"Cái ác" từ trò đùa của những kẻ tung tin thất thiệt: Nỗi đau chồng thêm nỗi sợ lên vai những người dân vùng lũ

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 00:43 07/11/2017
Chia sẻ

Nỗi nơm nớp lo sợ vẫn luôn thường trực trong suy nghĩ của người dân sau khi bão lũ càn quét và để lại quá nhiều đau thương. Thế nhưng khi nỗi đau chưa lành, những tin đồn thất thiệt lại khiến bà con thêm một lần nữa "chạy loạn" trong sự sợ hãi.

Đêm ngày 3, sáng 4/11, cơn bão số 12 (tên quốc tế là Damrey - Con voi) với sức gió cấp 12, giật cấp 15 đã đổ bộ vào Phú Yên, Khánh Hòa. Ba ngày sau khi bão tan, mọi thứ trở nên tiêu điều, xơ xác. Đằng sau đó là nỗi lo của hàng chục nghìn người dân, giờ đây biết xây dựng lại bắt đầu từ đâu. 

Lòng người tan tác vì bão số 12 rồi, thế nhưng họ còn phải chịu thêm cái cảnh "chạy loạn" trong sợ hãi bởi đâu đó bỗng xuất hiện những tin đồn thất thiệt. Chúng là trò đùa với những kẻ nào đó, nhưng lại lạnh lùng chà xát thêm nỗi đau của những người dân. Khi mà lúc này số người chết vẫn tăng lên một cách chóng mặt, những người mất tích vẫn chưa được tìm thấy, hoa màu, nhà cửa,... đều đã trôi đi cùng với mưa gió.

Bà con bàng hoàng khi nghe tin đồn "hơn 40 xác chết trôi dạt vào bờ"

Sáng 6/11, khắp xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) được phen rúng động khi một tin đồn được truyền đi khắp xã: "37 người dân ở thôn Lệ Cam trong lúc khắc phục cơn bão số 12 trên các bè nuôi trồng thủy sản thì bị chìm bè và tử vong, thi thể trôi về thôn Tiên Du".

Cái ác từ trò đùa của những kẻ tung tin thất thiệt: Nỗi đau chồng thêm nỗi sợ lên vai những người dân vùng lũ - Ảnh 1.

Người dân Khánh Hòa ngóng trông tin tức của người thân mất tích do canh lồng bè nuôi trồng hải sản trên biển cơn bão 12.

Bà con nháo nhác, hoang mang bởi khi đó có người còn khẳng định rằng mình đã nhìn thấy hơn 30 xác chết người dân ở thôn Lệ Cam. Vứt hết mọi hàng quán ngoài chợ, bà con vội dọn đồ về nhà vì sợ lũ lại dâng, nhà lại ngập và họ sẽ lại chịu cảnh khốn đốn như những ngày qua. Giờ tan tành mọi thứ sau cơn bão lịch sử nên cứ nghe bất cứ tin gì liên quan, người dân lại khổ sở chuẩn bị "chạy trận" như thế.

Ngay sau khi xuất hiện thông tin trên, Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã đến hiện trường, cùng với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khẩn trương xác minh vụ việc. Và chỉ khi cán bộ khẳng định đây chỉ là tin đồn thất thiệt, bà con mới yên tâm buôn bán trở lại. 

Hoảng loạn di tản lên núi vì tin đồn vỡ đập thủy điện Sông Tranh, đập ngăn nước hồ Đá Bàn

Trong khi phải gồng mình khắc phục hậu quả sau bão, vẫn chưa hết bàng hoàng bởi sự phẫn nộ của thiên tai, người dân lại hốt hoảng sẵn sàng di tản lên núi vì tin đồn vỡ đập thủy điện ở Quảng Nam và đập ngăn nước ở Khánh Hòa.  

Vừa nghe tin, bà con già trẻ gái trai huyện Bắc Trà My hoảng loạn kéo nhau tháo chạy lên núi mong tìm được chỗ trú chân. Ai cũng nháo nhác bởi một khi đập thủy điện vỡ nguy cơ nhấn chìm tất cả mọi thứ là rất nhanh, có thể chỉ 1, 2 h đồng hồ cả khu vực chỉ là mặt sông lênh láng nước. Chỉ khi Đài phát thanh huyện Bắc Trà My phát thông báo bác bỏ tin đồn, bà con mới trở về nhà.

Hiện lực lượng chức năng đang truy tìm 4 thanh niên đi dọc đường ở chợ và khu vực trung tâm thị trấn rao tin vỡ đập thủy điện. 

Cái ác từ trò đùa của những kẻ tung tin thất thiệt: Nỗi đau chồng thêm nỗi sợ lên vai những người dân vùng lũ - Ảnh 2.

Cả gia đình hốt hoảng di tản lên núi ngay khi nghe tin đồn. Ảnh: báo Tiền Phong.

Cái ác từ trò đùa của những kẻ tung tin thất thiệt: Nỗi đau chồng thêm nỗi sợ lên vai những người dân vùng lũ - Ảnh 3.

Còn riêng hồ Đá Bàn có sức chứa 75 triệu m3 nước, nếu hồ gặp sự cố thì khoảng 2/3 địa bàn thị xã Ninh Hòa sẽ chìm trong biển nước chỉ sau 1 giờ. Bởi thế khi hay tin, bà con vùng hạ du đã nháo nhào thu dọn đồ đạc, di tản lên vùng cao. 

Đến chiều cùng ngày, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) khẳng định không có chuyện hồ bị vỡ hay nứt như tin đồn ác ý. Đồng thời yêu cầu chính quyền 27 xã, phường phát loa đến các thôn thông tin về tình hình hồ chứa này.

Cái ác từ trò đùa của những kẻ tung tin thất thiệt: Nỗi đau chồng thêm nỗi sợ lên vai những người dân vùng lũ - Ảnh 4.

Cái ác từ trò đùa của những kẻ tung tin thất thiệt: Nỗi đau chồng thêm nỗi sợ lên vai những người dân vùng lũ - Ảnh 5.

Người dân rơi nước mắt khi chứng kiến toàn bộ tài sản bao nhiêu năm gây dựng bị bão tàn phá.

Trước đó những đợt lũ vừa qua trên mạng xã hội cũng truyền đi nhiều thông tin không đúng sự thật. Khi thì đập hồ Núi Cốc ở Thái Nguyên vỡ tan tành gây ngập, lúc thì cá sấu xuất hiện trong mưa lũ tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Những lúc như thế, người khổ nhất vẫn chính là bà con nhân dân.  

Nỗi nơm nớp lo sợ vẫn luôn thường trực trong suy nghĩ của người dân. Để tránh thiên tai chẳng còn cách nào khác là chuẩn bị trước và sẵn sàng ứng phó. Thế nhưng khi nỗi đau chưa lành, tin đồn thất thiệt lại khiến bà con vùng lũ càng thêm đau. Đưa sự sợ hãi của người dân ra làm trò đùa quả thực là rất ác ý!  

Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội): Người tung tin lên mạng xã hội sai sự thật, tùy mức độ có thể bị xử lý hành chính cho đến hình sự. Người tung tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu - 30 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, việc đưa tin không chính xác, tung tin đồn thất thiệt chỉ để câu "like", câu "view" hoặc vì một số động cơ bất chính khác đã không còn là chuyện hiếm trên môi trường mạng. Vì thế, trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc, người sử dụng mạng xã hội cần trang bị đủ kiến thức để có thể tiếp nhận thông tin một cách chủ động, có sự phân tích, đánh giá, cân nhắc cẩn thận, để không bị các đối tượng xấu "giật dây".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày