"Lật mặt 7" là một tác phẩm mới của đạo diễn Lý Hải đang nhận được đông đảo sự ủng hộ cũng như phản hồi tích cực của rất nhiều người. Ngoài nội dung, thông điệp mà bộ phim mang đến, thì đứa con tinh thần của Lý Hải còn tiếp tục thu hút khán giả bởi bối cảnh phim thú vị. Mặc dù đều là những địa danh nổi tiếng ở Việt Nam, thế nhưng sự đan xen giữa những địa điểm thân quen, cùng những cái tên mới lạ đã làm cho "Lật mặt 7" ghi điểm ấn tượng. Chưa kể, còn có một vài tiểu cảnh được dàn dựng công phu, lột tả được nếp sống, nét văn hóa đặc trưng tại mỗi vùng miền khiến khán giả như vỡ oà cảm xúc.
Thủ đô Hà Nội chính là nơi sinh sống của con trai cả Hai Khôn (Trương Minh Cường đóng). Không chỉ lột tả nét đặc trưng của một gia đình ở Hà Nội mà đạo diễn Lý Hải cũng lồng ghép những địa điểm quen thuộc của Thủ đô như Hồ Gươm, cầu Thê Húc, chợ Đồng Xuân, ga Long Biên, Ô Quan Chưởng cho đến tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông... lột tả được nét đẹp cổ kính trầm mặc nhưng cũng không kém phần nhộn nhịp, hiện đại.
Một Thủ đô vừa cổ kính đan xen nét đẹp hiện đại.
Trong dự án phim "Lật mặt 7", bối cảnh của gia đình Tư Hậu (Quách Ngọc Tuyên đóng) và Tư Thắm (Tín Nguyễn đóng) với những tình tiết xúc động, tình cảm được lấy bối cảnh tại một làng nghề nhộn nhịp cũng không kém phần đặc trưng của vùng biển miền Trung chính là Cảng cá Mỹ Tân. Đây là một trong ba cảng chính của tỉnh Ninh Thuận (gồm Đông Hải, Ninh Chữ và Mỹ Tân), thuộc xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, cách TP Phan Rang khoảng 15km.
Cảnh yên bình của cảng cá Mỹ Tân.
Để tạo nên hình ảnh cảng cá nhộn nhịp, Lý Hải đã huy động 100 tàu bè cùng sự hỗ trợ của bà con nơi đây, tái hiện khung cảnh sinh hoạt thường ngày của làng nghề truyền thống. Từ những buổi sáng sớm trước khi mặt trời mọc, những phiên họp chợ đông vui, hấp dẫn, cho đến khung cảnh ngôi làng sau khi cơn bão đi qua. Vẻ đẹp của cảng cá ấy nổi bật nhất khi hòa quyện giữa thiên nhiên và cuộc sống mưu sinh của người dân miền biển, tạo nên những thước phim đời thường nhưng vô cùng xúc động.
Bên cạnh cảnh biển, ê-kíp còn tái hiện lễ hội ở Lăng Thần Nam Hải đầy sống động. Cứ ba năm một lần, ngư dân vùng biển xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) tổ chức Lễ hội cầu ngư Lăng Thần Nam Hải Mỹ Tân (còn gọi là Lễ hội Nghinh Ông), nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, thuyền đầy tôm cá. Nhiều người đánh giá rằng, đạo diễn Lý Hải đã rất khéo léo và tỉ mỉ như một lễ hội thực sự đang diễn ra, giúp khán giả hình dung về một vùng đất xa xôi, vừa quen vừa lạ. Đồng thời qua lễ hội ở lăng Thần Nam Hải, nhiều nét văn hóa đặc sắc vùng miền, đến âm nhạc cổ truyền cũng được Lý Hải giới thiệu đến khán giả.
Đoàn phim dựng lại cảnh lễ hội với sự tham gia của rất nhiều người dân địa phương.
Khác với tưởng tượng của nhiều người về một TPHCM sôi động, náo nhiệt thì trong bộ phim "Lật mặt 7" hình ản TPHCM được kể trên màn ảnh rộng theo một cách mộc mạc, gần gũi.
So với các địa phương khác, khung cảnh ở thành phố này tương đối đơn giản với cảnh ngã sáu Phù Đổng và các con ngõ nhỏ. Tuy nhiên câu chuyện của gia đình người con út Sáu Tâm giữa Sài Thành nhộn nhịp làm khán giả như đặt mình vào nhân vật để trải nghiệm. Hình ảnh những người lao động nhập cư hiện lên chân thật, tuy phải vùng vẫy với cuộc sống ở chốn đô thị nhưng quanh họ vẫn đậm dấu ấn của tình cảm lối xóm sum vầy.
Cuộc sống giữa Sài Thành nhộn nhịp nhưng cũng đầy bình yên.
Một trong những bối cảnh xuyên suốt bộ phim chính là không gian núi rừng Tây Nguyên kỳ vĩ vừa hoang sơ, thanh bình nhưng cũng đầy khắc nghiệt với thời tiết lạnh giá. Đây là nơi mà bà Hai (diễn viên Thanh Hiền) - nhân vật chính của phim sống cùng những kỷ niệm của gia đình và tuổi thơ 5 người con.
Địa điểm xây dựng bối cảnh ngôi nhà thuộc làng K'Long K'Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, nằm biệt lập ở quốc lộ 27C - cung đường "hoa và biển" kết nối thành phố hoa (Đà Lạt) và thành phố biển (Nha Trang). Nghe cái tên thôi chắc hẳn rất nhiều người bất ngờ vì lạ lẫm, thế nhưng ngôi làng này lại ẩn chứa nhiều vẻ đẹp không phải du khách nào cũng biết đến.
Căn nhà nhỏ nằm trên đồi cao heo hút với bờ suối, vườn hoa tại làng K'Long K'Lanh. (Ảnh: Phim Lật Mặt 7)
Đặt chân đến K'Long K'Lanh, du khách sẽ ngỡ ngàng bởi khung cảnh huyền ảo, lãng mạn của một màn sương dày đặc. Cảnh vật tại đây thật sự hoang vu, yên bình và đẹp đến nao lòng. Đến đây, du khách sẽ được hòa mình cùng màn sương, hòa mình với thiên nhiên, đất trời K'Long K'Lanh và cảm giác này sẽ khiến du khách nhớ mãi không quên.
Khung cảnh tại K'long K'Lanh vừa huyền ảo vừa lãng mạn. (Ảnh: @kyuubei.nguyen, @luanpham0403)
Không chỉ chìm trong sương mờ, K’Long K’Lanh còn có mùa hoa đào nở rộ, rất đẹp. (Ảnh: @Trần Long)
Vùng cao nguyên Lâm Đồng và đặc biệt là thành phố Đà Lạt đã từng xuất hiện trong rất nhiều bộ phim Việt Nam nói chung cũng như các phần phim Lật mặt nói riêng. Ở phần 7, đạo diễn Lý Hải chọn khu vực trung tâm thành phố cao nguyên để quay cảnh những người con đi tìm mẹ.
Bối cảnh cao nguyên xanh mướt khiến khán giả choáng ngợp.
Vùng cao nguyên Lâm Đồng và đặc biệt là thành phố Đà Lạt đã từng xuất hiện trong rất nhiều bộ phim Việt Nam nói chung cũng như các phần phim Lật mặt nói riêng. Ở phần 7, đạo diễn Lý Hải chọn khu vực trung tâm thành phố cao nguyên để quay cảnh những người con đi tìm mẹ. Không phải là rừng thông, những ngôi nhà biệt thự trên đồi hay hồ Xuân Hương lung linh trong ánh hoàng hôn,... mà khung cảnh Đà Lạt được khắc họa đơn giản bằng nét thơ mộng, yên bình cùng không khí trong lành. Bên cạnh đó là sự ấm áp tại xứ sở mù sương trong khung cảnh đại gia đình đoàn tụ.
Qua lăng kính của Lý Hải, những khung cảnh, nét văn hóa truyền thống lâu đời của Việt Nam hiện lên thật đẹp và thu hút. Những khung hình trải dài từ Bắc vào Nam có nơi lạ lẫm, cũng có nơi thân quen đã đẩy câu chuyện vừa dễ hiểu lại vừa hấp dẫn. Đặc biệt là mỗi vùng miền lại có nét văn hóa riêng, cho khán giả nhận ra Việt Nam mình còn quá nhiều điều thú vị.