Căn hầm chứa 2 tấn vũ khí của Biệt động Sài Gòn năm xưa
Ngôi nhà 287/70 tọa lạc trên tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 của Sài Gòn, nằm giữa con hẻm thông 2 tuyến đường là Phan Đình Phùng và Trần Quý Cáp, nay là Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần, có diện tích 37m², dài 14,9m và rộng 2,5m.
Hồi năm 1965, ông Trần Văn Lai, còn được biết đến với tên Năm Lai đã mua căn nhà trên. Ông Lai là người vừa làm việc tại Dinh Độc Lập và đồng thời là thành viên của lực lượng Biệt động Sài Gòn nên đã biến căn nhà thành một kho vũ khí bí mật phục vụ cho lực lượng Biệt động trong công cuộc chống Mỹ cứu nước.
Bên ngoài căn nhà đặc biệt. Ảnh: Báo Xây dựng
Ông Lai dùng cớ đào hố ga để xây nhà vệ sinh nhưng thực chất là để ddaof căn hầm giấu vũ khí. Quá trình xây dựng diễn ra trong hơn 7 tháng, kết quả tạo ra một căn hầm có thể chứa 15 người, hơn hai tấn vũ khí, cùng lối thoát hiểm và hệ thống thông khí.
Lối vào hầm được che giấu dưới sàn nhà thông thường, mắt thường khó nhận ra giữa những viên gạch bông với nắp hầm gần cầu thang và có chốt vặn ở giữa để mở, kích thước nắp là 60 cm x 40 cm.
Địch không thể ngờ rằng, căn nhà nằm gần trung tâm thành phố, chỉ cách Dinh Độc Lập khoảng 2 km lại có thể chứa tới 2 tấn vũ khí, sẵn sàng uy hiếp chúng bất cứ lúc nào.
Mọi hoạt động từ đào hầm đến vận chuyển và cất giấu vũ khí đều được tiến hành bí mật đến tài tình. Vũ khí được giấu trong các vật dụng như ván gỗ rỗng, giỏ hoa, sọt trái cây để chuyển đến căn nhà rồi đưa xuống hầm
Lúc 1h30 sáng ngày 31/01/1968, tức rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, 15 cán bộ chiến sĩ của đội 5 Biệt động Sài Gòn đã tập kết tại căn nhà để lấy vũ khí và lên kế hoạch tiến về Dinh Độc Lập trên 3 xe ô tô và 1 xe máy, sau đó đã tạo nên cuộc tấn công mạnh mẽ, vang dội.
Bên trong căn nhà. Ảnh: Hồng Ân
Sau trận đánh, kẻ địch đã bắn phá căn nhà vì nghi ngờ nó là nơi ẩn náu của biệt động. Căn nhà tuy bị ảnh hưởng nhưng hầm vũ khí chẳng mảy may biến chuyển.
Ông Năm Lai sau đó bị Mỹ đày đi Côn Đảo rồi chúng chiếm giữ căn nhà suốt nhiều năm mà không hề hay biết về kho vũ khí dưới lòng đất. Chỉ sau ngày đất nước thống nhất, gia đình ông Trần Văn Lai mới có cơ hội quay về và phục hồi lại nguyên trạng.
Lối xuống căn hầm. Ảnh: Hồng Ân
Địa điểm tham quan nổi tiếng
Năm 1988, địa điểm này được chính thức công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia với tên gọi "Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn".
Ông Lai đã qua đời vào năm 2002. Con trai ông Lai ông Trần Vũ Bình, đã không quản ngại khó khăn để tìm kiếm, mua lại các hiện vật và tài liệu liên quan đến lực lượng Biệt động Sài Gòn để trưng bày trong căn nhà. Để nơi này sống lại ký ức xưa, ông đã sắp đặt những hiện vật này tại chính ngôi nhà của mình theo mạch lịch sử.
Vũ khí được trưng bày dưới hầm. Ảnh: Hồng Ân
Căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu giờ đây là minh chứng sống động cho tình yêu nước, sự sáng tạo và lòng can đảm của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước với trên 2.000 lượt khách mỗi năm.
Ông Trần Vũ Bình còn thiết kế một quán cà phê ngay tại di tích để phục vụ khách tham quan, đặc biệt là thế hệ con cháu của các biệt động Sài Gòn, nhằm tạo cơ hội cho họ khám phá và tìm hiểu về quá khứ oanh liệt của những người lính này.