Ở châu Phi, nằm ở phía Tây Bắc của Cameroon là nơi hồ Nyos tọa lạc. Đây là một cái hồ khá nhỏ, được hình thành trên đỉnh một miệng núi lửa. Và sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như nó không gây ra một thảm họa bí ẩn bậc nhất lịch sử vào đêm ngày 21/8/1986.
Chẳng một chút dấu hiệu cảnh báo, hồ Nyos đã bùng nổ, thải ra hàng trăm ngàn tấn CO2, và đám mây chết người đó đã lan tỏa nhanh chóng với tốc độ 100km/h.
CO2 nặng hơn không khí, nó nhanh chóng rút oxy trong toàn bộ 25km bán kính xung quanh hồ. Và chỉ sau vài phút, sinh mạng của 1.746 người đã bị cướp đi, cùng hơn 3.500 gia súc, gia cầm.
Các nạn nhân đã chết dần ngay trong giấc ngủ mà không cách nào chống lại. Theo lời kể của các nhân chứng may mắn sống sót, họ thức dậy trong bàng hoàng. Không một sự xáo trộn, không có dấu hiệu của bạo lực, nhưng xung quanh đều là xác chết. Đến những con ruồi cũng không thể thoát khỏi bàn tay của tử thần.
Những xác chết của gia súc bên hồ Nyos
Và đến tận bây giờ, lý do vì sao cái hồ trở nên nguy hiểm đến vậy vẫn gây đau đầu cho các nhà khoa học. "Đây là một trong những thảm họa họa bí ẩn và khó khăn nhất mà khoa học từng điều tra" - trích lời George Kling, nhà sinh thái học thuộc ĐH Michigan (Mỹ) cho biết.
Khoa học đã làm được những gì?
Sau thời điểm xảy ra thảm họa, các chuyên gia đã xác nhận được rằng lượng CO2 khổng lồ xuất hiện vào khoảng 9h tối. Vì nặng hơn không khí, nó nhanh chóng thay thế oxy chìm xuống dưới, tạo thành một lớp "chăn" khổng lồ với độ dày lên tới 50m. Với mật độ khí này, không sinh vật nào có thể sống sót.
Lượng CO2 lên tới hàng ngàn tấn này vốn chìm sâu trong lòng hồ, nhưng vì một lý do nào đó, chúng đột nhiên bùng phát.
Thứ kích hoạt quá trình này có thể là bất kỳ thứ gì: động đất, lở đất, núi lửa hoạt động, hay thậm chí đơn giản là do mực nước bị xáo trộn đột ngột.
Nhìn chung, nguyên nhân gây ra hiện tượng vẫn chìm trong bí ẩn, và hệ quả nó gây ra cũng thật bi kịch.
"Cái hồ dường như đã phát nổ, đẩy một cột nước cao tới 91m - giống như một cơn sóng thần thu nhỏ vậy" - Trích tờ Atlas Obscura.
Khi không có lời giải thỏa đáng, thuyết âm mưu bắt đầu xuất hiện. Một số người tin rằng cái hồ phát nổ là do thử nghiệm bom mìn. Nhưng tất nhiên, đó là những giả thuyết không có cơ sở, và đã sớm chìm vào quên lãng.
Hiện tượng kỳ lạ xảy ra không chỉ một lần
2 năm trước khi thảm họa xảy ra, một hồ nước khác tên Monoun cũng đã gây ra một thảm họa tương tự, khi một vụ bùng nổ CO2 giết chết 37 mạng người. Nguyên nhân thì tất nhiên cũng chẳng ai rõ.
Không muốn thảm họa xảy ra thêm một lần nào nữa nên năm 2001, các chuyên gia tại Cameroon bắt đầu luồn những đường ống xuống đáy của cả 2 cái hồ này. Chúng có nhiệm vụ hút lượng khí và thải dần chúng vào không khí. Dự án còn được thực hiện khẩn trương hơn vào năm 2011, khi nghiên cứu cảnh báo về một vụ nổ còn khủng khiếp hơn so với thảm họa 1986.
Lắp đặt đường ống thông khí dưới đáy hồ Nyos
Tuy nhiên, lại có một vấn đề khác xảy ra với hồ Nyos: vành đai tự nhiên xung quanh hồ bắt đầu yếu dần. Chẳng may nếu có sạt lở, sẽ chẳng ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra nữa.
Hiện tại, các nhà khoa học đã xây đập xung quanh để bảo vệ hồ. Nhưng chừng đó là không đủ, vì chỉ cần một đợt mưa quá lớn, thảm họa sẽ lại một lần nữa xảy ra.
Vậy nên, hãy cùng hy vọng rằng khoa học sẽ sớm tìm ra giải pháp, đồng thời trì hoãn được thảm họa càng lâu càng tốt.