Cái cây cô đơn nhất hành tinh nắm giữ bí mật có thể thay đổi thế giới

Chi Chi, Theo thanhnienviet.vn 16:00 25/04/2025
Chia sẻ

Cây vân sam Sitka cao 9 mét đứng một mình giữa mênh mông sóng gió.

Nằm cách New Zealand 700 km về phía nam, trên hòn đảo Campbell hoang vu giữa biển khơi Nam Đại Dương, cây vân sam Sitka cao 9 mét một mình sừng sững giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Cây này được ghi nhận trong sách Kỷ lục Guinness Thế giới là "cây xa xôi nhất hành tinh", cách người hàng xóm gần nhất của nó trên quần đảo Auckland tới 222km. Trước đó, danh hiệu “cây cô đơn nhất” thuộc về Cây Ténéré ở Niger cho đến khi nó bị một tài xế đâm vào năm 1973.

Cái cây cô đơn nhất hành tinh nắm giữ bí mật có thể thay đổi thế giới- Ảnh 1.

Cây vân sam Sitka được gọi là "cái cây cô đơn nhất thế giới"

Người ta tin rằng cây vân sam Sitka này được trồng bởi Lord Ranfurly, thống đốc New Zealand lúc bấy giờ, vào đầu những năm 1900. Chính vì vậy nó còn được gọi là cây Ranfurly. Mặc dù được mệnh danh là cây cô đơn nhất thế giới, Kỷ lục Guinness Thế giới lưu ý rằng chưa có một định nghĩa chính xác nào về "cây". Hơn nữa, nó còn được phân loại là một loài xâm lấn và một số nhà khoa học thậm chí muốn loại bỏ nó.

Tuy nhiên, đối với Tiến sĩ Jocelyn Turnbull (trưởng nhóm nghiên cứu khoa học carbon phóng xạ tại GNS Science), cây này là một công cụ quý giá để tìm hiểu về sự hấp thụ carbon dioxide ở Nam Đại Dương. Bà Turnbull chia sẻ: "Trong số CO2 mà chúng ta thải ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch vào khí quyển, chỉ khoảng một nửa lưu lại đó và nửa còn lại đi vào đất liền và đại dương. Hóa ra, Nam Đại Dương – một trong những bể chứa carbon đó – đã hấp thụ khoảng 10% tổng lượng khí thải mà chúng ta tạo ra trong 150 năm qua."

Tiến sĩ Turnbull đã hợp tác với Thử thách Khoa học Quốc gia Deep South của New Zealand, Nền tảng Khoa học Nam Cực và Viện Khí tượng Thủy văn Quốc gia để tìm hiểu điều gì đang xảy ra với carbon ở Nam Đại Dương. Các nhóm nghiên cứu đang đặt ra hai câu hỏi chính: Nếu các bể chứa carbon này “đầy”, liệu nó có gây ra sự gia tăng mạnh mẽ của hiện tượng nóng lên toàn cầu không? Hoặc, bằng cách tìm hiểu cách chúng hoạt động, liệu những bể chứa carbon này có thể được hỗ trợ để hấp thụ nhiều carbon hơn và giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu hay không?

Cái cây cô đơn nhất hành tinh nắm giữ bí mật có thể thay đổi thế giới- Ảnh 2.

Sự cô độc này lại mang trong mình tiềm năng giải mã những bí ẩn về biến đổi khí hậu

Các nghiên cứu trước đây về sự hấp thụ carbon của Nam Đại Dương đã đưa ra những kết quả mâu thuẫn. Giả thuyết hiện tại cho rằng sự hấp thụ đang tăng lên và Tiến sĩ Turnbull muốn hiểu điều gì đang thúc đẩy nó. Lấy mẫu khí quyển là phương pháp tốt nhất để đo nồng độ CO2, và có thể được bổ sung bằng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ các mẫu nước sâu. Nhưng phương pháp này có những hạn chế. Tiến sĩ Turnbull giải thích: "Bạn không thể thu thập không khí đã tồn tại ở đó 30 năm trước, vì nó không còn ở đó nữa. Vì vậy, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng sử dụng các vòng cây. Khi cây cối phát triển, chúng hấp thụ carbon dioxide từ không khí thông qua quá trình quang hợp và sử dụng nó để phát triển cấu trúc của chúng. Carbon từ không khí cuối cùng sẽ nằm trong các vòng cây."

Phương pháp này rất hữu ích khi có nhiều cây phát triển, nhưng những cây như vậy rất hiếm ở Nam Đại Dương. Vì thế, cây vân sam Sitka – cây ở cực nam mà nhóm nghiên cứu có thể tìm thấy cung cấp dữ liệu tốt – đã trở thành mục tiêu nghiên cứu. Tiến sĩ Turnbull cho biết thêm: "Nó phát triển nhanh hơn bất kỳ thứ gì khác [trong khu vực đó] và các vòng lớn hơn, dễ tách ra hơn và dễ lấy dữ liệu hơn." Bà đã sử dụng một mũi khoan tay để lấy mẫu lõi 5mm từ cây vào năm 2016, nhưng kết quả vẫn chưa được công bố.

Về tình trạng cô đơn của cây, Tiến sĩ Turnbull nhận xét: "Để đến được cây từ cửa biển, bạn phải đi qua những con hải cẩu voi, sư tử biển, chim cánh cụt và hải âu. Cây không hề trông cô đơn… Trên thực tế, nó trông khá mãn nguyện."

Nguồn: The Guardian

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày