Nếu coi những kiến thức về văn hóa là một yếu tố để đánh giá trình độ của một người thì việc đi bảo tàng nghệ thuật đôi khi được coi là một hành vi thể hiện sự quan tâm tới văn hóa sâu sắc. Giữa hàng trăm con người đang lang thang qua các phòng tranh, những bức điêu khắc, ta có thể nhìn khá rõ 2 nhóm người: nhóm người đi bảo tàng để nâng cao hiểu biết về nghệ thuật và nhóm người đi bảo tàng chỉ để chụp ảnh.
Hoặc một nhóm khác khá đông đảo ở giữa như tôi, kết hợp cả hai việc trong mỗi chuyến đi.
Có người cảm nghệ thuật qua những bức hình bằng đôi mắt; nhưng có những người, họ thấy nghệ thuật xứng đáng được ghi nhớ lại qua ống kính máy ảnh, không sao cả, tựu chung họ đều là những người yêu cái đẹp theo những cách rất khác nhau.
Thảng hoặc với những con mắt thô tháp như tôi đây, tôi đi triển lãm tìm cái đẹp, nhưng đôi khi lại thấy.. buồn cười và hài hước, phải ghi lại ngay chứ, đó là khoảnh khắc mà chúng ta hiếm khi được gặp lại, nhất là khi đang ở 1 xứ sở xa xôi nào đó.
Thiết nghĩ, điều cần làm là làm sao để việc chụp hình văn minh, tuân thủ theo đúng những quy định của không gian nghệ thuật và không ảnh hưởng đến người khác, chứ không phải cấm việc chụp hình.
Việc chụp hình trong bảo tàng là điều không hiếm gặp. Tuy nhiên, hãy biết cách chụp hình sao cho khéo léo và không gây ảnh hưởng đến người khác.
Không cấm chụp hình, miễn tuân theo quy định
Tại đa số các bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới, bao gồm cả Louvre hay Vatican, khách tham quan vẫn được thoải mái chụp hình. Tuy nhiên, sẽ có những quy định khác nhau tùy thuộc vào bảo tàng và khu vực trưng bày.
Theo quy định của bảo tàng nghệ thuật San Diego, Mỹ, du khách tham quan vẫn có thể chụp hình cho mục đích cá nhân (tất nhiên, những bức selfie được chấp nhận). Đây là một quy định phổ biến khi các hoạt động chụp hình mang tính thương mại đều phải có sự cho phép của ban quản lý bảo tàng. Bên cạnh đó là những khu vực triển lãm đặc biệt không cho phép chụp ảnh với biển chỉ dẫn "Không được chụp ảnh".
Không flash và chỉ chụp ở những nơi cho phép.
Tại bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới Louvre, Paris, Pháp, du khách không được phép bật flash khi chụp ảnh. Đây không phải trường hợp cá biệt khi hầu như bảo tàng nào cũng có quy định về điều này.
"Các tác phẩm nghệ thuật có thể được chụp hình và quay phim cho mục đích cá nhân. Nhưng việc sử dụng flash và các thiết bị đánh sáng khác là hoàn toàn bị cấm vì sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của tác phẩm'
Để hạn chế cảnh tượng khách tham quan đến quá gần hiện vật, thậm chí có những trường hợp quá lố pose cùng tượng, leo trèo, đùa nghịch; bảo tàng nghệ thuật Indianapolis, Mỹ nghiêm cấm leo trèo, dựa hay ngồi lên hiện vật. Theo quy định của bảo tàng San Diego, du khách không được đứng gần hiện vật quá 30cm, nhưng chụp thì tất nhiên là thoải mái.
Những hành động như vậy bị cấm ở nhiều bảo tàng.
Không chỉ Flash, nhiều bảo tàng nghiêm cấm sử dụng các sản phẩm hỗ trợ chụp ảnh khác. Nếu tới thăm bảo tàng nghệ thuật Vatican, bạn không được sử dụng chân máy ảnh vì lý do gây ảnh hưởng tới không gian của người khác
Một điểm nữa dễ thấy trong văn hóa chụp ảnh tại bảo tàng tại nước ngoài là việc nhiều du khách chỉ chọn những loại máy du lịch gọn nhẹ hoặc điện thoại để chụp, tránh làm ảnh hưởng đến người khác. Ngoài ra, tại các bảo tàng phương Tây, việc selfie, chụp nhóm bên trong bảo tàng rất ít khi xảy ra mà thường khách tham quan chỉ chụp các tác phẩm nghệ thuật.
Văn hóa chụp ảnh - văn hóa đi bảo tàng/triển lãm
Để nhìn nhận về vấn đề "Chụp hay không chụp ảnh trong triển lãm nghệ thuật" một cách khách quan, nhiều bạn trẻ, hiện đang là du học sinh hoặc có thời gian sinh sống lâu tại các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều ý kiến rất sôi nổi. Thu Linh - một du học sinh ở Úc có cho biết:
"Thời gian học ở Úc, em có đi mấy bảo tàng trên Sydney với cả dưới Melbourne nữa, thấy bên này người đi xem bảo tàng nghệ thuật khá đông, mà vào bảo tàng thì ít thấy chụp ảnh hay selfie này nọ lắm, mọi người xem khá tập trung nữa. Tuy nhiên, bộ phận các bạn trẻ tham quan và chụp ảnh trong bảo tàng không hề ít.
Nghệ thuật mang tính đại chúng nên khó có thể yêu cầu tất cả người xem đều phải là các chuyên gia nghệ thuật khi đi bảo tàng.
Đôi khi, chính những góc chụp của các bạn trẻ lại đem đến một cách thể hiện mới cho các tác phẩm nghệ thuật. Việc đặt một chủ thể sống động là con người bên cạnh các bức tranh, tượng điêu khắc hay nghệ thuật sắp đặt đem đến những góc nhìn đầy mới mẻ ấn tượng mà chính người nghệ sĩ không biết. Người trẻ có cái nhìn khác nhau về 'ART', thông qua con mắt của họ, nhiều người sẽ phải ngạc nhiên trước cảm quan nghệ thuật thực sự riêng biệt.
Những bức hình trong triển lãm nghệ thuật được đăng tải rất nhiều trên Instagram.
Chụp ảnh trong bảo tàng: ý thức từ mỗi du khách
Cấm hay không cấm chụp hình là một vấn đề từng được tranh luận rất nhiều và cũng không phải mới gặp. Dù đa phần các bảo tàng nghệ thuật vẫn cho phép chụp ảnh nhưng tồn tại một số cấm chụp ảnh bên trong, như bảo tàng Prado, Madrid, Tây Ban Nha; nhà nguyện Sistine, Rome, Ý hay bảo tàng Van Gogh, Hà Lan.
Rõ ràng, việc cấm chụp ảnh trong bảo tàng sẽ làm giảm đi trải nghiệm của du khách. Nhưng xét một cách công bằng, khi bảo tàng đã đưa ra những quy định, bản thân du khách cũng phải có ý thức chụp ảnh sao phù hợp để không phải mất lòng bất cứ ai.
- Hạn chế dùng gậy tự sướng: Vấn đề không nằm ở bức ảnh bạn chụp mà việc dùng gậy tự sướng sẽ gây ra cản trở đường đi lối lại của những khách tham quan khác.
- Không cười nói quá to, ồn ào; không xô đẩy chạy nhảy khi chụp ảnh.
- Tuyệt đối không dùng Flash; còn nếu bạn không biết tắt flash, hãy ngừng chụp ảnh một lúc.
- Không chắn tầm nhìn của các du khách khi họ đang xem các tác phẩm nghệ thuật. Không tụ tập ở những khu vực có nhiều người đi qua để chụp ảnh.
- Tuyệt đối không chạm vào hiện vật hay các món đồ của bảo tàng chỉ để làm nền cho các bức ảnh của bản thân.
Bạn có thể đi tham quan bảo tàng mà không chụp ảnh; nhưng chiếc máy ảnh không có lỗi gì để bị cấm, quan trọng là ý thức của mỗi người đi xem và cách hành xử cho phù hợp.
Để việc đi bảo tàng được vui vẻ và thoải mái, nhìn chung mỗi người phải tự có ý thức để không làm ảnh hưởng tới người khác. Tuy nhiên, khi đã xác định không gian triển lãm, bảo tàng mang tính "cộng đồng" thì sẽ không thể cứng nhắc yêu cầu tất cả những người tham quan chỉ mải miết xem nghệ thuật mà không chụp ảnh.
Chiếc máy ảnh không có lỗi gì để bị cấm, quan trọng là ý thức của mỗi người đi xem và cách hành xử sao cho phù hợp.