Càn Long ra vế đối, thí sinh nghe xong lập tức bỏ thi nhưng lại được chọn làm Trạng nguyên

Tammy, Theo Pháp luật & Bạn đọc 13:46 11/11/2021

Nghe xong câu đối của Càn Long, anh học trò lập tức quỳ gối: "Khởi bẩm hoàng thượng, vế đối này quá sức thâm thúy. Học trò bất tài, xin tự nguyện rút lui".

Trong nền văn hóa của các quốc gia Á Đông như Việt Nam, Trung Hoa, câu đối là thú chơi tao nhã của giới văn sĩ và cả tầng lớp bình dân. Với những quy định ngặt nghèo nhưng vẫn cần sự sáng tạo, câu đối đã trở thành bài kiểm tra tìm kiếm nhân tài cho nhiều thế hệ.

Đã có biết bao tình huống thử tài trạng nguyên thú vị bằng câu đối xuất hiện trong lịch sử và câu chuyện dưới đây cũng vậy.

Tương truyền dưới thời Càn Long, có một lần hoàng đế đi tuần sát vùng Giang Nam thì tình cờ gặp được kỳ khoa cử. Càn Long vốn là người tài lại yêu chữ nghĩa nên cũng ghé qua xem xét.

Càn Long ra vế đối, thí sinh nghe xong lập tức bỏ thi nhưng lại được chọn làm Trạng nguyên - Ảnh 1.

Càn Long vốn là người yêu chữ nghĩa, thích sưu tầm, thích làm thơ nên ông rất phấn khởi khi được nhờ chấm thi (Ảnh: Sohu)

Song không biết do vô tình hay cố ý mà kỳ thi năm ấy lại rơi vào hoàn cảnh khó chọn trạng nguyên vì có tới hai thí sinh ngang tài ngang sức. Lúc này giám thị mới ngỏ ý muốn nhờ hoàng đế xem xét giúp để tìm ra một người giỏi nhất.

Hoàng đế Càn Long đọc kỹ bài thi của hai vị học trò, quả nhiên cả hai đều là người tài giỏi, chọn ra một trạng nguyên không hề dễ dàng. Ông cười nói: "Được rồi ra sẽ ra một vế đối, ai đối tốt hơn sẽ trở thành người đứng đầu."

Cả hội thi không ai phản bác, ai cũng hồi hộp chờ xem rốt cuộc hoàng thượng sẽ hỏi cái gì.

Khi hai ứng viên đã sẵn sàng, Càn Long bắt đầu đọc câu đối:

"Đề bài của ta có 5 chữ Yên tỏa trì đường liễu"

Càn Long ra vế đối, thí sinh nghe xong lập tức bỏ thi nhưng lại được chọn làm Trạng nguyên - Ảnh 2.

Người học trò này không hề đối lại nhưng vẫn gây được ấn tượng với hoàng đế. (Ảnh: Sohu)

Nghe xong câu đối này, một thí sinh bắt đầu đăm chiêu suy nghĩ nhưng người còn lại gương mặt biến sắc, anh không nghĩ ngợi gì mà lập tức quỳ gối nói:

"Khởi bẩm hoàng thượng, vế đối này quá sức thâm thúy. Học trò bất tài, xin tự nguyện rút lui."

Nói xong, người học trò quay lưng bỏ đi, để lại cả hội thi sững sờ. Tất cả những người ở đây còn chưa kịp định thần về đối của hoàng thượng rốt cuộc là có ý gì, vậy mà thí sinh này đã vội vàng bỏ cuộc.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên hơn là Càn Long lại tỏ ý vô cùng hài lòng. Ông gọi người học trò kia quay trở lại: "Quay lại đây, ngươi là quán quân!"

Vì sao người học trò này được chọn?

Cả hội thi ngơ ngác không hiểu chuyện gì, những do Càn Long đã chọn nên tất cả vẫn vỗ tay chúc mừng anh học trò đã trở thành trạng nguyên. Mãi tới sau này một văn sĩ hiểu biết khác mới giải thích tường tận sự việc này.

Hóa ra 5 chữ mà Càn Long nói ra "Yên tỏa trì đường liễu" là một vế tuyệt đối trong lịch sử Trung Quốc.

Ý cảnh của câu này là hồ nước yên tĩnh và cây liễu ven bờ, có sương khói vờn quanh. Câu đối khó ở chỗ 5 chữ này mỗi chữ đều có một bộ thủ trong Ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ. Trong đó, yên là khói (hỏa), tỏa là khóa (kim), trì là hồ (thủy), đường là đê (thổ) và liễu là cây (mộc).

Càn Long ra vế đối, thí sinh nghe xong lập tức bỏ thi nhưng lại được chọn làm Trạng nguyên - Ảnh 3.

"Yên tỏa trì đường liễu" là vế tuyệt đối đến nay vẫn chưa có vế đối lại cân xứng (Ảnh: Sohu)

Chỉ đối ý của câu thì thực không khó, nhưng phải đối cả bộ ngũ hành kia quả là điều nan giải. Vế đối này đã xuất hiện từ thời nhà Minh, nhưng đến tận ngày nay vẫn chưa thể tìm ra một vế đối tương xứng

Người học trò kia hiểu rõ điều này, thế nên chỉ vài giây xong khi nghe đề bài, anh đã tự nguyện rút lui trong khi những người khác trong hội thi của chưa hiểu chuyện gì.

Chỉ với một câu xin rút lui, anh đã cho Càn Long thấy rõ sự hiểu biết và khiêm nhường của mình, khiến cho hoàng đế ấn tượng sâu sắc mà trao cho vị trí trạng nguyên.

Vậy mới nói, không phải một người cứ ham thể hiện bản thân mới là người tài giỏi. Đôi khi hiền tài là người hiểu thế sự, biết tiến biết lùi, âm thầm đánh giá mọi vấn đề và trân trọng những giá trị mà thế hệ trước để lại. Nếu làm được như vậy thì không cần những lời hoa mỹ, khoe khoang hay xu nịnh vẫn có thể được cấp trên đánh giá cao.