Phim truyền hình Cát Đỏ lên sóng VTV3 hồi cuối tháng 7/2020 tới nay vẫn không thu được nhiều sự chú ý từ công chúng. Tuy có nhiều "tứ" khá thú vị được đạo diễn cài cắm cùng với nhiều ưu điểm khác nhưng phim vẫn chưa thực sự phát huy hết thế mạnh. Lý do chính một phần vì Cát Đỏ chưa thực sự dễ xem và thời điểm phim lên sóng, chưa phải là lúc thích hợp để được khán giả đón nhận.
Ba nữ chính trong Cát Đỏ.
Cát Đỏ kể về câu chuyện của ba người phụ nữ: Chị cả Đủ (Tuyết Hương) - chị hai Nhớ (Thúy Diễm) - cô út tên Nhan (Thúy Nga). Cùng bị cuộc đời, gia đình hắt hủi nên các chị em ở chung với nhau, nương tựa nhau qua ngày. Thế mà cuộc sống, tình yêu và những mối quan hệ rối rắm cứ bám lấy cuộc đời yên ả của cả ba người phụ nữ.
1. Phim đẹp, bình dị và kịch bản có nhiều "tứ" hay
Bối cảnh phim đặt giữa miền biển, cát trắng bao la. Khí hậu ở đây quanh năm khô cằn, nắng nhuộm đỏ cả cát. Những niềm vui nơi này cũng nho nhỏ, giản dị như những cơn gió nóng, rát và khó chịu.
Bối cảnh "Cát Đỏ" nằm ở tỉnh Bình Thuận và một phần Phú Yên.
Một trong những điểm thú vị của Cát Đỏ là cách những miếng hài được cài cắm trong phim. Luôn có sự thật buồn đi kèm với một chi tiết hài hước. Như túp lều ở một nơi gọi là "Suối Cạn". Ở đây chứng kiến những cuộc mây mưa, hẹn hò lãng mạn của chị Đủ - anh Tư (Ngọc Quang). Mối tình của hai người rất đáng yêu, sáng nắng chiều mưa như cơm bữa nhưng hai anh chị chẳng biết bao giờ mới cưới nhau được. Vì anh Tư thề sẽ độc thân mãi mãi sau khi vợ cũ mất. Chị Đủ phải chịu tiếng chửa hoang cho dù cả làng biết anh Tư là cha của con chị. Cả cái địa danh Suối Cạn nghe cũng đầy cực khổ. Nơi đây từng có một con suối nhưng hạn hán lâu quá, nước cạn, suối cũng "bay màu". Túp lều dựng lên cô quạnh giữa một dòng thủy lưu đã chết, ẩn chứa mối tình của hai con người. Cả hai có một điểm chung, đó là chẳng có tương lai.
Chị Đủ - anh Tư hẹn hò trong túp lều dưới lòng suối cạn.
Cát Đỏ là một phim nếu có thời gian theo dõi và chiêm nghiệm, chúng ta sẽ phát hiện khá nhiều điều thú vị, cũng như chất thơ trong đó. Tiếc rằng bằng ấy điểm hay không đủ để cứu được phim.
2. Nhưng mạch phim gãy vụn, thoại đơ sượng, khó theo dõi
Đầu tiên phải nhấn mạnh rằng Cát Đỏ là phim khó theo dõi, cảm nhận. Ngay từ bối cảnh, phim đã khó thu hút sự đồng cảm của người xem. Những nỗi buồn bị chôn vùi trong cát thường ít là chuyện chung của đại đa số khán giả. Vì vậy phim cần trông chờ vào những yếu tố khác từ kịch bản, diễn xuất nếu muốn đạt thành công.
Tiếc thay, kịch bản lại bị sắp xếp khá vụn khiến người xem khó hình thành mạch cảm xúc. Ví dụ như chuyện yêu đương giữa Nhớ và Nguồn (Thanh Tùng). Cô Nhớ vốn được xây dựng là người phụ nữ khó mở lòng. Thậm chí cô còn chưa thực sự tỏ ra ấm áp, ân cần với chính chị em trong nhà mình. Nhưng vừa gặp anh Nguồn chưa bao lâu đã lao vào hôn ngấu nghiến? Sự "khép lòng" của cô Nhớ bị đập bể quá nhanh khiến nhân vật này trở thành "dễ dãi". Nhiều tình tiết lại như thừa thãi, chẳng cần thiết. Chuyến đi tu của Nhan kéo dài qua mấy tập phim để rồi cô nàng bỗng dưng đổi ý, muốn về nhà với các chị? Xuống tóc đi tu rồi hoàn tục sao mà dễ dàng thế?
Nhan đi tu mà thích là bỏ về.
Lời thoại cũng là một vấn đề trong phim. Đa phần các diễn viên đều nhả thoại khá vô cảm, tuy là phần lời được đầu tư rất đời thường, thậm chí còn có những câu "văng tục" vô cùng mộc mạc. Rất khó để người xem tập trung vào mạch phim khi mà cứ thoáng chốc lại "cấn" phải một câu thoại nhả ra không có trầm bổng. Nhân vật Nguồn phải đi lồng tiếng là điều khá đáng tiếc. Lời thoại của anh gần như không liên quan gì đến bối cảnh, biểu cảm của diễn viên.
Thoại của anh chàng cao bồi khá là đơ.
3. Đúng phim nhưng sai thời điểm, có lẽ lên sóng vào lúc khác Cát Đỏ sẽ thành công hơn
Phải nói là thời điểm Cát Đỏ lên sóng khá nhạy cảm. Xã hội, kinh tế... đều đang rất khó phát triển vì dịch cúm toàn cầu. Khán giả đa phần là có công ăn việc làm, nhưng vì dịch mà ít nhiều bị ảnh hưởng. Khi mà ai nấy đều khổ thì sẽ chẳng ai còn hơi sức mà đi thương tâm cho ba cô Đủ - Nhớ - Nhan trong phim.
Nhà của ba chị em Nhớ - Đủ - Nhan khá là đơn sơ, tạm bợ.
Không phải chê Cát Đỏ đi "tranh giành" ngôi vị người khổ nhất tháng 7, 8/2020 mà là vào thời điểm như hiện tại, người xem có lẽ cần một phim mang thông điệp tích cực hơn. Có một điều khá hiển nhiên, là khi ăn no mặc ấm chúng ta sẽ dễ thương cảm cho số phận của kẻ khác. Đặc biệt là số phận, nỗi đau của các nhân vật chính trong phim lại khá "lạc quẻ" so với vấn đề chung của xã hội hiện tại. Khi mà kinh tế khó khăn, ai nấy cũng băn khoăn cơm áo gạo tiền còn các cô gái trong Cát Đỏ tuy nghèo, nhưng chả hiểu sao chỉ bận lòng chuyện yêu đương.
Ba chị em thay vì tập trung kiếm sống, lại chỉ lo lặng chuyển yêu đương.
Năm 2018 - 2019 ngành truyền hình tràn ngập phim "chọc tức" khán giả với những vấn đề gia đình: tiểu tam giật chồng, mẹ chồng - nàng dâu,... Một phần có lẽ là vì đời sống tinh thần khán giả thoải mái hơn hiện tại. Thời điểm Cát Đỏ ra mắt, không phải ai cũng có tinh thần thoải mái để mà ngồi "cảm nhận" phim. Nhu cầu của khán giả lúc này có lẽ là những sản phẩm giải trí mang tính tiếp thêm hy vọng, động lực sống hoặc ít nhất là mang lại những giây phút thư giãn thoải mái.
Bởi vậy mới nói, tuy có những yếu điểm đáng tiếc nhưng nếu ra mắt vào thời điểm cuộc sống, xã hội thoải mái hơn, có lẽ Cát Đỏ sẽ thu hút được nhiều người xem hơn.
Cát Đỏ lên sóng vào 21h30 thứ Năm, thứ Sáu hàng tuần trên kênh VTV3.