Cái giá phải trả cho những bức hình sân cỏ: Muốn ảnh thầy Park và tuyển U22 nét căng cũng "tốn thận" lắm đấy!

CN, Theo Trí Thức Trẻ 10:51 12/12/2019

Đừng nghĩ rằng có ảnh đẹp share Facebook là dễ dàng, tốn "vài trăm chai" cũng là chuyện bình thường đấy.

Ngày hôm qua đã khép lại đầy hân hoan bằng màn vô địch SEA Games 30 của đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam, dân tình hẳn vẫn chưa hết vui sướng và tự hào với ngôi vị chiến thắng sau bao nhiêu năm chờ đợi. Sau trận đấu, hàng loạt những bức ảnh huy hoàng được chụp lại trong khoảnh khắc òa lên ăn mừng được chia sẻ rầm rộ, đánh dấu thời điểm toàn dân tộc như hòa vào làm một, ấm áp và rạo rực hơn bao giờ hết.

Cái giá phải trả cho những bức hình sân cỏ: Muốn ảnh thầy Park và tuyển U22 nét căng cũng tốn thận lắm đấy! - Ảnh 2.

Đỗ Hùng Dũng ghi bàn thắng thứ 2 cho đội tuyển.

Cái giá phải trả cho những bức hình sân cỏ: Muốn ảnh thầy Park và tuyển U22 nét căng cũng tốn thận lắm đấy! - Ảnh 3.

Khoảnh khắc ăn mừng vui không diễn tả thành lời.

Những bức ảnh trên chỉ là phần nhỏ trong số các pha bấm máy để đời từ nhóm phóng viên tác nghiệp ngay tại hiện trường sân vận động tại Manila (Philippines). Trông có vẻ dễ dàng nhưng thực chất, các tay nhiếp ảnh thực sự cũng phải cống hiến vô cùng để có thể sở hữu đủ thiết bị chuyên nghiệp đắt đỏ mà đem về những tấm hình lịch sử để đời này.

Tham khảo nhiều nguồn tin đánh giá và cố vấn chuyên sâu về nhiếp ảnh thể thao, dưới đây là những thiết bị, phụ kiện và "mức thận" tương ứng phải dâng nạp, tương đương với giá trị vật chất đủ sức khiến ai cũng phải choáng ngợp của chúng. Mức giá dưới đây là đề xuất phổ biến và tiết kiệm nhất thường được nhiều dân chuyên tin dùng sao cho vừa đủ nhu cầu:

1. Thân máy camera (30-50 triệu đồng)

Nikon và Canon vẫn là 2 ông lớn được tin tưởng hàng đầu, tuy nhiên Sony cũng đang nhảy vào cạnh tranh mạnh mẽ vì nhiều ưu thế không thể xem thường về tính nhỏ gọn. Các đời máy cao cấp sẽ được tìm kiếm đầu tiên, bởi chỉ có chúng mới đủ sức cho ra những tấm ảnh sắc nét nhất, đối phó với những tình huống khắc nghiệt và khó đoán (thời tiết xấu, thiếu ánh sáng) và tốc độ chụp ảnh khung hình/giây rất cao để bắt nét dễ dàng các khung cảnh chuyển động nhanh trên sân cỏ.

Cái giá phải trả cho những bức hình sân cỏ: Muốn ảnh thầy Park và tuyển U22 nét căng cũng tốn thận lắm đấy! - Ảnh 4.

Một chiếc Sony A7R Mark IV chưa phải cao cấp nhất đã có giá 80 triệu đồng, không tính ống kính.

2. Ống kính (khoảng 30-50 triệu đồng cho 1-2 chiếc tùy tầm giá)

Các ống kính tele chụp xa chắc chắn sẽ là lựa chọn cố hữu đầu tiên bởi các nhiếp ảnh gia không thể chạy theo cầu thủ ở gần sát trên sân bóng. Ngoài ra, diện tích sân vận động nói chung cũng rất lớn, cần tới một ống kính thu phóng đủ để bắt kịp từng khoảnh khắc rõ nét mà không cần di chuyển nhiều. Mỗi ống kính ở các tầm giá tùy thương hiệu lại có những tính chất khác nhau về độ đa dụng, sắc nét, bền bỉ và cả các tính năng phụ - cũng là một bài toán khá đau đầu cho những ai mới làm quen.

3. Phụ kiện máy ảnh (ít nhất 20 triệu đồng)

Đây chắc chắn là hạng mục lằng nhằng và đau đầu nhất dành cho mọi nhiếp ảnh gia. Mỗi camera và ống kính thôi chưa đủ, bạn cần tính toán thêm cả những vật dụng như giá dỡ máy ảnh (tripod) thật chắc chắn, thẻ nhớ, pin sạc, đồ bảo hộ cho thiết bị. 

Cái giá phải trả cho những bức hình sân cỏ: Muốn ảnh thầy Park và tuyển U22 nét căng cũng tốn thận lắm đấy! - Ảnh 5.

Với một bộ máy ảnh thế này, thiết đi tripod sẽ chẳng khác gì đi cử tạ...

Xuyên suốt một trận đấu bóng 90 phút, việc chụp hàng trăm, nghìn tấm ảnh cũng là chuyện bình thường, nhất là khi áp dụng tính năng chụp liền nhiều tấm/giây trong một lần bấm nút để không bỏ lỡ khoảnh khắc đắt giá nào. Vì thế, một chiếc thẻ nhớ cao cấp về cả tốc độ tương thích lẫn dung lượng có giá tầm vài ba triệu cũng là điều dễ hiểu, chẳng khác gì một ổ cứng máy tính di động có kích thước nhỏ bằng đầu ngón tay cả.

Chưa hết, chinh chiến trên sân cỏ cũng cần tính toán tới cả thời lượng pin và thời tiết (trong trường hợp sân ngoài trời). Vì vậy, những món đồ phụ kiện pin dự phòng hay đồ bảo hộ, vệ sinh cặn kẽ cũng không thể bị bỏ qua. Mưa gió thất thường với độ ẩm cao thực sự là vũ khí chết người đối với máy ảnh và ống kính, rất dễ gây mốc và hỏng hóc không thể khôi phục về lâu về dài. Do đó, sau khi chụp xong, chủ nhân thiết bị lại phải sắm sửa thêm cả tủ chống ẩm để khử hơi nước còn sót, tránh mọi hậu quả đáng tiếc xảy ra với dàn máy trăm triệu của mình.

Nhìn chung, tính sương sương một người theo đuổi niềm đam mê chụp ảnh thể thao chuyên nghiệp chắc chắn sẽ mất ngót nghét 100 triệu là ít, chưa kể những thay đổi và nhu cầu cao hơn theo thời gian. Thế mới thấy để có được những bức ảnh share rầm rộ trên Facebook những ngày vừa qua, họ đã phải đổ công sức khó khăn và nhiệt huyết đến nhường nào.