Cận cảnh khu tập kết hàng rong hợp pháp đầu tiên ở chợ Phạm Văn Hai Sài Gòn

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 07:01 02/04/2017
Chia sẻ

Sau khi được “mời” vào chợ, người bán hàng rong rất vui mừng vì thu nhập ổn định hơn, không còn nơm nớp sợ cảnh... bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng. Những người bán hàng rong tại chợ Phạm Văn Hai đều hồ hởi vì đây là giải pháp hiệu quả, hợp lòng dân của quận Tân Bình.

Chợ hàng rong đông nghẹt khách

Nếu ai đi qua khu vực chợ Phạm Văn Hai (phường 13, quận Tân Bình, TP. HCM) đều sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh buôn bán hàng rong tại đây đều rất ngăn nắp và trật tự. Được biết, đây là khu tập trung hàng rong hợp pháp do chính quyền quận Tân Bình lập ra để tạo điều kiện cho người dân khó khăn mưu sinh bằng phương thức buôn bán lề đường.

Khi đến thời điểm chập tối, khoảng 20 hộ buôn bán sẽ bắt đầu đẩy xe hàng rong của gia đình đến trước chợ Phạm Văn Hai. Khu chợ đã được đánh dấu vị trí sẵn nên không có cảnh tranh giành mất trật tự như buôn bán lề đường trước đây.

Clip: Người bán hàng nói về khu chợ tập kết hàng rong ở Sài Gòn - Thực hiện: Tứ Quý.

Cận cảnh khu tập kết hàng rong hợp pháp đầu tiên ở chợ Phạm Văn Hai Sài Gòn - Ảnh 2.

Ban ngày, bãi đất trống nơi bán hàng rong được sử dụng làm nơi giữ xe.

Cận cảnh khu tập kết hàng rong hợp pháp đầu tiên ở chợ Phạm Văn Hai Sài Gòn - Ảnh 3.

Nhiều xe hàng rong vẫn buôn bán ở lòng lề đường Phạm Văn Hai.

Mỗi hộ buôn bán sẽ được dùng một ổ cắm điện do Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai lắp đặt trên cột điện cao áp tại vỉa hè. Xe hàng rong được bố trí trong khu đất của chợ nhưng sát vỉa hè, để người đi bộ trên vỉa hè có thể dừng mua mang đi.

Đúng 19h, cảnh buôn bán chính thức bắt đầu và khoảng 5-10 phút sau khách đã bắt đầu ghé chợ hàng rong nườm nượp.

Khung cảnh chợ hàng rong chủ yếu bán mặt hàng thức ăn như bún, phở, cơm... và thức uống giải khát như sinh tố, trà sữa,... nên thu hút rất đông giới trẻ đến đây hàng ngày. Thời điểm đông khách và nhộn nhịp nhất tại chợ hàng rong là từ 20h – 22h.

Xe hàng rong được đặt phía trước sát với vỉa hè, phía sau là nơi để bàn ghế cho khách ngồi ăn uống. Thoạt nhìn cảnh đông đúc khách ngồi ăn uống, những tưởng vệ sinh sẽ không được đảm bảo nhưng hoàn toàn ngược lại.

Cận cảnh khu tập kết hàng rong hợp pháp đầu tiên ở chợ Phạm Văn Hai Sài Gòn - Ảnh 4.

Bắt đầu từ 17h30, những người bán hàng rong bắt đầu đẩy xe đến để chuẩn bị dọn hàng ra.

Dường như những vị khách khi đến khu này cũng hiểu được nỗi lòng của người bán hàng rong nên khá ý thức trong việc vệ sinh xung quanh. Không hề có cảnh xả rác bừa bãi. Thức ăn và đồ uống thừa cũng được người bán hàng rong dọn dẹp sạch sẽ mỗi khi khách ăn xong.

"Đến khu hàng rong này mình thấy rất sạch sẽ và vệ sinh. Ngồi ăn uống thoải mái không lo bị thu dọn bàn ghế khi có lực lượng đô thị nữa. Mô hình bán hàng rong hợp pháp này khá hay", bạn Trần Thanh An (quận Tân Bình) chia sẻ.

Còn cô Nguyễn Thị Bích Vân (50 tuổi) bán sinh tố, trà sữa tại chợ cho hay: "Khi vào khu hàng rong này thì công việc buôn bán được tốt hơn, thu nhập ổn định hơn. Việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm và xung quanh khu ăn uống khiến khách hàng cũng hài lòng, ghé uống nước nhiều hơn".

Giải pháp hiệu quả giúp người bán hàng rong có thu nhập ổn định

Cô Vân là một trong số khoảng 20 hộ đăng kí bán hàng rong tại chợ đánh giá cao hiệu quả của mô hình dành cho người bán hàng rong tại quận Tân Bình. Bán sinh tố, trà sữa và các loại thức uống khác được 3 năm nay nhưng trước đây chỉ bán ngoài lề đường, xe hàng rong của cô Vân luôn phải luôn chuẩn bị sẵn sàng... chạy mỗi khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng.

Cận cảnh khu tập kết hàng rong hợp pháp đầu tiên ở chợ Phạm Văn Hai Sài Gòn - Ảnh 5.

Cô Vân chia sẻ việc gom các gánh hàng rong lại một khu rất hiệu quả, thu nhập ổn định hơn so với bán tràn lan.

Vì lúc nào cũng nơm nớp canh lực lượng chức năng nên việc buôn bán không mấy hiệu quả, thu nhập lúc hòa lúc lỗ. "Trước đây, những đêm bán được nhất thì cũng bị lực lượng chức năng đến tịch thu vì bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, thế là từ lời thành lỗ. Cuộc sống mưu sinh hàng rong bấp bênh lắm", cô Vân chia sẻ.

Khoảng 1 năm trở lại đây khi quận Tân Bình có chủ trương "gom" người bán hàng rong tập trung tại một khu ở chợ Phạm Văn Hai, cô Vân liền đăng ký vào bán. Mức phí mặt bằng áp dụng cho mỗi hộ theo quy định của thành phố từ 200.000 – 300.000 đồng/tháng nhưng được miễn các loại chi phí về điện, nước, vệ sinh…, cũng như được đào tạo về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hàng đêm xe sinh tố của cô Vân bán tại chợ hàng rong cũng lời được gần 1 triệu đồng vì khách luôn ổn định. Đánh giá về mô hình dành cho người bán hàng rong, cô Vân nở nụ cười hài lòng vì hiện tại cuộc sống của gia đình cô được tốt hơn, thu nhập cao hơn trước rất nhiều.

Cận cảnh khu tập kết hàng rong hợp pháp đầu tiên ở chợ Phạm Văn Hai Sài Gòn - Ảnh 6.

Cô Nhật với chiếc xe đẩy đến khu chợ hàng rong chuẩn bị dọn hàng bán.

Còn cô Bùi Thị Nhật (58 tuổi, quận Tân Bình) cho biết trước kia bán cháo trắng lề đường Phạm Văn Hai rất vất vả vì mỗi khi thấy lực lượng đô thị phải... bỏ chạy. Do đã lớn tuổi lại bán hàng rong để kiếm sống qua ngày nên công việc mưu sinh lề đường không hề dễ dàng và lâu dài với cô. 

"Thấy tôi và những người bán hàng rong vất vả kiếm từng đồng nên Ban quản lý chợ phối hợp với quận Tân Bình đưa vào chợ bán. Tôi thấy mô hình dành cho người bán hàng rong này rất tốt, giúp gia đình tôi ổn định về kinh tế, nuôi hai con ăn học. Vào trong lòng chợ buôn bán được nền nếp hơn", cô Nhật nói.

Về quan điểm của mình đối với giải pháp dành cho người bán hàng rong tại những quận khác, cô Nhật cho rằng, mặc dù chưa đi các quận khác bao giờ nhưng cô khẳng định mô hình hàng rong tại chợ Phạm Văn Hai thực sự rất hiệu quả. 

Cô Nhật đưa quan điểm: "Ví dụ như ở quận 1, tôi chưa biết hàng rong ở quận này như thế nào nhưng nói chung nơi nào cũng vậy nếu áp dụng mô hình như chợ Phạm Văn Hai sẽ rất tốt cho người dân".

Cận cảnh khu tập kết hàng rong hợp pháp đầu tiên ở chợ Phạm Văn Hai Sài Gòn - Ảnh 7.

Những chiếc xe đẩy xếp hàng ngay ngắn tại khu hàng rong.

Theo ông Lê Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, do có rất nhiều hộ gia đình phải dựa vào vỉa hè để kiếm sống nên việc bố trí nơi tập kết cho những người bán hàng rong phù hợp là rất cần thiết.

Theo chủ trương của UBND quận Tân Bình, phương án bố trí người bán hàng rong có nơi kinh doanh ổn định sẽ tiếp tục được nghiên cứu, khảo sát thêm địa điểm mới và có thể triển khai ở khu vực chợ Tân Bình và Bầu Cát.

Cận cảnh khu tập kết hàng rong hợp pháp đầu tiên ở chợ Phạm Văn Hai Sài Gòn - Ảnh 8.

Khu hàng rong luôn nhộn nhịp khách ra vào.

Cận cảnh khu tập kết hàng rong hợp pháp đầu tiên ở chợ Phạm Văn Hai Sài Gòn - Ảnh 9.

Vỉa hè thông thoáng để dành cho người đi bộ có thể ghé mua thức ăn tại khu hàng rong.

Cận cảnh khu tập kết hàng rong hợp pháp đầu tiên ở chợ Phạm Văn Hai Sài Gòn - Ảnh 10.

Bên trong khu chợ các hộ buôn bán đều giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Cận cảnh khu tập kết hàng rong hợp pháp đầu tiên ở chợ Phạm Văn Hai Sài Gòn - Ảnh 11.

Khách cũng không còn cảnh bị tịch thu bàn ghế khi đang ngồi ăn uống nữa.

Cận cảnh khu tập kết hàng rong hợp pháp đầu tiên ở chợ Phạm Văn Hai Sài Gòn - Ảnh 12.

Người bán hàng rất hài lòng với mô hình dành riêng cho hàng rong kiểu này.

Cận cảnh khu tập kết hàng rong hợp pháp đầu tiên ở chợ Phạm Văn Hai Sài Gòn - Ảnh 13.

Khách ngồi uống sinh tố tại quán hàng rong của cô Vân.

Cận cảnh khu tập kết hàng rong hợp pháp đầu tiên ở chợ Phạm Văn Hai Sài Gòn - Ảnh 14.

Thỉnh thoảng người đi đường dừng xe mua đồ ăn thức uống để mang về.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày