Cặp vợ chồng khổ với tấm vé số độc đắc 4,5 nghìn tỷ đồng: Hậu quả của việc cầm nhiều tiền, đầu tư sai chỗ

An Chi, Theo Nhịp sống thị trường 10:44 14/07/2024
Chia sẻ

Một cặp vợ chồng ở Minnesota, Mỹ đã trúng giải độc đắc Powerball. Tuy nhiên, họ không thể ngờ rằng sự can thiệp của cố vấn tài chính đã phá hỏng mọi thứ.

Cặp vợ chồng khổ với tấm vé số độc đắc 4,5 nghìn tỷ đồng: Hậu quả của việc cầm nhiều tiền, đầu tư sai chỗ - Ảnh 1.

Mùa xuân năm 2008, Paul Rosenau, nhân viên giám sát xây dựng và vận hành thiết bị hạng nặng ở Wasca, Minnesota, Mỹ, đã mua một tấm vé số và trúng giải độc đắc 180,1 triệu USD, nhận 59,6 triệu USD sau khi nộp thuế. Paul nhớ lại, ông và vợ đã cực kỳ bất ngờ khi trúng số.

Tuy nhiên, điều họ không thể ngờ là sự can thiệp của người khác đã phá hỏng mọi thứ. Những gì xảy ra sau đó là câu chuyện đáng buồn về phí đầu tư cùng hoa hồng đã khiến các cố vấn tài chính hành động sai như thế nào.

Cặp vợ chồng khổ với tấm vé số độc đắc 4,5 nghìn tỷ đồng: Hậu quả của việc cầm nhiều tiền, đầu tư sai chỗ - Ảnh 2.

Vợ chồng Paul và Sue Rosenau trúng giải độc đắc Powerball 180,1 triệu USD.

Nhà Rosenau đã nhanh chóng sử dụng 26,4 triệu USD để tài trợ cho một tổ chức phi lợi nhuận, hiện là quỹ Rosenau Family Research. Nhiệm vụ của quỹ này là tìm kiếm các phương pháp điều trị và hỗ trợ các gia đình của trẻ em mắc bệnh Krabbe.

Vì không có kinh nghiệm đầu tư, vợ chồng Rosenau đã tìm đến một cố vấn tài chính và bảo hiểm trong khu vực để quản lý tài sản là John Priebe. Priebe làm việc tại Principal Securities, bộ phận môi giới và tư vấn đầu tư của Principal Financial Group, một công ty lớn về mảng quỹ hưu trí, quản lý tài sản và bảo hiểm.

Chỉ vài tuần sau khi trúng giải độc đắc Powerball, vợ chồng Rosenau đã cùng Priebe đi trên máy bay riêng đến trụ sở của Principal. Các giám đốc điều hành đã nói rằng họ đảm bảo công ty có đủ chuyên môn để quản lý tài sản của gia đình Rosenau và giúp khối tài sản đó tăng giá trị.

WSJ cho biết, Priebe bắt đầu thương vụ này với việc mua 18,9 triệu USD trái phiếu đồng niên cho quỹ Rosenau, và kiếm được khoảng 1,2 triệu USD tiền hoa hồng. Loại tài sản này thường kéo theo toàn bộ rủi ro của thị trường quỹ tương hỗ trong khi lại có chi phí cao.

Thông thuờng, quỹ tương hỗ, quỹ ETF hay các loại hình đầu tư khác thường không tính phí hoa hồng và phí hàng năm chỉ là 0,1% hoặc thấp hơn. Song, trái phiếu đồng niên do Priebe lựa chọn tính phí giao dịch hàng năm tới 2% trở lên và có hoa hồng cao hơn 6%.

Đến cuối năm 2011, Priebe đã phân bổ gần 93% tổng tài sản của quỹ Rosenau vào trái phiếu đồng niên do Principal và các tổ chức khác phát hành.

Tháng 4/2017, Rosenau gửi email cho Priebe, yêu cầu người này cung cấp “chi tiết toàn bộ các khoản phí, hoa hồng, phí chuyển nhượng, v.v. dưới bất kỳ hình thức nào”. Tuy nhiên, Priebe trả lời rằng các sản phẩm đầu tư này không tính phí.

Trong khi đó, Priebe đã nhiều lần bán một số trái phiếu đồng niên và mua những khoản khác, sau đó kiếm được tiền hoa hồng trong quá trình này. Priebe đã mua tổng cộng hơn 47 triệu USD trái phiếu đồng niên thông qua quỹ Rosenau, tạo ra khoản hoa hồng ước tính là 3,3 triệu USD.

WSJ phân tích, về mặt lý thuyết, các sản phẩm đầu tư này có một số lợi ích về thuế và các lợi ích khác. Tuy nhiên, quỹ phi lợi nhuận của nhà Rosenau là dạng không phải chịu thuế và cần sự tăng trưởng ổn định về tài sản, cùng tính thanh khoản ổn định để đáp ứng nhu cầu chi tiêu hàng năm. Vì thế, trái phiếu đồng niên không những không phù hợp cho một quỹ, mà còn có chi phí cao và thanh khoản thấp.

Đến cuối năm 2011, Priebe đã chuyển đổi 28,3 triệu USD tài sản của quỹ sang trái phiếu đồng niên. 6 năm sau, số tiền này giảm xuống còn 26,3 triệu USD, trong khi thị trường chứng khoán tăng hơn gấp đôi.

Matthew Wright, cựu giám đốc đầu tư của Đại học Vanderbilt và chủ tịch của Disciplina Group, cho biết: “Điều rất quan trọng là bất kể quy mô của tổ chức phi lợi nhuận là đảm bảo rằng chiến lược có thể duy trì sứ mệnh của họ. Tôi chưa từng thấy một tổ chức phi lợi nhuận mua trái phiếu đồng niên để đầu tư.”

Năm 2015, Sue Rosenau, vợ của Paul, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Đầu năm 2017, theo đơn khiếu nại trong một vụ kiện dân sự do quỹ Rosenau đệ trình lên toà án quận Minnesota, Priebe đã khuyến nghị quỹ này bán hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá 3 triệu USD của Sue với giá chiết khấu 1,46 triệu USD.

Đơn này khẳng định Priebe và Principal không thông báo với gia đình Rosenau về việc một bác sĩ tư vấn thương vụ trên dự đoán Sue sẽ qua đời trong vòng 2 năm. Bà đã qua đời vào tháng 7/2018. Nếu quỹ Rosenau không bán, họ sẽ nhận đủ 3 triệu USD. Tuy nhiên, Principal phủ nhận mọi hành động.

Tháng 1/2020, Priebe qua đời do tự sát.

Tháng trước, Principal Securities đã phải bồi thường 7,3 triệu USD cho quỹ nhà Rosenau. Trong quá trình tố tụng, công ty này đã phủ nhận các cáo buộc trong đó bao gồm lựa chọn các khoản đầu tư không phù hợp, không giám sát Priebe và không thông báo đến khách hàng các khoản phí, hoa hồng.

Dù Paul mong muốn quỹ không đầu tư vào các khoản trái phiếu đồng niên, nhưng ông vẫn tự hào rằng quỹ của mình đã thúc đẩy chương trình nghiên cứu sâu rộng về bệnh Krabbe. Tuy nhiên, ngay cả khi đã chiếm ưu thế trong phiên toà kiện tụng với Principal, ông vẫn ngạc nhiên về việc chi phí đầu tư và hoa hồng đã bóp méo mọi hành động của bên tư vấn đầu tư thế nào.

Tham khảo WSJ

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày