Càn Long tên thật là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch, sinh năm 1711. Càn Long là người kế vị của hoàng đế Ung Chính. Ông trên thực tế chỉ là con thứ, Mẹ của Hoằng Lịch, ban đầu cũng không được lập làm hoàng hậu. Bản thân Ung Chính đã trải qua sự kiện "Cửu tử đoạt đích" tranh giành quyền lực với những người anh em của mình. Để tránh lặp lại chuyện này, khi chọn Càn Long, ông đã viết chỉ dụ truyền ngôi rồi đặt vào một chiếc hộp, giấu sau tấm biển "chính đại quang minh" ở trên ngai vàng ở Càn Thanh cung.
Càn Long vì không muốn con cái tranh giành quyền lực đã nghĩ ra một cách rất độc đáo để chọn người kế vị. (Ảnh: Sohu)
Càn Long cũng luôn đau đáu về vấn đề lập thái tử. Một phần, vị hoàng đế này gặp áp lực từ phía các quan đại thần luôn giục ông sớm chọn ra người kế vị. Sở dĩ họ làm như vậy là để chọn phe cánh và tìm lợi ích cho mình. Chính vì thế, Càn Long đã nghĩ ra một cách rất độc đáo để không ai biết được dự định của mình.
Càn Long có hơn 40 người vợ, nhưng chỉ có 17 hoàng tử và 10 công chúa. Trong 17 vị hoàng tử này có 7 người đều chưa tới 10 tuổi đã qua đời do bệnh nặng, gồm Vĩnh Liễn, Vĩnh Tông, Vĩnh Tinh, Vĩnh Lộ và 3 người chết yểu. 2 hoàng tử là Vĩnh Thành và Vĩnh Dung được Càn Long quá kế cho anh em họ làm con.
Ba hoàng tử Vĩnh Hoàng, Vĩnh Chương, Vĩnh Kỳ đều lần lượt qua đời sau đó nên sau này Càn Long chỉ có thể lựa chọn người kế vị trong số 5 người con còn lại.
Từ bài học cũ thời ông nội của mình, Càn Long càng cảnh giác cao độ để tránh được bi kịch tranh giành hoàng vị. Ông đã tuyên bố trước mặt các quan đại thần rằng khi đủ 60 năm tại vị ông sẽ chọn thái tử.
Trong số các hoàng tử, chỉ có Vĩnh Diễm không nhận được lì xì của Càn Long. (Ảnh: Sohu)
Sau nhiều năm, đến Tết Nguyên đán năm đó, Càn Long như thường lệ triệu tập con cháu tới cùng nhau ăn bữa cơm tất niên và đón giao thừa. Khi mọi người có mặt đầy đủ, Càn Long bắt đầu phát lì xì. Mỗi một phong bao đỏ đều viết sẵn tên từng người. Duy nhất có Thập ngũ a ca Vĩnh Diễm là không được nhận lì xì.
Mọi người đều chỉ trỏ, rì rầm bàn tán không ngừng. Vĩnh Diễm cảm thấy rất buồn vì chuyện này.
Ngay lập tức, Càn Long lên tiếng: "Vĩnh Diễm, sở dĩ ta không lì xì cho con bởi vì cả thiên hạ đều là của con, con cần chút tiền kia làm gì?" Câu nói này cũng chính là lời tuyên bố rằng ông đã chọn Vĩnh Diễm làm người kế vị của mình.
Lời này vừa thốt, các đại thần đã nhao nhao phản đối. Lý lẽ họ đưa ra là Vĩnh Diễm không phải con trưởng. Hơn nữa, mẹ của Vĩnh Diễm là Lệnh Ý Hoàng quý phi xuất thân là một nô tì, vì thế Thập ngũ a ca không xứng làm Thái tử.
Các quan đại thần phản đối quyết định của Càn Long vì cho rằng mẹ của Vĩnh Diễm không có xuất thân cao quý. (Ảnh: Sohu)
Tuy nhiên, Càn Long quyết không thay đổi quyết định này. Vĩnh Diễm lên ngôi và lấy niên hiệu là Gia Khánh và ông được gọi là Gia Khánh đế.
Theo các nhà sử học, Càn Long lựa chọn Vĩnh Diễm làm người kế thừa ngai vàng là do 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, phạm vi lựa chọn ít. Trong số 5 hoàng tử còn lại, Thập thất a ca còn quá nhỏ không thích hợp làm trữ quân.
Vĩnh Tuyền là người lớn tuổi nhất, đặc biệt tinh thông về thư họa. Nhưng, tính cách của vị hoàng tử này hời hợt, cẩu thả, phóng túng và đam mê tửu sắc. Vĩnh lân từ nhỏ không thích học hành, tính cách bồng bột, hấp tấp, hành vi bất nhã và bản thân cũng không hề có ý muốn làm hoàng đế.
Vĩnh Tinh tuy giỏi thư pháp nhưng tính tình keo kiệt, bủn xỉn. Vĩnh Cơ có tài trí hơn người nhưng lại là con trai của Kế Hoàng hậu – người bị Càn Long ghẻ lạnh. Do đó, Vĩnh Diễm với tính cách hướng nội, thật thà, coi trọng nhân hiếu là người phù hợp để Càn Long chọn.
Nhiều nhà sử học cho rằng, Càn Long chọn Vĩnh Diễm kế vị là do 2 nguyên nhân. (Ảnh: Sohu)
Thứ hai, Càn Long không muốn từ bỏ quyền lực. Càn Long bề ngoài chọn cách tự nguyện thoái vị và lên làm thái thượng hoàng. Ông cũng qua đời 3 năm sau khi thoái vị. Tuy nhiên, trong 3 năm này Càn Long không thực sự nghỉ ngơi mà vẫn nắm giữ quyền lực của Thanh triều.
Vĩnh Diễm tuy là vua nhưng chỉ quản một số việc nhỏ, những việc lớn đều phải hỏi ý kiến của cha mình. Điều này thể hiện rõ trong chiếu chỉ tuyên bố thoái vị của Càn Long: "Trẫm tuy thoái vị nhưng những việc quân cơ quan trọng của triều đình thì vẫn cần phải đến hỏi ý kiến của Trẫm."
3 năm sau khi làm thái thượng hoàng, Càn Long qua đời, lúc này Gia Khánh mới thực sự nắm quyền lực trong tay.
Ông lập tức xử tử Hòa Thân – một đại quan tham trong triều đình. Gia Khánh đế từng thực hiện một cuộc cải cách có quy mô khá lớn, cố gắng khôi phục lại triều Thanh sau một thời gian dài bị lũng đoạn bởi Hòa Thân và chống nạn buôn thuốc phiện ở Trung Hoa. Bên cạnh đó, ông còn thẳng tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân.
Dù Càn Long thoái vị nhưng Vĩnh Diễm không nắm được quyền lực thực sự trong tay. (Ảnh: Sohu)
Mặc dù nỗ lực hết sức nhưng dưới thời Gia Khánh trị vì, mâu thuẫn xã hội xảy ra gay gắt, nạn tham nhũng còn nghiêm trọng hơn, khởi nghĩa xảy ra khắp nơi, nha phiến vẫn thâm nhập vào Trung Quốc.
Các thành viên của hoàng tộc nhà Thanh đã cố gắng ám sát ông hai lần - vào năm 1803 và năm 1813. Các hoàng tử tham gia vào các nỗ lực thí nghịch trong thời ông trị vì đã bị xử tử. Hàng trăm thành viên khác của hoàng gia đã bị lưu đày.
Năm Gia Khánh thứ 24 (1820), ngày 25 tháng 7 (tức ngày 2 tháng 9 dương lịch), Gia Khánh đế băng hà tại Hành cung Nhiệt Hà.
Nguồn: Sohu, Sina, 163