Mặc dù đã tốt nghiệp cấp ba, David vẫn là một đứa trẻ. Cậu vẫn thi gấp máy bay giấy với em gái, dùng hai bàn tay giả làm kính đeo và cũng không thể chịu được nếu ngồi yên một chỗ quá lâu. "Đó là điều rất bình thường đối với một đứa trẻ 9 tuổi", mẹ của cậu bé, Ronya Balogun, nói với CNBC Make It.
David là một trong những người trẻ nhất ở Hoa Kỳ có bằng tốt nghiệp cấp ba. Cậu tốt nghiệp vào cuối tháng 1 vừa qua tại Reach Cyber Charter School, một trường học trực tuyến miễn phí ở bang Pennsylvania, quê hương của cậu, và hiện đang đăng ký các lớp học trực tuyến tại Đại học Cộng đồng Quận Bucks - và ở đây, David đã hoàn thành bài tập về nhà của cả tuần chỉ trong một ngày.
David nói: "Nếu không học, chắc cháu sẽ thức đến tận 4 giờ sáng và ngủ dậy ngay khi mới 5 giờ sáng".
Lần đầu tiên cha mẹ của David kiểm tra khả năng trí tuệ của cậu là khi cậu mới 6 tuổi, và kể từ đó họ đã quyết định bỏ qua nhiều phương pháp nuôi dạy con thông thường.
Henry - bố cậu, nói: "Chúng tôi phải phát triển một tư duy khác với tư duy cha mẹ. Không phải lúc nào cũng dễ dàng khi con trai liên tục đặt câu hỏi, và chúng tôi phải liên tục trả lời các câu hỏi, bởi vì không muốn nói rằng 'Để bố yên'".
Gia đình Balogun khẳng định họ không có công thức nuôi dạy con nào kì diệu. Cũng không có cuốn sách nào nói về việc nuôi dạy một đứa trẻ như David.
Tuy nhiên, họ cũng có một quy tắc hàng đầu: Khi một hệ thống không được xây dựng cho con bạn, đừng thay đổi con bạn. Hãy cố gắng thay đổi hệ thống đó.
Tìm môi trường học tập phù hợp nhất
Rõ ràng là David sẽ không phát triển tốt trong một lớp học bình thường như những đứa trẻ khác. Mẹ cậu chia sẻ rằng trong một lần tình cờ, chị biết được rằng các bạn cùng lớp của David lắng nghe cậu ấy còn nhiều hơn lắng nghe giáo viên.
Vì vậy, nhà Balogun đã nghĩ cách sáng tạo hơn.
Họ đã nghiên cứu điều luật Kế hoạch Giáo dục Cá nhân Năng khiếu của Pennsylvania, luật này quy định rằng các học khu sẽ cung cấp các chương trình dành cho trẻ em tài năng.Nhưng những chương trình đó cũng là không đủ đối với David - vì vậy khi đại dịch Covid-19 ập đến, họ đã xem xét các giải pháp lâu dài hơn, chuyên hướng hơn.
Vào năm 2020, họ chuyển cậu bé David lúc đó 7 tuổi sang chương trình học trực tuyến Reach Cyber, chương trình này tập trung vào các nội dung giảng dạy được cá nhân hóa.Sau đó, khi trang web đăng ký kỳ thi Xếp lớp Nâng cao của College Board không có độ tuổi dành cho David, bố mẹ cậu đã phải gọi điện và mất hàng tuần trời để David được chấp nhận.
Ronya nói rằng chị đã trao đổi với các trường đại học về các bước tiếp theo của David, nhưng cũng nhất quyết không để đứa con 9 tuổi của mình học cùng lớp với các anh chị 20 tuổi. Chị và Henry nói rằng họ không chắc giải pháp của mình sẽ là gì, nhưng giải pháp đó phải sáng tạo.
"Có lẽ trường hợp của con tôi chưa có ở Mỹ. Đôi khi tôi không thể sửa chữa hệ thống, nhưng có những lựa chọn và giải pháp độc đáo khác để giúp con trai tôi tiếp tục hành trình thực hiện ước mơ của mình", chị Ronya chia sẻ.
Ưu tiên hạnh phúc hơn các chuẩn mực xã hội
Khi David nói với mẹ rằng cậu không có bạn bè, "điều đó làm tôi đau lòng và phiền muộn", Ronya nói.
Tiến sĩ Ellen Winner, nhà tâm lý học chuyên về trẻ em có năng khiếu, chia sẻ với tạp chí ParentEdge vào năm 2012: "Tôi nghĩ vấn đề xã hội và cảm xúc lớn nhất đối với trẻ có năng khiếu là chúng không thể tìm thấy những người giống mình. Đứa trẻ càng tài năng thì việc này càng khó hơn".
Nhà tâm lý học lâm sàng trẻ em Shefali Tsabary đã viết trong một bài luận trên Make It của CNBC vào tháng trước: "Hãy hiểu nhu cầu của con bạn và điều chỉnh, chứ đừng làm ngược lại. Thay vì gây áp lực buộc David phải xây dựng một mạng lưới bạn bè rộng lớn, mẹ cậu đã chấp nhận tính cách hướng nội của cậu".
David nói rằng cậu cũng chấp nhận nó, và đi sâu vào nghiên cứu về những người hướng nội. Cậu từng thích thú chia sẻ rằng có một nghiên cứu cho rằng người hướng nội không thích đồ ăn cay nhiều như người hướng ngoại.
Tin tưởng con mình sẽ tự dẫn đường
Khi David thể hiện rằng cậu có thể cộng và trừ các số âm lúc mới 6 tuổi, trước cả khi được dạy, bố mẹ cậu đã phải đặt niềm tin vào cậu. Và bằng cách tin lời David, Ronya nói rằng chị đã xây dựng được một mức độ tin cậy mới với con mình, điều mà theo chị là rất cần thiết đối với bất kỳ bậc cha mẹ nào.
Tất nhiên, lòng tin của họ cũng có giới hạn. Khi David đi học về và tuyên bố rằng cậu đã biết em bé đến từ đâu, Ronya nói rằng chị đã phải đặt ra một số ranh giới - chị chỉ hướng dẫn cậu một phần về kiến thức sinh sản, trước khi chính thức kết thúc cuộc trò chuyện đó.
"Tin tưởng có thể là một chiến thuật nuôi dạy con hiệu quả" - Esther Wojcicki, nhà giáo dục giàu kinh nghiệm, người đã nuôi dạy được hai CEO và một bác sĩ, viết trong một bài luận cho CNBC Make It năm ngoái: "Bạn càng tin tưởng con mình có thể tự làm mọi việc, thì chúng càng được trao quyền nhiều hơn".
Nhưng dự đoán về tương lai của David là một việc rất khó khăn, vì có rất ít tiền lệ. Ronya và Henry nói rằng họ cũng đang phải học hỏi từng ngày.
"Không có hệ quy chiếu nào cả", Ronya cho biết: "Từng có câu nói rằng, đôi khi nếu không có đường đi, ta sẽ phải tạo ra một con đường mới. Đó chính là những gì chúng tôi đang làm".