Trong mắt nhiều học sinh, thầy cô thường khá... đáng sợ, lúc nào cũng nghiêm khắc và sẽ trách mắng nếu các em không tập trung học bài. Nhiều khi, học sinh còn sợ thầy cô hơn cả cha mẹ. Cũng vì vậy mà dẫn đến nhiều câu chuyện "cười ra nước mắt"!
Mới đây, một tình huống cực kỳ hài hước đã xảy ra ở Trung Quốc, khiến cộng đồng mạng nước này được phen cười ná thở. Theo đó trong kỳ nghỉ hè, một câu bé tiểu học ở Trung Quốc đang đi ăn ở nhà hàng thì tình cờ thấy giáo viên chủ nhiệm bước vào.
Cậu bé nhìn chằm chằm để xác định xem đó có đúng là giáo viên chủ nhiệm của mình hay không.
Ngay khi nhìn thấy cô giáo, nam sinh đã sửng sốt trong chốc lát, rồi trợn tròn mắt, cẩn thận xác minh xem đây có phải là cô chủ nhiệm của mình hay không. Ngay sau khi xác nhận xong, ánh mắt của em này đảo qua đảo lại liên tục, còn chớp chớp mắt, lắc đầu, trong lòng như thầm nghĩ: "Em không nhìn thấy cô. Cô cũng không nhìn thấy em, nhất định không nhìn thấy".
Ánh mắt dần lo lắng, bất an.
Cậu nhóc quay sang chỗ khác, vờ như không nhìn thấy cô giáo.
Toàn bộ biểu cảm chột dạ đầy hài hước của cậu bé này đã bị chụp lại, chia sẻ lên mạng xã hội và nhận về rất nhiều bình luận. Không ít người để lại bình luận hài hước như: "Y hệt tôi hồi nhỏ, chẳng sợ ai, chỉ sợ cô giáo chủ nhiệm", "Ha ha, chắc chắn là cậu nhóc này chưa làm bài tập nghỉ hè, sợ cô giáo nhìn thấy sẽ hỏi thăm tình hình học hè ở nhà đây mà";...
Thực tế, nhiều em học sinh sợ giáo viên là bởi vì thầy cô nghiêm khắc quá. Dẫu biết thầy cô nghiêm khắc bởi thương học sinh, muốn các em có thành tích học tập tốt hơn, tương lai nhờ đó cũng tươi sáng hơn. Tuy nhiên nghiêm khắc quá mức cũng không phải là cách giáo dục hiệu quả.
Đánh giá từ biểu hiện của học sinh, giáo viên cần phải có sự điều chỉnh, thay đổi phương pháp giáo dục, cách tiếp cận các em đúng đắn.
Nếu học sinh hoạt bát, vui vẻ, dễ gây mất trật tự trong lớp, giáo viên có thể nghiêm khắc hơn, nhưng không nên quá mức. Phải biết rằng, tâm lý học sinh rất mong manh, giáo viên chủ nhiệm cần chú ý đến phép tắc, sao cho học sinh biết ơn chứ không sợ sệt, oán giận.
Trong trường hợp học sinh hướng nội, giáo viên sẽ cần chú tâm, để ý đến cảm xúc của các em hơn. Một lời nói không đúng có thể khiến học sinh bị tổn thương. Vậy nên cần nhẹ nhàng tiếp cận, tìm hiểu xem học sinh đang nghĩ gì.
Với học sinh có tính cách kiêu ngạo, hay tự cho mình là đúng, không thèm để ý, lắng nghe người khác thì giáo viên cần có biện pháp nghiêm khắc. Hãy để cho học sinh biết, ai cũng có khuyết điểm, muốn trở nên tốt hơn thì phải biết lắng nghe, không nên quá tự kiêu. Nói chung, tùy từng trường hợp học sinh mà giáo viên sẽ đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp.