Các vị thần nước Mỹ trong "American Gods", họ là ai? (Phần 2)

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 14:00 11/05/2017
Chia sẻ

Tập hai của "American Gods" mang tên "The Secret Of Spoons" tiếp tục xây dựng thế giới rộng lớn của các thánh thần.

[Bài viết có tiết lộ trước nội dung phim]

Sau tập đầu đầy hứa hẹn, American Gods đã trở lại vẫn với mạch phim thong thả nhưng dữ dội. Trên hành trình của Shadow Moon và quý ngài Thứ Tư Wednesday (như phần trước chúng ta đã biết là hóa thân của thần Odin), tập hai của American Gods hé lộ thêm chân dung của các cựu thần lẫn tân thần. Quái dị và đẹp mắt, sau Hannibal đạo diễn Bryan Fuller đưa người xem vào một trận đồ của thị giác và ở trung tâm là cuộc chiến đang dần nhen nhóm trong thế giới thần thánh của nước Mỹ.

Media (Gillian Anderson)

Các vị thần nước Mỹ trong American Gods, họ là ai? (Phần 2) - Ảnh 1.

Vị thần của truyền hình xuất hiện dưới nhân dạng cô đào Lucille Ball trong sitcom kinh điển I Love Lucy. Đây là Tân thần đã xuất hiện từ thời kỳ con người phát minh ra tivi đen trắng, cũng là kẻ đã trải qua những thăng trầm của kinh đô điện ảnh và càng ngày càng lớn mạnh.

Cách ăn mặc, nói năng cũng như mời gọi của Media mẫu mực như cắt ra từ thước phim giai đoạn hoàng kim của Hollywood vậy. Khác với cách tiếp cận bạo lực của Technical Boy, Media sử dụng những lời hứa hẹn ngọt ngào để quyến rũ Shadow Moon rời bỏ Wednesday về phe của bà ta.

Mr. Nancy (Orlando Jones)

Các vị thần nước Mỹ trong American Gods, họ là ai? (Phần 2) - Ảnh 2.

Đoạn phim mở đầu của tập hai trong American Gods dàn cảnh những người nô lệ bị nhốt trong khoang tàu chật hẹp và một người bắt đầu cầu khẩn đến Anansi. Trong những câu chuyện dân gian khắp Tây Phi và vùng eo biển Caribbean, Anansi là Thần Nhện, Kẻ lừa gạt, Người nắm giữ tri thức với biểu tượng là một con nhện.

Anansi là Cựu thần có thể khơi dậy bản năng của những quân cờ trong tay mình và đẩy con người vào cái mạng nhện đã được giăng sẵn. Trong tiếng nhạc jazz (thể loại nhạc được khai sinh cuối thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20 bởi những người da đen bị bắt sang châu Mỹ) đối lập với tình cảnh cùng đường của các nô lệ, Anansi đã vẽ ra tương lai khốn khổ của người da màu cũng như vấn đề phân biệt chủng tộc mà chính nước Mỹ vẫn đang phải vật lộn ngày nay.

Czernobog (Peter Stormare)

Các vị thần nước Mỹ trong American Gods, họ là ai? (Phần 2) - Ảnh 3.

Bước ra từ thần thoại Slavic, Czernobog được coi là tà thần nhiều hơn là một vị thần tốt. Ác thần Czernobog hoặc Chernobog – được xem như tiền thân của ác quỷ trong Kito giáo. Chernobog  đại diện cho cái ác và sự chết chóc, tên của thần được dịch ra có nghĩa là Hắc thần - the Black God.

Trong phim, Czernobog được mô tả như một ông già với chiếc búa chuyên dùng để đập đầu bò với niềm khoái lạc thấy máu tuôn trào trên tay vào mỗi sớm mai. Vị Cựu thần này cũng có nhắc đến người anh em của mình, người mà theo ông mới chính là mục đích chuyến viếng thăm của Wednesday nhằm chiêu mộ cho cuộc chiến. Thú vị thay, cũng theo người Slavic đối nghịch với Hắc thần Czernobog là Bạch thần Belobog. Rất có thể đây là hai nửa tồn tại trong cùng thân xác và gọi nhau là anh em.

Zorya Vechernyaya (Cloris Leachman)

Các vị thần nước Mỹ trong American Gods, họ là ai? (Phần 2) - Ảnh 4.

Zorya Vechernyaya, the Evening Star cùng với Zorya Utrennyaya, the Morning Star và Zorya Polunochnaya, the Midnight Star là ba chị em cùng trôi dạt từ những câu chuyện người Slavic đến định cư trên mảnh đất Mỹ. Theo thần thoại, Vechernyaya và Utrennyaya là những Vệ thần canh giữ các chòm sao khỏi ác khuyển có cánh Simargl (Đội Vệ binh dải ngân hà phiên bản các chị em).

Trong nguyên tác, Neil Gaiman thêm vào cô em gái Polunochnaya - Vì tinh tước nửa đêm, và Bryan Fuller đã giấu đi nhân diện của nhân vật này trong tập hai. Trên phim, cả Vechernyaya và Utrennyaya đều đã già (nhưng bà chị uống rượu thì vẫn không ai bằng). Các cổ thần đều đã bị người đời lãng quên như chính những câu chuyện về họ, thế nhưng điều đó không có nghĩa quyền năng của họ đã hết.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày