Trong đoạn video, gia đình đang ngồi quanh một chiếc bàn vuông nhỏ để dùng bữa tối. Ban đầu, bàn ăn chỉ có bốn người ngồi trên ghế, cậu bé, em gái, mẹ và bà nội. Cậu bé trùng hợp ngồi ở vị trí hướng ra cửa chính.
Theo quan niệm của người Sơn Đông, vị trí ngồi hướng ra cửa chính thường được gọi là "chủ vị", vị trí này thuộc về những bậc trưởng bối trong gia đình. Trong một gia đình bình thường, ông bà nội (ưu tiên ông nội) sẽ ngồi chỗ này, nếu không thì là bố.
Bốn người đang ăn bình thường, bố từ ngoài cửa đi vào, nhìn thấy con trai đang ngồi trên ghế chính của ông nội, liền sa sầm mặt, nghiêm khắc khiển trách: "Con có biết ghế chính đó là của ông nội không, làm sao con dám ngồi? Mau đứng lên, đi ra chỗ khác!".
Cậu bé đang ăn ngon lành bỗng nhiên bị bố quát có lẽ nhất thời không hiểu tại sao, chỉ phát hoảng rụt rè di chuyển sang một bên.
Bố đi ra đi vào một lần nữa, ông thấy con chỉ nhích ghế sang một bên, chưa hài lòng nên đã tiếp tục nổi giận lớn tiếng: "Tại sao vẫn ngồi đó, đi ra chỗ khác, để chỗ cho ông nội!".
Cậu bé đứng dậy với cái bát trong tay, nhường chỗ ngồi cho ông nội. Lúc này ông nội cũng từ phòng đi ra và ngồi vào vị trí vốn thuộc về mình, bắt đầu cầm bát ăn cơm. Cậu bé nhấc ghế di chuyển đến vị trí bên cạnh bà nội ngồi ăn tiếp.
Một đoạn video đơn giản vậy thôi, mà đã khiến cư dân mạng dậy sóng, bởi đây liên quan đến cách giáo dục con trẻ và quan niệm truyền thống.
Bất kể người đăng video là ai, hẳn rằng ý định ban đầu của người này chính là truyền tải thông điệp: Chúng ta phải hiểu các quy tắc và biết cách tôn trọng người già.
Nhiều cư dân mạng rất đồng tình với cách dạy con của ông bố, cảm thấy lễ nghĩa và phép tắc trong cuộc sống đời thường đã khắc sâu vào xương máu của người Sơn Đông và phải được rèn luyện từ nhỏ.
Nhưng một số cư dân mạng cảm thấy rằng người bố đang làm quá mọi chuyện lên. Trẻ nhỏ chưa hiểu chuyện và thiếu hiểu biết, em có thể không hiểu những phép tắc trong gia đình, vì vậy không cần phải khiển trách đứa trẻ với giọng điệu gay gắt như vậy.
Ban đầu, cậu bé đang ăn vui vẻ, nhưng em đã bị bố lớn tiếng quát, tin rằng em không còn tâm trạng để ăn nữa. Do đó, việc điều hướng và dạy dỗ con bằng thái độ phù hợp là vô cùng quan trọng để tránh làm tổn thương trẻ.
Ngoài ra, một số cư dân mạng cảm thấy cái gọi là quy tắc ứng xử gia đình này chỉ là thói quen không còn phù hợp, gây phiền phức cho một bữa ăn đơn giản.
Thậm chí, nhiều cư dân mạng còn trào phúng rằng, ông nội ngồi ghế chính, con cái ngồi hai bên, còn bà nội và mẹ chỉ được ngồi ở góc bàn, quy tắc này hiển nhiên là hệ lụy của tư tưởng lạc hậu xưa cũ.
Tuy nhiên, chúng ta không thể có cái nhìn chính xác về tính đúng đắn của tình huống này, bởi lẽ nó có sự nhập nhằng giữa cách dạy con và quan niệm truyền thống.
Cũng giống như đoạn video "gây bão" trong dịp tết Nguyên đán gần đây, quay cảnh cậu bé bị bố mắng khi muốn rời khỏi bàn ăn mà không xin phép từng người có mặt. Gia đình này sống ở khu vực Quảng Tây, Trung Quốc, nơi được cho là còn giữ gìn rất nhiều tập tục truyền thống xa xưa.
Một điều không thể chối cãi là hầu hết các bậc cha mẹ đều thích dạy con trước mặt người khác, đặc biệt là những khi có khách và trong bữa ăn.
Ít ai nhận ra, giáo dục trên bà ăn không chỉ gây ra áp lực tinh thần cho trẻ, mà còn khiến chúng dễ mắc các vấn đề tâm lý và hình thành tư tưởng lệch lạc.
Điều quý giá nhất của một người hẳn là phẩm chất đạo đức. Không phải vô lý khi ông cha ta có câu "Dạy con từ thuở còn thơ".
Cha mẹ dạy dỗ con cái vì tình yêu và trách nhiệm, để chúng có thể học hỏi kiến thức, chuẩn hóa lời nói và việc làm, làm rõ đúng sai, phát triển thói quen tốt và hình thành nhân cách lành mạnh. Nhưng cũng nhiều lúc, cha mẹ lại khiến con nhỏ chịu nhiều tổn thương bởi những lời dạy dỗ này.
Như một dân mạng nhận xét: "Chắc là những đứa trẻ lớn lên ở khu vực Quảng Tây phải rất ám ảnh mỗi khi ngồi vào bàn ăn".
Nguồn: 163