Cách nào làm mới đội tuyển Việt Nam?

Bất Hoặc, Theo Tiền Phong 07:42 17/09/2022
Chia sẻ

5 năm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, HLV Park Hang-seo đang đứng trước yêu cầu làm mới lối chơi của đội bóng và chính bản thân. Tuy nhiên, việc thiếu những nhân tố chất lượng là trở ngại lớn với nhà cầm quân Hàn Quốc.

Sự trở lại của Đoàn Văn Hậu hay tốc độ trưởng thành rất nhanh của Tuấn Tài ở hành lang cánh phải hay Hoàng Đức nơi tuyến giữa là tín hiệu tích cực với đội tuyển Việt Nam. Trong trường hợp Văn Hậu bình phục hoàn toàn và lấy lại phong độ đỉnh cao, ông Park sẽ có thêm vũ khí rất tốt bên hành lang cánh trái.

Cách nào làm mới đội tuyển Việt Nam? - Ảnh 1.

HLV Park Hang-seo cần tạo nên luồng gió mới với đội tuyển Việt Nam? Ảnh: Anh Đoàn

Hay mới nhất, sự trở lại của Văn Quyết đã tạo nên những biến động tích cực tới không khí đội tuyển Việt Nam. Văn Quyết từng là cái tên gây nên nhiều tranh cãi khi bị ông Park ngó lơ một thời gian dài, bất chấp phong độ ổn định ở CLB Hà Nội. Đã có những nhận định rằng việc gọi trở lại Văn Quyết là phương án dự phòng cho khả năng Quang Hải vắng mặt tại AFF Cup 2022 sắp tới do vướng nhiệm vụ ở Pau FC.

Đây là những dự đoán có cơ sở, xét cả khía cạnh chuyên môn và những vận động nơi hậu trường đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy thế khó của HLV Park Hang-seo hiện nay: ông buộc phải gọi lại 1 cầu thủ từng không sử dụng suốt một thời gian dài. Nếu thực sự cần Văn Quyết cho những ý tưởng về chuyên môn, HLV Park Hang-seo có lẽ đã không bỏ qua nhiều thời gian đến vậy.

Ở góc độ này, đó là một tín hiệu xấu với đội tuyển Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh VFF và ông Park đều có xu hướng muốn tạo nên sự đổi mới từ con người đến lối chơi. Thực tế sau 5 năm cầm quân, HLV Park Hang-seo đang đối diện quy luật khắc nghiệt trong bóng đá, đó là yêu cầu làm mới đội bóng, cũng như chính bản thân. Các trụ cột đã “no đủ” các loại danh hiệu, sự nhàm chán có thể xảy ra khi phải lặp đi, lặp lại những bài tập, chiến thuật cũ…tất cả đều có thể gây ảnh hưởng tới động lực chiến đấu của các đội bóng.

Thực tế sau 5 năm cầm quân, HLV Park Hang-seo đang đối diện quy luật khắc nghiệt trong bóng đá, đó là yêu cầu làm mới đội bóng, cũng như chính bản thân. Các trụ cột đã “no đủ” các loại danh hiệu, sự nhàm chán có thể xảy ra khi phải lặp đi, lặp lại những bài tập, chiến thuật cũ…

Ông Park nhận ra điều này, và đã từng công khai mục tiêu đa dạng lối chơi của đội tuyển Việt Nam, xây dựng những phương án tấn công mới có thể khiến các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á bất ngờ. Nhưng nếu nhìn diễn biến tại AFF Cup gần nhất, nhà cầm quân Hàn Quốc rõ ràng chưa thành công.

Thực tế trong danh sách tập trung cho giải giao hữu tại TP HCM sắp tới, HLV Park Hang-seo triệu tập khá nhiều gương mặt trẻ, thuộc biên chế U23 Việt Nam. Có thể kể đến những cái tên như: Nhâm Mạnh Dũng, Khuất Văn Khang, Phan Tuấn Tài, Lương Duy Cường, hay Phạm Đình Duy. Dù vậy, không khó để đoán trong số này, sẽ có rất ít đủ khả năng trụ lại đội tuyển Việt Nam, nếu xét vị trí từng cầu thủ.

Nhâm Mạnh Dũng có thể chơi tốt ở U23 Việt Nam, nhưng khi lên đội tuyển quốc gia, rất khó để tiền đạo Viettel cạnh tranh vị trí với các “đàn anh” như Tiến Linh, Văn Toàn hay Công Phượng. Việc gọi các cầu thủ trẻ lên tuyển Việt Nam được nhìn nhận như sự chuẩn bị dài hạn của ông Park.

Về ngắn hạn, đội tuyển Việt Nam khó có thay đổi mang tính đột biến về nhân sự ở AFF Cup 2022 sắp tới. HLV Park Hang-seo không phải mẫu cầm quân thích mạo hiểm. Điều đó cũng khiến cho sự chuyển biến trong nhân sự và lối chơi của đội tuyển Việt Nam càng trở nên khó khăn hơn. Đó là một thách thức với đội bóng của ông Park, đặc biệt khi các đối thủ đều đang cho thấy những tham vọng rất lớn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày