Cuối năm 2022, bộ ảnh "Mưu sinh một kiếp người" của một bác sĩ miền Tây khiến nhiều người xúc động khi lưu lại những khoảnh khắc đời thường của người lao động nghèo ở Long An. Tất cả ảnh đều chỉ được chụp bằng điện thoại, nhưng được lan tỏa mạnh mẽ.
Bộ ảnh của một bác sĩ miền Tây từng gây xúc động
Tác giả bộ ảnh là bác sĩ Huỳnh Tuấn Kiệt (Sinh năm 1993) - Bác sĩ Đa khoa tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.
Đợt lũ lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2000 đã nhấn chìm ngôi nhà đơn sơ của gia đình bác sĩ Kiệt. Cậu bé 7 tuổi năm ấy cùng cha mẹ trải qua những ngày tháng cơ cực theo cơn nước nên anh luôn có sự đồng cảm với bà con lao động nghèo ở quê hương.
Sau khi tốt nghiệp, bạn bè chọn những thành phố lớn nhộn nhịp, chọn những Bệnh viện lớn để gầy dựng sự nghiệp, nhưng bác sĩ Kiệt chỉ muốn "cống hiến sức trẻ và phục vụ cho người dân quê hương mình". Anh chọn ở lại Long An, làm việc tại Trung tâm y tế huyện với cơ sở vật chất còn thiếu thốn.
"Ở đâu cũng cần bác sĩ, nếu ai học xong cũng chọn thành phố lớn để làm việc thì ai chăm lo cho bà con nghèo ở quê", bác sĩ Kiệt nói.
Nói về việc theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ, bác sĩ Kiệt cho biết anh được truyền cảm hứng từ người cậu của mình - cũng là một bác sĩ. Thêm nữa, có một khoảng thời gian dài, bác sĩ Kiệt phải chăm ông ngoại bị bệnh nặng của mình, cho đến khi ông mất.
"Những lần ngoại được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị khi bệnh trở nặng là những lần tôi chứng kiến nhiều cảnh đời, nhiều ca bệnh nặng khác nữa. Bắt gặp những ca trực thâu đêm của y bác sĩ đang ngày đêm giành lại sự sống cho ngoại và cho mọi người đã thúc đẩy tôi theo nghề Y".
Gia đình không mấy dư dả nên vừa học, bác sĩ Kiệt phải vừa kiếm thêm việc làm để trang trải học phí. Anh chọn làm cộng tác viên bán... sim điện thoại, sim số đẹp cho các đại lý. Anh cười khi nhớ lại những tháng ngày đó:
"Thời ấy bạn bè hay chọc tôi là 'thằng bán sim'. Thời gian học và nghiên cứu Y khoa đã đầu tắt mặt tối nên tôi chỉ có thể làm công việc đó, không gò bó thời gian, không cần bỏ vốn, mà cũng được một ít tiền, đỡ được phần nào hay phần đó. Giờ thì thằng bán sim ngày nào cũng hoàn thành ước mơ trở thành bác sĩ rồi".
Vợ của bác sĩ Kiệt, chị Nguyễn Thị Ngọc Tầm (28 tuổi) là điều dưỡng tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng). Cả hai đã là bạn từ thời cấp 2, cấp 3. Sau này khi về làm cùng một cơ quan y tế thì nảy sinh tình cảm và nên duyên vợ chồng.
Nhớ lại những ngày đầu khi dịch Covid-19 bùng phát, anh và vợ chọn xông pha chống dịch, nuốt nước mắt để lại đứa con khi ấy chỉ mới 4 tuổi cho bà nội chăm sóc. Thời gian đó, chị Tầm trực tiếp chăm sóc bệnh nhân F0 nên phải cách ly hoàn toàn với con, còn anh Kiệt cách 10 ngày hoặc nửa tháng sẽ tranh thủ về chăm con 1 lần.
"Những ngày ít ỏi về chơi với con rồi nhìn cảnh con khóc khi tiễn mình lên đường chống dịch, tôi chạnh lòng lắm. Lúc xe lăn bánh, con vừa chạy theo xe vừa khóc, gọi 'ba ơi', 'đừng đi'. Tôi nghe mà đứt từng đoạn ruột", anh Kiệt nghẹn ngào kể lại, "Giai đoạn đó thật sự không bao giờ quên, tôi và vợ có khi mấy tháng trời không gặp nhau, vợ chồng và con chỉ gọi Zalo cho nhau để đỡ nhớ. Nhưng tôi vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi nói với con là 'ba đi giết con Covid rồi ba sẽ về', nên con tôi mới yên lòng ở nhà".
Khi dịch kết thúc, gia đình sum vầy, anh Kiệt và chị Tầm trở về với nếp sinh hoạt cũ: Cố gắng dành hết thời gian rảnh cho con cái, chia sẻ công việc gia đình cùng nhau. Anh nói: "Em đi trực thì tôi ở nhà giặt đồ, rửa chén để em được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi và ngược lại".
Nhiều năm làm trong ngành Y, bác sĩ Kiệt và vợ cũng chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động. Trong một lần trực ở Khoa cấp cứu, anh thấy 2 vợ chồng già làm nghề bán vé số, khi bà bệnh nặng, nằm trên giường bệnh vẫn luôn nói với ông "Tôi còn nhiều vé số quá mà gần tới giờ sổ rồi, làm sao đây...".
Thấy vậy, những người thân, bệnh nhân và y bác sĩ tại Trung tâm đã cùng mua giúp vé số cho 2 ông bà. "Những khoảnh khắc ấy khiến tôi nhận ra tình người vẫn đong đầy lắm".
Bác sĩ Kiệt và vợ cũng sẽ có định hướng cho con nối nghiệp nghề Y của bố mẹ, tuy nhiên vẫn tôn trọng quyết định cuối cùng của con. "Vì tôi hiểu rằng, có yêu, có đam mê thì mới học và làm tốt với nghề đó".