của hãng hàng không Air Asia, Pat gần như không có mấy khi được ở tại Bangkok, Thái Lan. Với anh, máy bay như chính ngôi nhà thứ hai của mình.

Nhưng cái khoảnh khắc bóp nghẹn con tim trước sự ra đi của người cha dân tộc, Phannachet chỉ muốn được trở về nhà.

Sáng ngày hôm sau, hãng hàng không có yêu cầu các nhân viên đeo băng đen để tang Quốc vương Bhumibol. 

Nhưng tìm đâu ra một thứ như vậy ở sân bay cơ chứ? Nơi đây có đầy đủ các thứ xa xỉ, những món đồ đắt tiền nhưng một băng đen thì kiếm đâu ra?

Pat chạy đôn chạy đáo khắp nơi, cốt chỉ cần tìm ra một tấm vải đen cho anh được chung nỗi buồn với dân tộc. Và anh tới cửa hàng bán đồ thủ công nọ, nơi đây có hai phụ nữ người Nhật lớn tuổi, niềm hy vọng duy nhất của Phannachet có thể chính là ở cửa hàng này.

Tuy nhiên, trở ngại về ngôn ngữ luôn là trở ngại lớn nhất trong giao tiếp giữa con người với con người. Vốn tiếng Nhật ít ỏi chỉ đủ để chào hỏi của Phannachet chẳng thể nào diễn tả nổi điều anh muốn tới hai người phụ nữ, mặc cho hoa chân múa tay liên hồi và diễn tả theo lối đường vòng trúc trắc. Trong sự tuyệt vọng, Phannachet đành giơ ảnh Đức Vua Bhumibol lên, với chỉ còn 1% hy vọng cuối cùng là hai người phụ nữ Nhật sẽ hiểu được điều anh muốn.

Câu chuyện đi tìm băng tang giữa đất Nhật đầy cảm động của chàng phi công Thái - Ảnh 2.

Anh Pat và tấm băng đen hai người phụ nữ người Nhật Bản làm vội.

Nhìn người con trai đó đang khẩn khoản một điều gì và bức ảnh Quốc vương Thái Lan cầm trên tay, hai người phụ nữ Nhật Bản chợt hiểu ra điều gì rồi òa lên khóc. Họ đứng đó, nhìn di ảnh Quốc vương Bhumibol và nước mắt lưng chừng, miệng liên tục nói "xin lỗi, xin lỗi" bằng thứ tiếng Anh vụng về, nhưng thật tâm của mình.

Hai người ngay lập tức tự tay cắt cho anh phi công người Thái một chiếc băng tang nhanh nhất có thể, để anh yên tâm trở về với công việc của mình. Sau khi cảm ơn họ, Phannachet rời khỏi cửa hàng. Niềm đau dân tộc vẫn còn đó, nhưng lại nhen nhóm chút hạnh phúc kỳ lạ. Quốc Vương của anh, có thể đã băng hà, nhưng ông vẫn sống, trong lòng không chỉ người dân Thái Lan mà còn trong lòng người dân trên toàn thế giới. Minh chứng rõ ràng nhất nằm ở cái cửa hàng bán đồ thủ công nơi đất khách quê người này.

Câu chuyện đi tìm băng tang giữa đất Nhật đầy cảm động của chàng phi công Thái - Ảnh 3.

Anh đã đăng tải câu chuyện của mình lên Facebook và nhận được nhiều lượt chia sẻ của người dân Thái Lan.

Trong giờ phút cả đất nước chìm trong tang thương, câu chuyện của anh Pat chia sẻ trên Facebook như làm ấm lòng bao người dân tại Thái Lan. Ở đó là một chàng phi công trẻ Thái Lan với tình yêu thành kính dành cho Quốc vương và Bhumibol và hai người phụ nữ Nhật Bản tử tế, tốt bụng, cố gắng hết sức mình vì một chiếc băng đen để tang nhà vua. 

3 con người, 2 câu chuyện: một thế hệ người trẻ sinh ra sau chiến tranh nhưng vẫn luôn ngưỡng mộ Đức vua Rama IX, người đã nhìn Thái Lan thay da đổi thịt mỗi ngày và một cuộc sống mới tốt đẹp cho người dân; còn bên còn lại là đại diện cho lớp người già Nhật Bản, những người vẫn đang mang theo những giá trị tốt đẹp của cả dân tộc và khiến bao người phải khâm phục.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày