“Cái kết tốt đẹp” của cuộc hôn nhân sắp đặt giữa nhà văn Hồ Thích và Giang Đông Tú từng được coi là một trong “bảy kỳ quan của Trung Hoa Dân Quốc”.
Điều “kỳ lạ” lớn nhất trong cuộc hôn nhân này chính là bản thân Hồ Thích là người tiên phong phản đối hôn nhân sắp đặt phong kiến và ủng hộ tình yêu tự do. Vậy mà một người tiên phong kéo mọi người trên khắp thế giới thoát khỏi "cái bẫy" hôn nhân sắp đặt lại rơi vào bẫy, đây chẳng phải là điều “kỳ lạ” lớn nhất sao?
Điều kỳ lạ thứ 2 là sự khác biệt 1 trời 1 vực giữa Hồ Thích và Giang Đông Tú. Ông là người điển trai, tuấn tú, tài năng từng đi du học. Bà lại kém sắc, thô kệch và không biết chữ.
Ai cũng nghĩ cuộc hôn nhân của họ sẽ không kéo dài được 5 năm nhưng cái kết lại ngoài sức tưởng tượng. Có thể nói tất cả nhờ bản lĩnh của người phụ nữ mang tên Giang Đông Tú.
Giang Đông Tú được miêu tả là người phụ nữ chân phương, sống rất bản năng và hào hiệp, không bị ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến. Đông Tú hơn Hồ Thích 1 tuổi. Ngay từ khi bà 14 tuổi đã được đính ước với Hồ Thích. Ban đầu họ Hồ cũng không thích kết giao với họ Giang nhưng thấy thiện chí của mẹ Giang Đông Tú cộng với sự quan tâm, chăm sóc của nàng dâu tương lai mà mẹ Hồ Thích cảm động.
Đính hôn năm Đông Tú 14 tuổi nhưng Hồ Thích lại trì hoãn rất lâu mới kết hôn. Dù chưa tổ chức hôn lễ nhưng Giang Đông Tú vẫn được coi là người nhà họ Hồ. Bất chấp sự phản đối của người khác, Đông Tú dọn đến nhà Hồ Thích ở để tiện chăm sóc mẹ ông.
Sau khi tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây, Hồ Thích càng khao khát tự do yêu đương. Ông từng say đắm 1 cô gái ngoại quốc trong thời gian đi du học. Khi đó, Hồ Thích từng viết thư nói với mẹ muốn hủy bỏ hôn ước nhưng bấy giờ, tấm lòng của Giang Đông Tú khiến mẹ Hồ Thích có suy nghĩ “không phải cô con dâu này thì không thể là ai khác”.
Bà đáp lại ngắn gọn: “Nếu con không về cưới Đông Tú thì về dự đám tang mẹ đi”.
Chấp nhận trở về Trung Quốc theo sự sắp đặt của mẹ, Hồ Thích than thở: “Trong 13 năm cựu ước, tôi đã đi khắp bảy vạn dặm”.
Hồ Thích yêu cầu cưới theo nghi lễ phương Tây, Giang Đông Tú đồng ý. Sau kết hôn, ông muốn giao thiệp với bao nhiêu bạn bè bà đều vui vẻ ủng hộ. Vẫn là bản tính hào hiệp ấy, Giang Đông Tú chưa bao giờ kiểm soát chồng.
Thế nhưng vì ngay từ đầu trái tim Hồ Thích không đặt ở chỗ người vợ này nên ông đã ngoại tình. Khi xa vợ, Hồ Thích đã sống chung với người tình là Tào Thành Anh.
Giang Đông Tú và Hồ Thích
Sau khi tin tức chồng ngoại tình và tiểu tam đã có thai truyền đến tai Giang Đông Tú, bà viết 1 lá thư cho Hồ Thích, yêu cầu ông nhanh chóng trở về Bắc Kinh.
Theo kế hoạch ban đầu, Hồ Thích sẽ “đấu tay đôi” với Giang Đông Tú để bàn chuyện ly hôn nhưng phản ứng của vợ làm ông choáng váng.
Hồ Thích vừa thốt ra 2 từ ly hôn, Giang Đông Tú quay người đi thẳng vào bếp. Bước ra, trên tay bà là đứa con trai 2 tuổi và con dao làm bếp.
Bà tuyên bố: “ Tôi đã sinh con cho Hồ gia, không phải để cho anh sao. Hẹn hò với phụ nữ bên ngoài không tính, giờ anh còn đòi ly hôn. Nếu anh muốn đi cũng được, tôi sẽ giết 2 đứa con anh, sau đó đến anh và tôi sẽ tự sát”.
Hồ Thích sợ hãi đến mức sắc mặt xám xịt. Không có người can ngăn thì chắc hẳn ông không được yên ổn ra khỏi cửa. Sau cú sốc này Hồ Thích không bao giờ nhắc đến chuyện ly hôn nữa.
Trong thời kỳ hỗn loạn, Hồ Thích và Giang Đông Tú sống ở New York hơn 10 năm. Họ ở trong 1 căn hộ tồi tàn, ngày ngày bà lặp đi lặp lại những công việc như mua đồ, nấu nướng, lo việc nhà nhưng chưa bao giờ Đông Tú than vãn.
Để chồng giảm bớt áp lực, Đông Tú thường xuyên nấu món Huệ Châu và mời đồng hương của chồng đến nhà ăn tối, trò chuyện.
Dù Hồ Thích có thành tích lớn đến đâu, nổi tiếng thế nào thì trong mắt Giang Đông Tú ông vẫn chỉ mãi là chồng bà, không hơn không kém. Giang Đông Tú cũng không thay đổi bản thân vì bất cứ ai (ngoài việc chủ động học chữ) ngay cả khi người đó là chồng bà.
Trong thời gian sơ tán vì chiến tranh, Đông Tú vẫn cố mang theo hành lý là 70 thùng sách vì đó là huyết mạch của chồng. Tất cả những gì bà làm khiến Hồ Thích vô cùng cảm kích và biết ơn.
Cuộc hôn nhân của 2 người họ tưởng chừng như không phù hợp nhưng thực chất lại rất hoàn hảo.
Giang Đông Tú viết thư cho chồng lúc nào cũng đầy lỗi chính tả nhưng cách Hồ Thích đáp lại rất trân trọng: “Lúc ốm, tôi nhận được lá thư của vợ. Trong đó dài không quá 8 dòng, chẳng có chữ gì quan trọng cả nhưng tôi rất vui mừng”.
Giang Đông Tú thích chơi mạt chược. Hồ Thích không những không khó chịu mà còn ủng hộ: “Vợ tôi là nhất. Cô ấy làm việc của cô ấy (chơi mạt chược), tôi làm việc của tôi (nghiên cứu)”.
Sau này khi về già Hồ Thích còn đùa mình là “chủ tịch hội sợ vợ”. Thậm chí ông còn tự hào nói rằng “những người sợ vợ đều là những người cao thượng”.
Sở dĩ mối quan hệ này có thể thành công không chỉ liên quan đến lòng tốt của Hồ Thích mà nguyên nhân cơ bản là: Bản thân Giang Đông Tú xứng đáng có được tình yêu tốt nhất, gống như câu nói: “ Nếu bạn nở hoa, bướm sẽ đến”.