Cậu bé mầm non nói: "Cháu không muốn về nhà", biết được sự thật, người lớn nào cũng bật khóc

Dương, Theo Đời sống & Pháp luật 10:31 03/04/2025
Chia sẻ

Cậu nhóc không muốn quay về chính ngôi nhà của mình.

Một lần tan làm về nhà, khi đi ngang qua cổng khu chung cư, tôi nhìn thấy một cậu học sinh tiểu học đeo chiếc cặp to nặng, ngồi bệt dưới đất, nước mắt rơi lã chã. Vài chú bảo vệ đứng xung quanh, nhẹ nhàng khuyên cậu bé mau chóng về nhà.

Thế nhưng, khi nghe thấy hai chữ "về nhà", dường như một quả bom giấu kín trong lòng cậu bé bị kích nổ. Cậu lập tức òa khóc nức nở, gào lên trong tuyệt vọng: "Cháu không muốn về nhà!".

Cậu bé có khuôn mặt trắng trẻo đáng yêu, mặc bộ đồng phục gọn gàng, trên ngực còn đeo chiếc khăn quàng đỏ rực rỡ. Sự đối lập giữa diện mạo sáng sủa và những hành động đầy đau đớn khiến ngày càng nhiều người tò mò, vây quanh để hỏi han chuyện gì đã xảy ra.

Nhiều người tốt bụng cúi xuống muốn giúp cậu bé đứng dậy, lau nước mắt và dỗ dành. Nhưng cậu chỉ nghẹn ngào nói: "Cháu không muốn về nhà, cháu không có nhà, bố mẹ cháu chỉ biết cãi nhau".

Lúc này, một chú bảo vệ đã gọi cho quản lý khu chung cư, hy vọng có thể liên lạc với gia đình cậu bé để đưa cậu về nhà.

Nghe những lời trách móc đầy đau khổ của cậu bé, tim tôi như bị bóp nghẹt. Đáng lẽ ra, sau giờ học, cậu bé nên vui vẻ về nhà, tận hưởng tình yêu thương của cha mẹ. Vậy mà giờ đây, cậu lại ngồi ở cổng khu chung cư, khóc nức nở vì không muốn bước chân vào tổ ấm của mình.

Sau này, khi trò chuyện với hàng xóm, tôi mới biết được nguyên nhân. Bố mẹ cậu bé vì làm ăn thất bại nên ngày nào cũng chì chiết, trách móc lẫn nhau. Trước kia, cậu bé vốn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, hồn nhiên, vô lo vô nghĩ. Thế nhưng, từ khi gia đình rạn nứt, thành tích học tập của cậu sa sút nghiêm trọng, không còn thích chơi cùng bạn bè, lúc nào cũng mang một vẻ mặt nặng nề, chất chứa đau thương.

Cậu bé mầm non nói: "Cháu không muốn về nhà", biết được sự thật, người lớn nào cũng bật khóc- Ảnh 1.

Cậu nhóc không muốn quay về chính căn nhà của mình (Ảnh minh họa)

Sau lần cậu bé khóc lóc ở cổng chung cư, các nhân viên xã hội cũng đã vào cuộc để hòa giải mối quan hệ gia đình này. Mọi người đều hy vọng rằng, với sự giúp đỡ của các chuyên gia, đôi vợ chồng này có thể tìm lại sự bình yên, để mang đến cho con trai họ một gia đình hạnh phúc.

Thực tế, trên thế giới này, vẫn còn rất nhiều đứa trẻ đang phải chịu đựng những thay đổi do cha mẹ gây ra, thậm chí dần bị "dẫn dắt" theo chiều hướng tiêu cực. Chúng ta đều biết rằng, gia đình có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự hình thành và phát triển của một đứa trẻ.

Dù rằng nền giáo dục, kinh nghiệm sống và môi trường xã hội có thể tác động đến tư duy, quan điểm và tầm nhìn của mỗi người, nhưng tính cách và hành vi vẫn luôn mang dấu ấn sâu đậm từ sự dạy dỗ của cha mẹ từ thuở nhỏ.

Chính vì vậy, khi đã trở thành cha mẹ, chúng ta phải có trách nhiệm với con cái. Trách nhiệm này không chỉ dừng lại ở việc chăm lo đời sống vật chất, mà còn là sự giáo dục đúng đắn về tinh thần và nhân cách.

Nhiều bậc cha mẹ, vô tình hoặc cố ý, đang từng ngày kéo con mình vào một vòng xoáy tiêu cực. Dưới đây là những thói quen tưởng chừng như vô hại, nhưng thực tế lại có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ.

1. Luôn than phiền

Cuộc sống của người trưởng thành vốn đầy rẫy những khó khăn, cảm xúc tiêu cực như tức giận, buồn bã, tủi thân là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ lại có thói quen trút bỏ gánh nặng này bằng cách liên tục than phiền trước mặt con cái.

Dù còn nhỏ và có thể chưa hiểu hết ý nghĩa lời nói của cha mẹ, nhưng trẻ vẫn có thể cảm nhận được cảm xúc tiêu cực đó. Lâu dần, trẻ cũng sẽ hình thành thói quen than vãn, luôn chìm trong suy nghĩ bi quan, khiến người xung quanh cảm thấy ngột ngạt. Không những thế, trẻ còn dễ trở nên tự ti, bất lực và có xu hướng muốn rời xa gia đình.

2. Thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh

Một cô gái 27 tuổi tên Tiểu Ưu có bạn trai đã yêu nhiều năm. Cô dự định dẫn anh về ra mắt cha mẹ vào cuối năm nay, nhưng ngày nào cũng lo lắng không yên.

Lý do là vì cha mẹ cô quá lười dọn dẹp, khiến nhà cửa luôn trong tình trạng bừa bộn, đầy bụi bẩn và rác thải. Ngay cả khi cô dọn dẹp sạch sẽ, chỉ trong một ngày, mọi thứ lại trở nên lộn xộn như cũ. Vì thế, cô không dám đưa bạn trai về nhà.

Nếu cha mẹ không có thói quen giữ gìn vệ sinh, trẻ cũng sẽ bắt chước theo. Ngoài ra, một môi trường sống nhếch nhác có thể khiến trẻ cảm thấy xấu hổ khi giao tiếp với bạn bè.

Cậu bé mầm non nói: "Cháu không muốn về nhà", biết được sự thật, người lớn nào cũng bật khóc- Ảnh 2.

Trẻ lớn lên trong môi trường gia đình bất hòa có thể gặp tổn thương tâm lý nặng nề (Ảnh minh họa)

3. Thường xuyên cãi nhau

Bất đồng trong hôn nhân là chuyện bình thường, nhưng quan trọng là cách vợ chồng giải quyết xung đột. Những bậc cha mẹ thường xuyên lớn tiếng cãi vã mà không quan tâm đến cảm xúc của con cái sẽ khiến trẻ dần hình thành thói quen phản ứng tiêu cực với mâu thuẫn.

Trẻ lớn lên trong môi trường như vậy sẽ khó cảm nhận được tình thương và sự an toàn. Thậm chí, trẻ có thể trở nên nóng nảy, dễ cáu gắt hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm.

4. Luôn bắt lỗi con cái

Nhiều bậc cha mẹ yêu thương con hết mực nhưng lại không ngừng chỉ trích những lỗi nhỏ nhặt như không biết gấp quần áo, không ăn đúng cách, tốc độ ăn quá nhanh hoặc quá chậm…

Trẻ em khi phải nghe những lời chê trách liên tục sẽ dần cảm thấy mất tự tin, thậm chí xa cách cha mẹ. Một số trẻ chọn cách phớt lờ lời nói của cha mẹ, trong khi một số khác lại cố tình chống đối.

5. Luôn ngắt lời trẻ

Nhiều cha mẹ có thói quen ngắt lời con khi con đang hào hứng kể chuyện hoặc làm gián đoạn sự tập trung của con. Lâu dần, điều này khiến trẻ mất đi khả năng tập trung và không còn hứng thú chia sẻ suy nghĩ của mình.

Kết luận

Cha mẹ luôn mong con cái thành đạt, nhưng sự phát triển của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào cách giáo dục trong gia đình. Giáo dục con không chỉ là dạy dỗ trẻ, mà còn là quá trình cha mẹ tự nhìn lại bản thân, sửa đổi những thói quen xấu để làm gương cho con cái.

Theo Sohu

 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày