Tham gia cách mạng khi mới 13 tuổi
Bà Phan Thị Ngọc Tươi sinh năm 1956 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở tỉnh Bến Tre. Cha và anh trai của bà là liệt sĩ, mẹ là 1 trong số 4 cán bộ nòng cốt của Đội quân tóc dài ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Bà Ngọc Tươi tham gia cách mạng khi mới 13 tuổi, tại đơn vị T30 - An ninh, tỉnh Bến Tre. Bà có nhiệm vụ tìm diệt những tên ác ôn, những đồn bốt địch gây nhiều nợ máu với nhân dân, tạo điều kiện cho cách mạng phát triển.
Phan Thị Ngọc Tươi năm 13 tuổi
Khi được hỏi về ký ức những năm tháng tuổi thơ, bà bảo đó là những ngày tháng chỉ có bom rơi, đạn nổ. Chính những lần vào thăm cha và các chú trong chiến khu đã thắp sáng trong bà một ngọn lửa quyết tâm theo cách mạng.
Bà Ngọc Tươi nhớ lại: "Mặc dù rất thương má, lúc đó má đang đi đánh giặc ở đâu tôi không biết nhưng sau khi nhận được tin cha hy sinh, khi ấy tôi mới 13 tuổi đã quyết định rời xa bà ngoại để được tham gia đánh giặc". Song, tới đâu cô bé Tươi cũng bị từ chối vì tuổi còn quá nhỏ. Sau nhiều ngày, cô bé gặp được thủ trưởng đơn vị biệt động, rất may người đó là đồng đội của cha mẹ mình. Tươi bày tỏ nguyện vọng muốn được đánh giặc trả thù cho cha.
Cô bé được chấp nhận, vì ông lo Tươi nhỏ quá mà cứ đi lang thang dễ gặp nguy hiểm. Ông dẫn Tươi về căn cứ, lại bị mọi người ra sức phản đối. Trong hồi ký của mình, bà đã kể lại tâm trạng chơi vơi, lạc lõng khi nghe các cô chú xì xào chê bai bà "con nít", sợ bị thành gánh nặng... Song, nhờ sự thông minh, lòng quả cảm, sau đó Tươi đã hoàn thành xuất sắc chuyến liên lạc "xương máu", cứu đồng đội thoát khỏi ổ phục kích của giặc.
Chiến công này đã thuyết phục được người chỉ huy đơn vị trinh sát an ninh nội thành chấp nhận cho Tươi cầm súng chiến đấu. Bà chính thức trở thành chiến sĩ thực thụ với hình mẫu một nữ biệt động Sài Gòn sau khi được huấn luyện cấp tốc...
Những trận đánh đáng nhớ của nữ biệt động gan dạ, mưu trí giữa lòng địch
Sau 1 tháng có mặt tại đơn vị, Tươi đã tham gia trận đánh đầu tiên và tiêu diệt 5 tên an ninh quân đội ngụy (trong đó có 1 tên đại úy) khi chúng đang tụ tập ăn uống tại thị trấn Mỏ Cày, bằng 2 trái lựu đạn.
Mặc dù nhỏ tuổi nhưng sau trận đánh đầu tiên, Tươi đã liên tục tiêu diệt những đối tượng chỉ định từ miền Tây sang miền Đông. Với bà, mỗi trận đánh đều để lại dấu ấn khó quên.
Ví như trận tiêu diệt tên đại úy thám báo ác ôn giữa Sài Gòn ngày ấy. Hôm đó, Tươi nhận lệnh xử tên đại úy Mười thám báo đã gây nhiều nợ máu với nhân dân và cách mạng. Suốt 1 tháng, Tươi tiếp cận tên đại úy trong vai một nữ sinh xinh đẹp, đài các con nhà quyền quý. Qua vài lần "từ chối", Tươi nhận lời đi chơi cùng tên ác ôn, hám gái. Đúng ngày 5/5/1969, bà "nhận lời" bước lên xe của tên ác ôn cùng giỏ quà, bên trong đựng trái mìn hẹn giờ và một khẩu súng ngắn.
Xe chạy thẳng về Sài Gòn - nơi Tươi chưa hề đặt chân đến. Tuy đơn thương độc mã giữa thành phố hoa lệ nhưng với lòng quả cảm, sự mưu trí, gan dạ và ý chí quyết tâm diệt ác, Tươi đã cho nổ quả mìn trên xe jeep, tiêu diệt tên đại úy và an toàn trở về với đồng đội.
Chiến công nối tiếp chiến công, khi mới 15 tuổi, bà đã là một chiến sĩ quả cảm, đánh 17 trận và tiêu diệt 174 tên ác ôn bằng sự gan dạ, mưu trí. Trong trận đánh ngày 27/1/1970, bà đã hóa trang mìn định hướng trong gánh rau muống. Bọn địch tụ tập hội họp, bà đóng giả làm người bán quà bánh, lọt được vào hội trường. Bà khéo léo vừa bán hàng, vừa đặt được mìn định hướng. Sau đó, mìn nổ đã giết và làm bị thương 17 tên địch, trong đó có 1 tên trung úy, 1 tên thiếu úy phụ trách công tác huấn luyện và 13 tên khác là trưởng đoàn bình định của địch.
Ngày 1/4/1970, cũng tại hội trường đó, bà dũng cảm, mưu trí diệt và làm bị thương 44 tên, trong đó có 1 tên đại úy phụ trách huấn luyện, còn lại là số cảnh sát, công an và cán bộ bình định của địch.
Cuối năm 1971, Thủ trưởng đơn vị lệnh cho bà ra Hà Nội báo công để nhận danh hiệu Anh hùng, bà từ chối vinh quang cho riêng mình, bởi không thể rời xa đồng đội lúc chiến trận đang căng thẳng, bà kiên quyết ở lại chiến đấu cùng đồng đội.
Một trận đánh mà bà nhớ nhất, cũng là đánh dấu những thử thách sau này của bà. Đó là năm 1972, đơn vị bà nhận được lệnh tấn công tiêu diệt Trung tâm thẩm vấn Kiến Hòa - nơi thi hành các đòn tra tấn dã man của bọn cảnh sát ngụy. Bà được giao nhiệm vụ chỉ huy trận đánh gồm 8 chiến sĩ, chia làm 3 mũi tấn công. Trận chiến đấu dù được chuẩn bị chu đáo nhưng do lực lượng mỏng nên khi bị địch huy động lực lượng bao vây, với cương vị chỉ huy, bà đã quyết định ở lại chặn địch để đồng đội rút lui, vượt khỏi vòng vây an toàn. Riêng bà bị bắt tại chỗ, khi quả lựu đạn cuối cùng trên tay rơi xuống nhưng không nổ, lúc này bà mới 16 tuổi.
Chiến sĩ cách mạng kiên trung trở thành nữ nhà báo công an
Khi bà bị bắt, kẻ thù dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man hòng làm nhụt ý chí của bà nhưng bọn chúng phải bó tay trước ý chí kiên trung, bất khuất của người nữ chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi.
Một lần, giặc hùng hổ bẻ tay bà trước mặt đồng đội, bà thốt lên hai câu thơ, sau đó lấy máu mình viết lên tường xà lim của nhà tù: "Xương ta gãy để nối liền Nam Bắc/Máu ta rơi cho bộ đội trưởng thành". Hai câu thơ ngẫu hứng của bà sau đó đã cổ vũ cho anh em trong nhà lao trên khắp mọi miền Tổ quốc giữ vững chí khí cách mạng.
Năm 1972, địch thành lập trung tâm cải huấn thiếu nhi Đà Lạt, thực chất là nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi ở khắp miền Nam hòng tra tấn, giam cầm, làm nhụt ý chí những chiến sỹ đang ở tuổi vị thành niên. Phan Thị Ngọc Tươi là 1 trong số hơn 600 tù nhân của trung tâm này.
Tại đây, bọn quản giáo, cai ngục không từ một hành động dã man nào như đánh đập, trói buộc, bắt nhịn ăn, dội nước lạnh vào người trong cái rét căm căm của Đà Lạt. Song, những tù nhân nhỏ tuổi đã đoàn kết chống chào cờ, chống khủng bố, có những chiến sĩ đã tự mổ bụng phản đối chế độ hà khắc của bọn cai ngục ác ôn và tiến hành vượt ngục để trở về tiếp tục chiến đấu. Phan Thị Ngọc Tươi là một trong số những chiến sĩ kiên trung ấy.
Bà Ngọc Tươi vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Hòa bình lập lại, trên trận tuyến mới, bà Ngọc Tươi hăng say học tập văn hóa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Sau 8 năm miệt mài đèn sách, bà đã tốt nghiệp Đại học An ninh (năm 1983), rồi Đại học Báo chí (năm 2000). Với những chiến công xuất sắc trong chiến đấu, với ý chí kiên cường, luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ trong tù ngục, năm 2010, Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trước khi nghỉ hưu, bà giữ trọng trách Phó trưởng Ban Hành chính của Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, bà Ngọc Tươi vẫn miệt mài tham gia các hoạt động xã hội tình nghĩa, hỗ trợ đồng đội và nhất là giao lưu, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay.