Xoay quanh câu chuyện chàng thanh niên Lâm Vạn Đông từ bỏ mức lương hơn 1 triệu nhân dân tệ (hơn 3 tỷ VND) mỗi năm để về quê làm việc, có rất nhiều ý kiến trái chiều được bàn tán xôn xao. Mùa tốt nghiệp năm 2024 đang đến gần, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học lớn đang phải đối mặt với vấn đề việc làm nghiêm trọng. Vậy tại sao Lâm Vạn Đông lại lựa chọn một con đường khiến nhiều người khó hiểu như vậy?
1. Tuổi thơ cơ cực
Lâm Vạn Đông sinh năm 2001 ở thành phố Tuyên Uy, tỉnh Vân Nam trong một gia đình có ba người con, gia cảnh rất khó khăn. Cả cha và mẹ của cậu đều đi làm thuê bên ngoài và thu nhập của họ hầu như không đủ để cơm ăn áo mặc hàng ngày cho cả gia đình. Cuộc sống rơi vào bế tắc khi cha của Lâm Vạn Đông bị chấn thương vùng lưng do một tai nạn, khiến gia đình cậu đã khó khăn nay lại càng khó khăn.
Biến cố đột ngột đã đặt mọi gánh nặng gia đình lên vai người mẹ, Lâm Vạn Đông là một người con hiếu thảo, cậu không nỡ nhìn mẹ phải chịu khổ nên đã xin mẹ cho nghỉ học để đi làm kiếm tiền trang trải việc nhà. Nhưng không ngờ mẹ Lâm Vạn Đông nhất quyết không đồng ý, bà nói với cậu rằng nếu còn nghĩ đến việc bỏ học đi làm nữa thì đừng gọi bà là mẹ. Lâm Vạn Đông thấy vậy đã âm thầm hạ quyết tâm phải học tập thật giỏi để không làm mẹ thất vọng.
Từ đó trở đi, chỉ cần được nghỉ học, Lâm Vạn Đông sẽ ra ngoài làm thêm để kiếm tiền. Lâm Vạn Đông đến xin vào làm ở công trường trước đây cha mình bị thương, dù trời nóng bức hay lạnh lẽo, người ta vẫn thường thấy một cậu bé có thân hình gầy gò bốc gạch ở công trường. Mặc dù vừa học vừa làm nhưng điểm số của cậu ở lớp vẫn rất cao, luôn đứng trong top đầu. Vì vậy mẹ cậu cũng yên tâm cho cậu vừa đi học vừa đi làm thêm.
Ba ngày trước kỳ thi tuyển sinh đại học vào tháng 6/2019, nhà trường tạm nghỉ ba ngày để thí sinh thư giãn trước kỳ thi. Ai có thể ngờ rằng vào thời điểm quan trọng như vậy, Lâm Vạn Đông lại đến công trường để bốc gạch. Khi kết quả được công bố, số điểm 713 của Lâm Vạn Đông khiến mọi người không khỏi bất ngờ. Ngày thư mời nhập học của Đại học Thanh Hoa được đưa đến, Lâm Vạn Đông chỉ khiêm tốn cảm ơn người đi thư một câu, đặt giấy báo nhập học xuống dưới cốc uống nước rồi lại vội vàng quay lại công trường bốc gạch.
Lâm Vạn Đông chia sẻ, lúc đó cậu thật sự không muốn đi học. Một là vì học phí quá cao, hai là vì cậu không yên tâm để một mình mẹ ở nhà chăm sóc hai em và người cha bị liệt. Cuối cùng mẹ phải thuyết phục Lâm Vạn Đông rằng, cậu nhất định phải đi học, chỉ bằng cách này Lâm Vạn Đông mới có thể giúp gia đình đổi đời.
Cuối cùng, Lâm Vạn Đông cũng đồng ý nhập học vào Đại học Thanh Hoa.
2. Đại học Thanh Hoa thay đổi vận mệnh
Sau khi nhập học, Lâm Vạn Đông làm việc chăm chỉ hơn bình thường, mặc dù theo học tại Đại học Thanh Hoa đầy tài năng nhưng lực học của Lâm Vạn Đông vẫn thuộc hàng tốt nhất. Ngay năm thứ hai sau khi nhập học, cậu chuyển từ chuyên ngành điện tự động hóa sang chuyên ngành quản lý thông tin và hệ thống thông tin của học viện Kinh tế Quản lý thuộc Đại học Thanh Hoa. Năm 2023, Lâm Vạn Đông tốt nghiệp thành công tại Đại học Thanh Hoa.
Trước khi tốt nghiệp, rất nhiều nhà tuyển dụng đã ngỏ lời mời với Lâm Vạn Đông. Có công ty còn không quan tâm việc cậu chỉ là một sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm làm việc đã đưa ra mức lương 1 triệu nhân dân tệ một năm. Nhưng không ai ngờ Lâm Vạn Đông lại từ chối tất cả để về làm công chức ở quê nhà Vân Nam. Cậu đã đăng ký tham gia Kỳ tuyển chọn Định hướng tỉnh Vân Nam năm 2023 và được Văn phòng Ủy ban quận Đông Xuyên của thành phố Côn Minh chấp nhận với kết quả rất xuất sắc.
Có người hỏi cậu: "Sau bao nhiêu năm làm việc chăm chỉ, nếu đi làm cho các công ty lớn cậu sẽ không phải chịu cảnh nghèo đói nữa. Tại sao lại từ bỏ một cơ hội tốt như vậy?"
Những người khác lại nói: "Những tài năng của Đại học Thanh Hoa nên tham gia nghiên cứu khoa học để tài năng của họ được sử dụng đúng lúc đúng chỗ."
Đối mặt với rất nhiều sự khó hiểu và nghi ngờ, Lâm Vạn Đông nói: "Không phải sinh viên Thanh Hoa nào cũng thích hợp để nghiên cứu khoa học. Tôi không có hứng thú nghiên cứu khoa học và không có tài năng để làm việc đó. Đối với tôi, làm công chức còn tốt hơn là làm việc trong một công ty hoặc nhà máy lớn."
3. Trở về xây dựng quê hương bằng năng lực của mình
Trở thành "cán bộ" ở chính quê hương của mình, Lâm Vạn Đông sẵn sàng dùng tài năng và tri thức của mình để giúp ích cho quê hương. Lâm Vạn Đông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Xuất thân từ một đứa trẻ sinh ra trong một ngôi làng miền núi, tôi rất tâm đắc một câu nói, đó chính là: kiến thức thay đổi vận mệnh. Vận mệnh trước mắt của tôi là một con đường chưa biết đích đến và hoàn toàn mới lạ, và tôi sẽ đưa gia đình mình đi trên con đường này, con đường hướng tới hạnh phúc."
Như chúng ta đã biết, nguồn lực giáo dục hiện nay còn chưa đồng đều, những đứa trẻ miền núi phải nỗ lực ngày nhiều hơn nữa nếu muốn thay đổi vận mệnh của mình. Lâm Vạn Đông là người từng ở trong hoàn cảnh này, cậu biết trẻ em ở quê mình cần gì nhất, cậu muốn giúp đỡ cho các em và mở đường cho nhiều trẻ em có cơ hội được đi học như cậu ngày trước. Cậu muốn mang kinh nghiệm học tập về quê hương, dùng những kiến thức đã học ở trường đại học để xây dựng quê hương, thay đổi vận mệnh quê hương bằng những kiến thức tiên tiến.
Lâm Vạn Đông nói: "Con người phải biết cội nguồn của mình ở đâu để không lạc đường. Hãy tìm một vị trí phù hợp với mình, làm những việc có ích cho những người xung quanh, giúp đỡ người khác bằng giá trị của chính mình, chỉ có như vậy cuộc sống mới có giá trị hơn."