Sau cơn mưa lớn tối qua, nước từ trên cao ở hai bên đường cao tốc không có lối thoát đã tràn vào cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết . Đoạn qua xã Sông Phan, (huyện Hàm Tân, Bình Thuận) cách nút giao quốc lộ 55 chừng 2 km bị ngập rất nặng.
Hiện tại, xe tải lớn đã lưu thông qua được đoạn ngập sâu. Tuy nhiên, ô tô vẫn xếp hàng chờ nước rút. Ảnh: Báo Bình Thuận.
Nước dâng cao trên mặt đường cao tốc, đoạn sâu nhất gần 1m. Nhiều tài xế không dám lưu thông qua đoạn đường bị ngập. Một số xe tải cố gắng chạy qua và bị tắt máy, ngập đến nửa thân xe rồi trôi dạt vô lề, mắc kẹt chờ cứu hộ.
Tại khu vực bị ngập nước, phương tiện xếp hàng dài chờ nước rút. Hiện tại, đoạn đường vẫn còn ngập sâu khoảng 0,5m. Xe tải lớn, các phương tiện gầm cao có thể di chuyển chậm qua đoạn bị ngập riêng những xe gầm thấp tiếp tục phải chờ.
Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 thuộc Phòng 8, Cục Cảnh sát giao thông đã cử lực lượng đến điều tiết giao thông tại nút giao Ba Bàu với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và nút giao tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, yêu cầu các phương tiện di chuyển trên quốc lộ 1A không đi vào cao tốc nhằm tránh ùn tắc.
Một chiếc xe tải bị ngập chìm trong nước. Ảnh: Báo Bình Thuận.
Lúc 8h sáng nay, tại nút giao từ cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cũng bị chốt chặn. Các phương tiện được yêu cầu không vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và buộc phải lưu thông ra quốc lộ 1A.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Hà Lê Thanh Chung, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận cho biết, do thượng nguồn sông Phan mưa rất lớn, nước sông dâng cao, khiến cho nước rút chậm, gây ngập đoạn giáp ranh giữa huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam. Ngoài ra, tại vị trí ngập, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có cống thoát nhưng nhỏ khiến cho nước rút rất chậm.
“Hiện tại, nước đã rút. Xe lớn thì đã lưu thông được nhưng xe nhỏ thì chưa dám qua” - ông Chung nói.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, nối Đồng Nai và Bình Thuận được khởi công vào tháng 9/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe. Toàn bộ dự án được chia làm 4 gói thầu, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài gần 52 km với 2 gói thầu XL03 và XL04, đoạn qua tỉnh Bình Thuận dài hơn 47 km với 2 gói thầu XL01 và XL02.
Hiện tại, lối vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã bị chốt chặn. Ảnh: I.T.
Điểm đầu cao tốc nằm trên đoạn tuyến nối từ quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh (tỉnh Bình Thuận) thuộc điểm cuối dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Điểm cuối giao với tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn thuộc huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai).
Dự án được dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022 nhưng sau đó gia hạn đến 30/4/2023. Ngày 29/4, lễ khánh thành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã được tổ chức tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam.