Lòng hiếu thảo là một khái niệm phổ biến với nhiều hộ gia đình châu Á. Theo đó, trẻ em được yêu cầu phải vâng lời cha mẹ trong mọi hành động. Trẻ không được làm trái ý bố mẹ cũng như nên sống theo kỳ vọng của bậc sinh thành để cho trọn vẹn lòng hiếu thảo.
Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia, đây là một tư tưởng nuôi dạy con không lành mạnh và có thể gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe tâm thần của con cái. Minh chứng rõ ràng nhất là câu chuyện của Doris Lam, một cô gái Trung Quốc từng chịu cách giáo dục như thế.
Dưới đây là những lời tâm sự từ đáy lòng của cô gái này:
"Khi trưởng thành, tôi luôn sợ hãi phải bước chân ra khỏi phòng ngủ. Bởi tôi biết, đằng sau cánh cửa kia là bố mẹ đang đứng đợi sẵn, với danh sách một loạt câu hỏi cũng như các yêu cầu buộc tôi phải sẵn sàng đáp ứng. Dù chỉ là một chiếc khăn, hay một chiếc thớt treo sai chỗ, bố mẹ cũng có thể mắng mỏ vì tôi đã làm không đúng. Họ nói tôi không phải là một cô con gái ngoan ngoãn, vâng lời.
Bố mẹ tôi gọi những phản ứng đó là thứ "tình yêu nghiêm khắc", là "yêu cho roi, cho vọt". Trong nhiều năm trời, tôi đã tin tưởng điều đó. Dù sao thì với các gia đình châu Á, lời nói của bố mẹ chính là luật pháp.
Hầu hết thời gian, các ông bố bà mẹ châu Á dạy cho con mình về lòng hiếu thảo và phải tôn trọng, yêu thương, chăm sóc bố mẹ để trả ơn sinh thành, dưỡng dục. Nhưng có một điều không ổn, đó là hình như họ đang nhầm lẫn và lạm dụng lòng hiếu thảo của con cái dành cho mình.
Rất nhiều ông bố bà mẹ lợi dụng truyền thống hiếu thảo lâu đời để bắt ép, định hình con sống một cuộc đời mà mình mong muốn.
Điều này đã xảy ra trong gia đình tôi! Suốt những năm tháng trưởng thành, tôi luôn cảm thấy áp lực nặng nề khi phải tuân thủ mọi điều đề ra để khiến bố mẹ hài lòng. Tôi đã phải kìm nén bản sắc, tiếng nói và ước mơ riêng của mình để khiến bố mẹ hạnh phúc. Tôi cũng đã phải chia tay bạn trai người nước ngoài vì lý do đó.
Cách đây vài tháng, tôi đã viết một bài luận, bày tỏ suy nghĩ của mình. Tôi cho rằng, lòng hiếu thảo nên được thực hiện vì tình yêu thay vì nghĩa vụ và truyền thống. Một điều chắc chắn là bố mẹ không nên khiến trẻ em mặc cảm chỉ vì muốn thử thách tình yêu và sự dâng hiến của chúng dành cho mình.
Các ý kiến của tôi khi đó đã gây ra chia rẽ cũng như các luồng tranh luận gay gắt. Nhiều bình luận khiến tôi hoang mang, tự hỏi có phải tôi đã sai khi cảm thấy mâu thuẫn với bố mẹ. Liệu tôi có nên yêu bố mẹ vô điều kiện và ép mình thành một hình mẫu họ mong muốn, hy sinh hạnh phúc riêng của bản thân vì bố mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng tôi?
Liệu tôi có nên cam chịu chấp nhận lối sống châu Á này? Liệu có quá bất công khi tôi không được du nhập các giá trị phương Tây vào gia đình mình?
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người ủng hộ quan điểm của tôi. Hòm thư của tôi đã tràn ngập những tâm tư, chia sẻ của những người đồng cảnh ngộ. Họ cũng giống tôi, cảm giác như muốn phát điên và thấy mình bị mắc kẹt, vẫy vùng trong truyền thống hiếu thảo – thứ truyền thống tràn ngập trách nhiệm và áp lực. Tuy nhiên, họ không thể nào nói lên quan điểm của mình với bố mẹ vì như vậy bị coi là hành vi thiếu tôn trọng và không trung thành với gia đình.
Từ những trải nghiệm của bản thân, tôi nhận ra lòng hiếu thảo luôn là một giá trị đáng tự hào của con người, nhưng với điều kiện, nó phải được dạy và thực hiện theo cách lành mạnh. Để làm được điều đó, chúng ta phải hiểu hai hình thức hiếu thảo khác nhau: tương hỗ và thẩm quyền.
Trong hai hình thức hiếu thảo trên, hình thức "tương hỗ" lành mạnh hơn. Với hình thức này, bố mẹ dạy cho một đứa trẻ phải làm gì, yêu cầu chúng tôn trọng bố mẹ. Nhưng những yêu cầu đó được thực hiện dưới tình yêu thương và sự ấm áp. Hơn hết, bố mẹ vẫn tôn trọng cá tính, tiếng nói của con.
Còn với hình thức hiếu thảo thẩm quyền thì bố mẹ triệt tiêu hoàn toàn bản chất của một đứa trẻ. Khi đó, trẻ vẫn sẽ tôn trọng bố mẹ và làm những gì chúng được yêu cầu nhưng chúng sẽ không làm điều đó dựa trên cảm giác biết ơn và ấm áp mà chỉ vì nghĩa vụ.
Trong trường hợp của tôi, bố mẹ đã bắt tôi phải tuân theo hình thức hiếu thảo thẩm quyền. Chính điều này khiến quá trình trưởng thành của tôi đau đớn vô cùng. Từng có lần, tôi ước mình được quay trở lại tuổi 14 để tự an ủi bản thân mình. Lúc đó, tôi sẽ nói với chính mình rằng, cách nuôi dạy con cái của bố mẹ tôi còn nhiều thiếu sót, và đừng bao giờ để ý đến những lời nói bắt ép của họ".