Cao thủ võ Việt sở hữu cặp chỏ “cứng như sắt” & chiếc răng gãy để lại vết sẹo cuộc đời

SONG AN, Theo PL&BĐ 05:51 07/04/2022

Vị chưởng môn võ đường Mai Hãn từng nhiều lần khiến đối phương gục ngã trên sàn đài bằng cặp chỏ trứ danh.

CHIẾC RĂNG GÃY & VẾT SẸO CUỘC ĐỜI

Một ngày năm 1984, võ sư Nguyễn Quang Tâm khi ấy là chàng thanh niên ngấp nghé 30 tuổi nhưng đã có trong mình hành trang 17 năm luyện võ, sở hữu nhiều chiêu thức độc đáo của môn phái Mai Hãn. Lúc này, ông là bộ đội thuộc Sư 312 đang làm nhiệm vụ ở vùng Sóc Sơn (Hà Nội). Được dịp trở về quê hương Quảng Trị nghỉ phép, võ sư Nguyễn Quang Tâm không ngờ lại dấn thân vào cuộc đấu võ đài để lại cho ông dấu ấn đặc biệt.

Thời đó, đoàn võ thuật trong miền Nam do các võ sư Hoàng Tùng, Hoàng Bá dẫn đầu, thường đem nhiều võ sĩ tên tuổi đi du đấu khắp nơi. Địa phận Quảng Trị nằm trên cung đường Bắc-Nam thuận lợi nên khi đến nơi đây, đoàn đã dừng chân ghé lại dựng võ đài. Một trong những ngôi sao sáng nhất trong đoàn của võ sư Hoàng Tùng chính là tay đấm bất khả chiến bại miền đất võ Bình Định có tên Hoàng Sỹ Đến. Người dân trong vùng đều biết đến danh tiếng của võ sĩ này bởi từng đánh hạ rất nhiều cao thủ mà chưa nếm mùi thất bại.

Vốn là con nhà võ lại đang ở độ tuổi thanh niên hiếu chiến nên võ sư Nguyễn Quang Tâm mong muốn được đứng ra thi đấu, bản thân ông trước đó cũng chưa từng thua ai khi thượng đài. Đúng mong đợi, trận Nguyễn Quang Tâm gặp Hoàng Sỹ Đến nhanh chóng được ban tổ chức cáp kèo thành công. Trận đấu tạo được tiếng vang lớn và lan tỏa khắp vùng, thu hút được lượng người tập trung theo dõi rất đông.

Cao thủ võ Việt sở hữu cặp chỏ “cứng như sắt” & chiếc răng gãy để lại vết sẹo cuộc đời - Ảnh 1.

Võ sư Nguyễn Quang Tâm.

Theo võ sư Tâm nhớ lại, bước vào hiệp 1 trận đấu, võ sĩ Đến chứng tỏ bản thân không phải dạng "hữu danh vô thực" khi trấn áp mạnh mẽ, làm mưa làm gió bằng nhiều pha ra đòn uy lực. "Gần hết hiệp đầu, tôi bị dồn vào góc đài, trọng tài khi đó là võ sư Hoàng Trọng ra hiệu lệnh tạm dừng. Tôi nghe theo nhưng đối thủ lại đang trên đà lao tới tấn công đã nhanh tay đấm tôi một cú đấm rất mạnh vào miệng khiến chiếc răng bị gãy, môi trên bị rách sâu, máu chảy nhiều".

Nhận thấy vậy nên trọng tài lập tức cho dừng trận đấu, võ sĩ Hoàng Sỹ Đến được xử thắng cuộc trong nỗi ấm ức của Nguyễn Quang Tâm. Không phục kết quả, ngay đêm tiếp theo, võ sư Tâm nằng nặc yêu cầu thách đấu lại. Trước sự kiên quyết của ông, ban tổ chức đành chấp nhận. Lần này, khán giả mới thực sự được chứng kiến màn quyết chiến đỉnh cao giữa hai võ sĩ.

Cũng giống đêm trước, võ sĩ Đến chiếm thế thượng phong ngay hiệp đầu bằng các pha ra đòn đầy sức mạnh. Môn đồ của võ đường Mai Hãn mặc kệ đối phương tung hoành mà vẫn bình tĩnh hóa giải, đồng thời quan sát kỹ điểm yếu của đối thủ.

"Khi nắm được điểm sơ hở của anh ta, tôi áp sát tung cú chỏ sấm sét khiến võ sĩ Đến bị choáng, không thể trụ nổi. Nhận thấy vậy, tôi kê thêm cú lên gối và triệt tiếp cú chỏ một lần nữa làm anh ta gục tại chỗ. May mắn là lúc đó tôi đã dừng tay đúng lúc nếu không thì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Lúc xuống đài, võ sĩ Đến chắp tay quỳ xin lỗi, tôi đỡ anh ta dậy như chưa hề có chuyện gì xảy ra", võ sư Tâm nói về màn quyết đấu năm xưa.

Chiến thắng thuyết phục của võ sư Tâm khiến khán giả hò reo vui sướng. Tên tuổi của ông cũng nhờ đó vang xa khắp các vùng lân cận. Mặc dù vậy, sau hai trận đấu này, ông cũng mất đi chiếc răng và để lại vết sẹo ở môi trên. Vết tích đó vẫn hằn sâu theo thời gian đến tận ngày nay.

Võ sư Nguyễn Quang Tâm cho rằng thắng được đối phương không phải điều gì quan trọng mà hơn hết là phải chiến thắng chính mình như cách ông nén đau vượt qua được vết thương để thách đấu đối thủ trở lại ngay trong đêm thứ 2.

Ngoài hạ địch thủ Hoàng Sỹ Đến, võ sư Nguyễn Quang Tâm từng được ca tụng khi đánh bại một tay đấm bất bại khác là võ sĩ Hắc Hổ nổi danh một thời của làng võ Sông Bé. Trận đấu này Hắc Hổ cũng áp đảo do lợi thế về thể hình, kết hợp với lối di chuyển nhanh, ra đòn tàn bạo. Dù gặp bất lợi, song võ sư Tâm khi đó vẫn bình tĩnh phòng thủ, chờ đợi thời cơ thích hợp mới thể hiện sở trường của võ phái Mai Hãn. Đến khi gần tàn cuộc, nhận thấy đối phương đuối sức, ông tung đòn cùi chỏ quyết định, rồi "bồi" thêm các cú đấm cực mạnh khiến Hắc Hổ thua tâm phục khẩu phục.

CẶP CHỎ "CỨNG NHƯ SẮT" NỔI DANH VÕ LÂM MIỀN TRUNG

Võ sư Tâm có dáng người nhỏ, thấp nhưng bù lại rất nhanh nhẹn, lì đòn, khi tấn công thì rất dữ dội và quyết liệt. Như hai trận đánh tiêu biểu với Hắc Hổ và Hoàng Sỹ Đến đã phần nào mô tả được lối đánh sở trường của ông. Lúc đầu, ông thường để đối thủ ra đòn tấn công liên tục và chỉ dùng 2 cánh tay khép kín để phòng thủ.

Chỉ khi đối thủ thấm mệt, ông mới chủ động áp sát và dùng tuyệt chiêu là đòn chỏ sở trường của môn phái Mai Hãn để kết liễu đối thủ. Nếu võ thuật miền Nam trước năm 1975 thường từng dùng từ "quỷ khóc thần sầu" để nói về cặp chỏ của võ sư Chà Và Hương thì miền Trung cũng tự hào với cặp chỏ "cứng như sắt" của võ sư Nguyễn Quang Tâm giai đoạn sau giải phóng, đặc biệt là từ những năm 1980.

Cao thủ võ Việt sở hữu cặp chỏ “cứng như sắt” & chiếc răng gãy để lại vết sẹo cuộc đời - Ảnh 2.

Võ sư Nguyễn Quang Tâm nổi tiếng với cặp chỏ "cứng như sắt".

Trong suốt quãng thời gian thi đấu, võ sư Tâm chia sẻ từng trải qua khoảng trăm trận thượng đài lớn nhỏ nhưng chỉ thua duy nhất một lần bị đánh bất ngờ bởi võ sĩ Hoàng Sỹ Đến. Chính cặp chỏ trứ danh là thứ vũ khí lợi hại khiến nhiều đối thủ phải e ngại mỗi khi chạm mặt môn đồ của võ đường Mai Hãn.

Về sau, nhận thấy việc đấu võ đài thường xuyên không phải là một cách hay để phát triển võ thuật nên ông đã giã từ sàn đấu, chuyên tâm vào việc đào tạo, truyền bá rộng rãi giá trị cốt lõi của tinh hoa võ học môn phái Mai Hãn đến nhiều người.

Ngoài đòn chỏ, Mai Hãn còn nổi tiếng với một số tuyệt chiêu độc đáo như Song xuyên lạc hải, Bát bộ nhuyễn công quyền, Bát bộ liên hoa, Thiên ma trượng... Đặc sắc của môn phái này là dùng nhu khắc cương nhưng khi cần thì vẫn dũng mãnh áp chế, tấn công linh hoạt để áp đảo đối phương, thậm chí có thể đánh đông người cùng lúc.

Nói về võ sư Nguyễn Quang Tâm (SN 1955), ông sinh ra trong gia đình có truyền thống võ thuật tại H.Triệu Phong, Quảng Trị. Từ lúc còn bé, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê lớn với võ. Năm 12 tuổi, cậu bé Quang Tâm bái võ sư Trương Minh Hiếu - chưởng môn phái Mai Hãn làm sư phụ để theo học võ cổ truyền Việt Nam.

Theo võ sư Tâm tiết lộ, mỗi ngày ông dành khoảng 5 tiếng để tập luyện, việc đó cứ lặp đi lặp lại suốt một thời gian dài nhưng không gây nhàm chán, nhiều khi quên cả ăn cơm cũng chỉ vì mê võ. Người bình thường tập phải mất 6 – 7 năm mới đạt đến đai đỏ, trong khi ông chỉ cần 2 năm là hoàn thành.

Cao thủ võ Việt sở hữu cặp chỏ “cứng như sắt” & chiếc răng gãy để lại vết sẹo cuộc đời - Ảnh 3.

Hình ảnh hiếm hoi võ sư Tâm đứng lớp.

Nhờ chăm chỉ luyện tập và năng khiếu hơn người nên đến năm 1973, ông được chưởng môn tin tưởng giao nhiệm vụ đứng lớp để giảng dạy cho các môn sinh khác trong võ đường. Bên cạnh đó, Nguyễn Quang Tâm cũng bắt đầu tham gia thi đấu trên võ đài từ năm 17 tuổi và có nhiều trận đấu hạ knock-out đối thủ.

Giai đoạn võ tự do trước năm 1975 luôn nhận được sự quan tâm từ quần chúng hâm mộ. Việc đấu võ đài không những kiếm tiền mà còn là cách hiệu quả để đưa hình ảnh môn phái quảng bá rộng rãi nhằm thu hút người học.

Từ năm 1995, võ sư Tâm kế thừa di chỉ của sư phụ và trở thành chưởng môn của võ đường Mai Hãn tại Quảng Trị. Với ông, võ thuật là thứ không thể thiếu trong cuộc đời. Ông luôn tâm niệm luyện võ cũng giống như nuôi dưỡng thâm tâm và rèn luyện nhân cách con người. Đó cũng là cách mà ông truyền cho rất nhiều thế hệ học trò niềm đam mê, bầu nhiệt huyết tràn đầy về võ thuật cũng như triết lý của một người thầy dạy võ.

Hiện võ đường Mai Hãn có mặt ở khắp nơi từ Bắc trải dài vô Nam với khoảng 200 võ sư cùng hàng nghìn môn sinh theo học. Ở tuổi gần 70, dù là một võ sư được nhiều người kính trọng nhưng võ sư Nguyễn Quang Tâm vẫn chọn một cách sống không ồn ào, không khoa trương. Với ông, cuộc sống đơn giản là mỗi ngày lên võ đường, được dạy cho các môn sinh những nét tinh túy của võ cổ truyền Việt Nam.

https://soha.vn/cao-thu-vo-viet-so-huu-cap-cho-cung-nhu-sat-chiec-rang-gay-de-lai-vet-seo-cuoc-doi-20220406013235233.htm