Cánh cửa việc làm rộng mở cho sinh viên ngành Luật ở miền Trung

Quang Vũ, Theo Thanh niên Việt 19:30 22/07/2025
Chia sẻ

Với hơn 90% sinh viên có việc làm trong 1 năm sau khi tốt nghiệp, Trường ĐH Luật, ĐH Huế không chỉ là cơ sở giáo dục pháp lý uy tín nhất miền Trung mà còn là bệ phóng vững chắc cho hành trình nghề nghiệp của hàng ngàn cử nhân luật.

Vị thế ngành Luật nâng cao, cơ hội nghề nghiệp rộng mở

TS Mai Xuân Hợi, Trưởng bộ môn Luật Thương mại - Lao động (Trường ĐH Luật, ĐH Huế) cho biết, trong bối cảnh đang tiến hành xây dựng và hoàn thiện mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc tìm hiểu và vận dụng pháp luật luôn cần thiết với từng cá nhân, tổ chức. Vị thế của ngành Luật ngày càng được khẳng định, cơ hội việc làm của sinh viên cũng trở nên rộng mở.

Lĩnh vực nghề nghiệp truyền thống của các sinh viên tốt nghiệp ngành Luật thường là ở các cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, hải quan, kiểm lâm. Những vị trí thích hợp trong các cơ quan tư pháp là thư ký tòa án, thẩm phán, kiểm sát viên... Một hướng lựa chọn phổ biến khác là làm việc cho các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý như văn phòng luật sư, văn phòng công chứng, các trung tâm tư vấn pháp lý.

Cánh cửa việc làm rộng mở cho sinh viên ngành Luật ở miền Trung- Ảnh 1.

Sinh viên trường ĐH Luật, ĐH Huế có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi ra trường

Trong lĩnh vực doanh nghiệp, sinh viên học pháp luật ra trường có cơ hội thử sức mình với các nghề như chuyên viên tư vấn pháp lý, chuyên viên pháp chế, quản lý hợp đồng, làm công tác hành chính – nhân sự.

Đặc biệt, từ năm 2025, khi Nhà nước quyết tâm hoàn thiện thể chế để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển thì nhu cầu nhân lực có trình độ về pháp luật ở các doanh nghiệp càng quan trọng.

Ông Võ Minh Hoài - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Thịnh  (Quảng Bình) cho biết các tập đoàn lớn đều cần ban pháp chế am hiểu các văn bản pháp luật để tham mưu, tư vấn. Nhân viên pháp chế vừa phải nắm chắc kiến thức luật lại vừa phải am hiểu nghiệp vụ kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi đất nước từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, không ít tranh chấp phát sinh cần đến hỗ trợ pháp lý. Một hướng công việc cho sinh viên tốt nghiệp ngành Luật nữa là làm hòa giải viên các tổ hòa giải thương mại hay trọng tài viên các trung tâm trọng tài thương mại.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, công nghệ đều cần đến sự can thiệp nhất định về pháp luật. Các cơ quan báo chí hoặc truyền thông cũng tuyển ứng viên ngành Luật vì nhân sự tốt nghiệp mảng này có kiến thức và tư duy hệ thống phù hợp với phát triển nghề nghiệp lâu dài.

Mới đây nhất, nước ta đã xác định kinh tế tư nhân cần phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực để đạt mục tiêu đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030, khuyến khích nhân dân làm giàu. Đây cũng là động lực để người trẻ khởi nghiệp nhiều hơn nữa, khi toàn dân tham gia lao động tạo ra của cải vật chất. Tốt nghiệp các ngành đào tạo về luật, kinh tế, người trẻ sẽ có nhiều lợi thế hơn khi khởi nghiệp, rút ngắn thời gian làm quen và thích nghi với việc vận hành cơ sở kinh doanh của mình.

Chuẩn bị hành trang từ giảng đường

Đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu xã hội vừa là mục tiêu, vừa là kết quả mà Trường ĐH Luật, ĐH Huế nỗ lực thực hiện. Khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau 6 tháng và sau 12 tháng của Trường ĐH Luật, ĐH Huế cho thấy con số tìm được việc làm hàng năm thường dao động ở mức 90%.

Cánh cửa việc làm rộng mở cho sinh viên ngành Luật ở miền Trung- Ảnh 2.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ĐH Luật Huế có việc làm phù hợp ngày càng cao

Theo thông tin "ba công khai", tính đến tháng 6 năm 2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của Trường ĐH Luật, ĐH Huế sau 12 tháng là 91,3% (ngành Luật) và 91,1% (ngành Luật Kinh tế). Con số này vào thời điểm năm 2023 là 89,6% và 92,3% với các ngành tương ứng. Còn vào thời điểm tương tự ở năm 2021, số sinh viên ngành Luật tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm lên tới 95,5% và ở ngành Luật Kinh tế là 97,2%.

Hàng năm, nhà trường giao chỉ tiêu cho các khoa, trung tâm chuyên môn hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi ra trường

Thạc sĩ Mai Đăng Lưu, giảng viên Khoa Luật Kinh tế cho biết, trong suốt quá trình học tập của sinh viên, nhà trường luôn có định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ kỹ năng kịp thời, như các kỹ năng chuẩn bị hồ sơ, kỹ năng phỏng vấn và các kỹ năng mềm khác.

Không chỉ trang bị kỹ năng thiết yếu qua các bài giảng, nhà trường còn chú trọng phối hợp với các chuyên gia, mạng lưới cựu sinh viên và những cơ quan, tổ chức để sinh viên đào sâu vào các lĩnh vực. Thực tập làm trợ lý luật sư, nhân viên văn phòng công chứng, doanh nghiệp, làm quen với các công việc ở các cơ quan hành chính, tòa án nhân dân, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, thuế, hải quan… là những cơ hội trải nghiệm mà nhà trường nỗ lực kết nối đưa người học vào thực tế. Chính vì vậy, khi tốt nghiệp, sinh viên có thể bắt nhịp nhanh chóng và thích nghi với môi trường lao động đa dạng.

Đón bắt xu thế hội nhập quốc tế, mở cửa làm ăn với nước ngoài, những năm gần đây, trường mở thêm chương trình đào tạo chất lượng cao song ngữ Việt – Anh. Có kiến thức chuyên ngành, thành thạo ngoại ngữ sẽ là lợi thế cho sinh viên sau khi tốt nghiệp để đáp ứng nhu cầu việc làm đòi hỏi nhiều kỹ năng toàn diện, vượt trội.

Với nền tảng đào tạo chất lượng, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và mạng lưới hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, Trường ĐH Luật, ĐH Huế chính là nơi khởi đầu lý tưởng cho những ai đam mê ngành Luật và mong muốn xây dựng sự nghiệp vững chắc trong tương lai.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày