Cái giá phải trả cho biến đổi khí hậu: Đến Sydney cũng mờ mịt khói mù, không còn bầu trời trong xanh hấp dẫn du khách

Thu Hương, Theo Trí Thức Trẻ 09:48 21/12/2019
Chia sẻ

Khói mù ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại và xây dựng bởi các bến cảng và công trường phải đóng cửa để đảm bảo an toàn khi mà chất lượng không khí và tầm nhìn quá tệ.

 Cái giá phải trả cho biến đổi khí hậu: Đến Sydney cũng mờ mịt khói mù, không còn bầu trời trong xanh hấp dẫn du khách  - Ảnh 1.

Những ngày này, du khách Trung Quốc muốn tới Sydney để tận hưởng bầu trời mùa hè trong xanh phải đối mặt với thực tế phũ phàng: khói mù từ cháy rừng đang bao trùm thành phố, buộc những công ty lữ hành phải chuyển khách tới các địa điểm khác ở Australia.

Tại các nhà hàng và quán cafe, khói mù khiến những thực khách muốn tận hưởng đồ ăn thức uống ngoài trời nhân dịp thời tiết ấm áp và buổi tối dài hơn bình thường phải hủy bỏ kế hoạch. Sydney đóng góp 25% GDP của Úc và theo công ty tư vấn SGS ước tính, ngoài những thiệt hại kinh tế trực tiếp thì khói mù từ cháy rừng còn đang ảnh hưởng lớn đến thương hiệu toàn cầu của thành phố cảng này.

Vẫn còn quá sớm để định lượng những thiệt hại mà những đám cháy rừng đang càn quét khu vực bờ Đông gây ra, nhưng ít nhất thì có thể khẳng định 6 tuần cháy rừng và đám khói mù dày đặc bao phủ một số thành phố sẽ là 1 gánh nặng lớn cho nền kinh tế Úc vốn đang ì trệ vì chi tiêu của các hộ gia đình yếu ớt. Nền kinh tế này cũng đối mặt với nhiều áp lực từ tình trạng trái đất nóng lên và những cơn bão.

Khói mù còn ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại và xây dựng bởi các bến cảng và công trường phải đóng cửa để đảm bảo an toàn khi mà chất lượng không khí và tầm nhìn quá tệ. Khung cảnh hỗn loạn đã diễn ra ở một số nơi do khói mù bao phủ Sydney và Brisbane khiến chuông báo cháy ở các tòa nhà vang lên.

 Cái giá phải trả cho biến đổi khí hậu: Đến Sydney cũng mờ mịt khói mù, không còn bầu trời trong xanh hấp dẫn du khách  - Ảnh 2.

Biến đổi khí hậu đang đe dọa nhiều ngành, từ nông nghiệp đến bất động sản hay du lịch. Ủy ban khí hậu Australia ước tính đến năm 2030 nước Úc sẽ thiệt hại khoảng 19 tỷ đô Úc (tương đương 13 tỷ USD) vì biến đổi khí hậu. Đến năm 2050 con số tăng lên 211 tỷ đô Úc và 2100 lên tới 4.000 tỷ đô Úc.

Trong khi đó Citigroup ước tính GDP Úc có thể giảm 0,5 điểm phần trăm nếu như tình trạng khô hạn hiện nay khiến sản lượng nông nghiệp sụt giảm 20%. Australia đang có 36 tháng liên tiếp ghi nhận mức nhiệt cao hơn bình thường, và tuần này đang trải qua những ngày nắng nóng cao điểm.

Tình trạng căng thẳng hiện nay là hồi chuông báo động về cái giá phải trả khi con người cố gắng phát triển kinh tế bằng mọi giá mà không chú trọng đến môi trường. Australia hiện là nước có lượng khí thải carbon lớn thứ 3 thế giới, nhưng Thủ tướng Scott Morrison vẫn từ chối thực thi chính sách giảm khí thải, thậm chí ông phủ nhận mối liên kết giữa các đám cháy rừng và hiện tượng trái đất nóng lên.

NHTW Australia cảnh báo thời tiết nóng hơn và mức chênh lệch nhiệt ngày càng cao có thể ảnh hưởng đến năng suất lao động và sản lượng, đồng thời ảnh hưởng đến mức lãi suất. Về dài hạn rủi ro sẽ xuất hiện trên thị trường tài chính khi các công ty bảo hiểm ngày càng phải chi nhiều tiền bồi thường hơn và giá các loại tài sản sẽ nhanh chóng biến động.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày