Cái khó của Rap Việt

Trọng Hiếu, Theo Đời sống pháp luật 14:34 18/05/2024

Muốn rap Việt tiếp cận khán giả đại chúng, các rapper phải tìm cách sáng tạo trong khuôn khổ.

Rap ở Việt Nam, cứ nhạy cảm là “bay màu”

Ngày 15/5 vừa qua, MC ILL - người chủ trì DISSNEELAND, giải đấu được coi là linh hồn của battle rap no-beat đã thông báo quyết định tạm ẩn các video battle để đánh giá lại về nội dung, phạm vi ảnh hưởng và thiết lập các phương án giới hạn độ tuổi, cảnh báo nội dung ngôn từ mạnh nếu cần thiết. Đồng thời, người được coi là “lãnh tụ” của giới battle no-beat cũng hy vọng các content creator đang reup, reaction hoặc khai thác nội dung từ các video battle của DISSNEELAND cũng có thể xem xét ẩn, hoặc hạn chế độ tuổi, cảnh báo nội dung... cho các video reaction/khai thác lại của mình. 

Cái khó của Rap Việt - Ảnh 1.

Quyết định được đưa ra sau khi các đoạn video được trích từ XNEELAND - sự kiện rap với tâm điểm là những màn battle no-beat diễn ra vào cuối tháng 1. Dù đã làm mềm hơn nhiều so với trước đây, qua việc tổ chức các trận đấu khen cũng như tiết chế một số ngôn từ nhạy cảm, nhiều nội dung trong các trận đấu bị một bộ phận lớn khán giả đánh giá là tục tĩu, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. 

Việc vấp phải những ý kiến trái chiều vốn không phải chuyện xa lạ với cộng đồng battle no-beat, đây đã là mùa thứ 9 giải đấu DISSNEELAND được tổ chức. Tuy nhiên, sau khi bị phản ánh về việc nội dung của giải đấu có thể gây tranh cãi với cộng đồng, những nhà tổ chức cảm thấy nhiều khán giả vẫn có cái nhìn tiêu cực về battle rap. Chính vì thế, những video này đã bị ẩn đi. 

Trước đó, cuối năm 2020, MC ILL cũng đã ẩn tất cả các video DISSNEELAND trong 8 mùa ngay trước thềm anh ngồi ghế nóng tại chương trình The Voice Kids. Đây được coi là động thái nhằm giúp các thí sinh nhỏ tuổi tránh bị ảnh hưởng bởi những nội dung nhạy cảm do huấn luyện viên của mình tổ chức. 

Cái khó của Rap Việt - Ảnh 2.

Với đặc thù của battle no-beat, lyric gần như là vũ khí duy nhất để các rapper đối đầu với nhau. Do đó, việc sử dụng một số ngôn từ mạnh, nội dung nhạy cảm nhằm hạ bệ đối phương là điều thường thấy ở hầu hết các trận đấu. Tuy nhiên, khi sự viral của các trận đấu vượt ngoài cộng đồng underground tới tai những khán giả đại chúng, những phản ứng tiêu cực là khó tránh khỏi. 

Không chỉ các trận battle no-beat, nhìn rộng ra có thể thấy hầu hết các nội dung “nhạy cảm” ở rap Việt đều bị “bay màu”. Hồi đầu năm, rapper B Ray phải làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM về ca khúc Để Ai Cần. Sản phẩm bị cho là mang nhiều câu từ phản cảm, trù ẻo phụ nữ, dù trước đó những bài nhạc diss người yêu cũ đã được coi là “thương hiệu” của B Ray. Ngay sau đó, nam rapper đã phải lên tiếng xin lỗi và gỡ ca khúc khỏi tất cả các nền tảng. 

Trước đó, Rap Nhà Làm, Chị Cả, Bình Gold cũng từng lần bị lên án vì nội dung bị cho là phản cảm trong những sản phẩm của mình. Thậm chí, BigDaddy - một rapper lâu năm trong nghề, nổi tiếng với nhiều bản rap thịnh hành Vpop, cũng từng phải gỡ MV Mẩy Thật Mẩy vì bị tẩy chay, dẫu với anh thì thông điệp "Hãy ủng hộ người phụ nữ của mình làm đẹp nếu cô ấy muốn" được đưa ra một cách rõ ràng, văn minh. 

Cái khó của Rap Việt - Ảnh 3.

Căn nguyên của vấn đề nằm ở chỗ… 

“Nhạy cảm” vốn đã là một từ rất đỗi mong manh. Ranh giới giữa việc đưa ra quan điểm một cách táo bạo với sự dung tục, phản cảm là rất nhỏ bé. Nếu như tại một số thị trường US-UK, các rapper được thoải mái trong việc sử dụng ngôn từ, thể hiện quan điểm, thì ở thị trường Việt Nam, sự đối nghịch giữa nguồn gốc của nhạc rap và thuần phong mỹ tục là một trở ngại lớn.

Nhạc rap khởi nguồn từ những khu ổ chuột tại Mỹ, nơi gắn liền với những băng đảng, tệ nạn xã hội. Ngôn từ trong nhạc rap vô cùng phóng khoáng và không bị gò bó trong một giới hạn nào nên những câu chửi thề xuất hiện trong nhạc rap là chuyện rất bình thường. Năm 1997, Khanh Nhỏ và Thái VG được coi là 2 người khai sinh ra Việt rap qua track Vietnamese Gang với lời nhạc đậm chất băng đảng, thể hiện niềm tự tôn của người Việt giữa một thế giới đa chủng tộc tại Mỹ. 

Cái khó của Rap Việt - Ảnh 4.

Những năm tiếp theo, cộng đồng người Việt tại Mỹ tiếp tục chơi rap. Cho tới năm 2002, nhạc rap của người Việt mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam với sự ra đời của diễn đàn RC (Rap Club). Do đó, những thế hệ đầu tiên của rap tại Việt Nam đã được ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa đường phố trong nhạc rap của các rapper người Việt sống tại Mỹ. 

Điều đó trái ngược với thuần phong mỹ tục tại Việt Nam, nơi những “lời hay ý đẹp”, những tư tưởng đậm chất Á Đông được duy trì xuyên suốt nhiều thế hệ. Đã từng có thời gian, nhạc rap bị nhiều người coi là thể loại nhạc kích động, bị hạn chế biểu diễn ở nơi công cộng. 

Sự phát triển của Internet, truyền hình cùng sự du nhập văn hóa từ các nước phương Tây khiến hiphop nói chung và nhạc rap nói riêng trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam. Trong vài năm gần đây, sự thành công của một số chương trình truyền hình về rap đã khiến thể loại này trở thành một trong những xu hướng dẫn đầu thị trường âm nhạc. Trong 23 nghệ sĩ Việt sở hữu hơn 1 triệu lượt stream trung bình hằng tháng trên Spotify, quá nửa trong số đó đã hoặc đang chơi rap.   

Rap trở nên phổ biến với khán giả đại chúng nhờ những chương trình truyền hình, nhờ những bản hit về tình yêu, cuộc sống đầy trong sáng, sạch sẽ về mặt câu từ. Điều đó khiến phần đông trong số họ khó hiểu và khó chấp nhận những chủ đề “nhạy cảm” như battle, beef hay diss - những thành phần không thể thiếu của nhạc rap. Họ càng không thể chấp nhận những câu từ quá sức tự do, trái với thuần phong mỹ tục, dù cho các rapper có thanh minh như thế nào về ý nghĩa thực sự đằng sau những câu từ đó. 

Đó chính là cái khó của rap Việt. Làm sao để giữ được tinh thần phóng khoáng, tự do của nhạc rap nguyên thủy mà vẫn trong chừng mực của tai nghe đại chúng. Nếu chỉ chọn 1 trong 2, rapper dễ gặp rắc rối. Hoặc là mất fan, hoặc bị cộng đồng cho là mất chất. Rapper cần tiền từ khán giả để làm nhạc, nhưng cũng cần giữ được chất riêng để khẳng định vị thế, tài năng, sự nể phục từ cộng đồng. 

Cái khó của Rap Việt - Ảnh 5.

Đi tìm lời giải  

Nhập gia thì tùy tục, nhưng nếu triệt tiêu hết những bản sắc của một thể loại âm nhạc, thì thể loại đó cũng chẳng còn tính hấp dẫn với khán giả. Mỗi rapper, mỗi cộng đồng cần phải tự đặt ra giới hạn cho chính mình để cân bằng giữa cái tôi riêng trong âm nhạc với những chừng mực khán giả đại chúng có thể chấp nhận. 

Một trong những giải đấu battle rap tầm cỡ và quy mô nhất Việt Nam từng được tổ chức vào năm 2019 - Beck'Stage. Bên cạnh luật lệ nghiêm cấm những từ ngữ thô tục, mang nội dung 18+, ban tổ chức cuộc thi còn chủ động che đi những từ ngữ nhạy cảm trong các đoạn video được đăng tải. Điều đó góp phần quan trọng giúp battle rap, đặc biệt là battle no-beat được đông đảo khán giả đại chúng đón nhận với cái nhìn tích cực. Trận chung kết freestyle giữa Sóc Nâu và Droppy (11 triệu lượt xem) hay chung kết no-beat giữa Phúc Du và Đại Vũ (gần 9 triệu lượt xem) chắc chắn là 2 trong số những trận battle rap được xem nhiều nhất trong lịch sử rap Việt. 

Cái khó của Rap Việt - Ảnh 6.
Cái khó của Rap Việt - Ảnh 7.

Các nhà tổ chức battle rap, các rapper có thể coi đó là một ví dụ để tiết chế ngôn từ, sao cho vẫn giữ được hàm ý sâu cay, lời lẽ đậm tính “sát thương” nhưng vẫn phù hợp để đến tai khán giả đại chúng. Phúc Du sau khi gặt hái danh hiệu Quán quân battle no-beat, giờ đã lên thẳng mainstream và tiếp tục ghi dấu với khả năng chơi chữ sở trường. 

Nếu không thể hạn chế những chủ đề nhạy cảm, các rapper có thể giới hạn đối tượng khán giả. Bản thân DISSNEELAND cũng có chính sách dành cho các tài khoản hội viên - những người sẵn sàng bỏ tiền để nghe các trận battle rap, đồng thời đã được cảnh báo và hiểu rõ về những đặc thù của bộ môn này. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc các rapper, nhà tổ chức sẽ giảm khả năng tiếp cận với khán giả đại chúng, giảm đi sức ảnh hưởng kèm theo sự kém thu hút với các nhà tài trợ. 

Vì vậy, để cân bằng giữa đặc thù của rap với văn hóa bản địa, sự sáng tạo cần thực hiện trong khuôn khổ. Việc định vị khuôn khổ, giới hạn như thế nào cũng do sự nhạy bén lẫn mục tiêu mà những người làm rap, chơi rap đang hướng đến. Giới hạn càng nhiều đòi hỏi sức sáng tạo càng cao, đó chính là thử thách mà các rapper lẫn những người làm cộng đồng cần vượt qua, để giải quyết được cái khó của rap Việt.      

Cái khó của Rap Việt - Ảnh 8.
Cái khó của Rap Việt - Ảnh 9.
https://kenh14.vn/cai-kho-cua-rap-viet-20240517232855432.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày