Chị Phạm Thị Thủy. Ảnh do nhân vật cung cấp
Cụ thể, vào lúc 10h14 ngày 12/12/2022, khi đang làm việc tại Cơ quan Ngân hàng Trung ương, chị Phạm Thị Thủy nhận được tin nhắn chuyển khoản qua điện thoại.
Ban đầu chị Thủy nghĩ chắc bạn bè hoặc người thân gửi trả tiền cho chị, thế nhưng khi nhìn kỹ các thông tin tên người chuyển, nội dung chuyển, số tài khoản chuyển, số tiền vừa được chuyển vào tài khoản của mình lên đến 230 triệu đồng thì chị Thủy có chút đắn đo và suy nghĩ đây không phải là tiền chuyển cho mình. Với linh cảm nghề nghiệp, chị đã tra soát lại các thông tin và mối quan hệ thì vẫn xác định khả năng đây là chuyển tiền nhầm, nên chị đã tìm cách liên hệ với Ngân hàng cung cấp dịch vụ để tìm hiểu thêm thông tin, xác định mục đích người chuyển, lý do… nếu có đủ cơ sở, căn cứ chứng minh là chuyển nhầm thì sẽ trả lại tiền cho người chuyển nhầm.
Với kinh nghiệm công tác trong nghề kiểm toán, được biết hiện nay tội phạm công nghệ cao đang tìm mọi cách để lừa đảo và chiếm đoạt quyền truy cập các tài khoản của khách hàng, nên chị cũng rất cẩn trọng trong việc liên hệ, xác định, trao đổi thông tin qua lại giữa các bên để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Sau khi tra soát, đối khớp đúng các dữ liệu, thông tin chứng minh của người chuyển là do chuyển nhầm, chị Thủy đã không ngần ngại chuyển trả lại ngay đủ số tiền 230 triệu ngay trong ngày cho người chuyển nhầm.
Thông tin chụp từ màn hình điện thoại về việc hoàn trả lại tiền cho người chuyển nhầm. Ảnh do nhân vật cung cấp
Người nhận tiền chuyển nhầm phải có nghĩa vụ trả lại
Trao đổi với chúng tôi, chị Thủy cho biết: Thực tế hiện nay khi thực hiện các giao dịch qua InternetBanking có rất nhiều thuận lợi cho khách hàng, nhưng nếu không cẩn thận cũng có rất nhiều sai sót xảy ra và sẽ dẫn đến rủi ro về thông tin, tài sản, quyền truy cập và dẫn đến mất tiền trong tài khoản. Do vậy khi thực hiện các giao dịch, chúng ta nên kiểm tra lại thật kỹ các thông tin trước khi bấm nút chuyển lệnh chuyển tiền.
Với kinh nghiệm trong nghề kiểm toán, luôn nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và của Ngân hàng Nhà nước nên chị Thủy cũng hiểu Pháp luật quy định rất rõ nghĩa vụ phải hoàn trả lại tài sản cho người khác khi chiếm hữu, sử dụng không có căn cứ. Cụ thể nghĩa vụ hoàn trả đó được quy định tại Điều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015, mà việc mình nhận được tiền khi người khác chuyển không có mục đích.
Điều 580 Bộ luật Dân sự cũng quy định người chiếm hữu, sử dụng phải hoàn trả toàn bộ tài sản thu được, có nghĩa là khi mình nhận được tiền không rõ nguồn gốc thì phải trả lại. Đây là nghĩa vụ bắt buộc, nếu người có nghĩa vụ không thực hiện thì bị coi là vi phạm pháp luật. Tùy tính chất, mức độ, hành vi có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự.
Với việc làm trả lại đầy đủ số tiền 230 triệu và hành động tìm cách trả lại ngay số tiền cho người chuyển nhầm cho mình, chị Thủy đã thể hiện đúng bản chất nghề nghiệp của người làm công tác kiểm toán, nó thể hiện ở tính chính trực của người làm công tác kiểm toán nội bộ, luôn luôn thiết lập sự tin tưởng và tạo ra cơ sở cho độ tin cậy đối với việc làm của mình.