Đó là ước tính đã được điều chỉnh của lực lượng đặc nhiệm ứng phó động đất của chính phủ Nhật Bản vào ngày 31-3.
Theo đó, số người thiệt mạng được dự báo giảm khoảng 10% so với ước tính trước đó vào năm 2012.
Khu vực có nguy cơ xảy ra động đất ở rãnh Nankai. Ảnh: Văn phòng Nội các, chính phủ Nhật Bản
Tuy nhiên, mức giảm này vẫn chưa đạt được mục tiêu giảm khoảng 80% số người thiệt mạng được đặt ra trong kế hoạch cơ bản năm 2014 của chính phủ về phòng ngừa thảm họa. Điều này nhấn mạnh nhu cầu phải điều chỉnh quy mô lớn trong các chiến lược sơ tán và cải thiện cơ sở hạ tầng.
Trong báo cáo mới, lực lượng đặc nhiệm dự kiến số người sơ tán sẽ tăng so với ước tính trước đó vào năm 2012 từ 9,5 triệu lên 12,3 triệu người, tương đương với khoảng 10% dân số Nhật Bản.
Theo Kyodo News, tổng cộng 764 đô thị tại 31/47 tỉnh của Nhật Bản sẽ phải hứng chịu rung chấn ít nhất là dưới cấp độ 6 (theo thang đo cường độ địa chấn 7 cấp của Nhật Bản) hoặc sóng thần cao ít nhất là 3 m.
Mặc dù thiệt hại kinh tế dự kiến lên tới 270 ngàn tỉ yen, tăng so với ước tính trước đó là 214 ngàn tỉ yen nhưng số lượng tối đa các tòa nhà có nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn đã giảm nhẹ xuống còn 2,35 triệu căn nhờ những cải tạo chống động đất cho nhà ở.
Theo báo cáo, 215.000 trong số 298.000 ca thiệt mạng dự kiến là do sóng thần, dựa trên giả định rằng chỉ có 20% người dân sẽ sơ tán ngay lập tức.
Việc tăng tỉ lệ sơ tán lên 70% có thể giảm số người chết vì sóng thần xuống còn 94.000 người, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sơ tán nhanh chóng.
Khu vực dự kiến bị ngập lụt ít nhất 30 cm đã tăng 30% so với ước tính trước đó do những tiến bộ trong phân tích dữ liệu địa hình.
Tổng số người thiệt mạng được dự báo giảm không đáng kể mặc dù có tường chắn và các cơ sở sơ tán sóng thần.
Trong số các kịch bản dự kiến, kịch bản chết chóc nhất là xảy ra động đất mạnh 9 độ vào một đêm mùa đông, với thiệt hại nghiêm trọng tập trung ở khu vực Tokai. Trong trường hợp này, số người chết ước tính theo tỉnh sẽ cao nhất ở Shizuoka là 101.000, tiếp theo là Miyazaki là 33.000 và Mie là 29.000.
Chính phủ Nhật Bản sẽ chỉnh sửa kế hoạch phòng chống thiên tai để bổ sung các khu vực ưu tiên dựa trên những vùng có nguy cơ lũ lụt mở rộng, đồng thời xây dựng một kế hoạch mới để tăng cường khả năng chống chịu quốc gia từ năm tài chính 2026 đến 2030, qua đó giúp xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh hơn. Một cơ quan mới về phòng ngừa thảm họa cũng sẽ được thành lập vào năm tài chính 2026.