Phố Lê Trọng Tấn mới được cải tạo trở thành tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô. Đây là tuyến đường xây dựng có chất lượng, kỹ thuật, độ bền cao, đặc biệt các nhà dân và cơ quan đều đã chỉnh trang mặt tiền theo quy chuẩn chung từ sơn đến biển quảng cáo.
Theo đó, tuyến đường này được chính quyền động viên, đầu tư một phần kinh phí để lắp đặt biển bảng, màu sơn theo màu sắc thống nhất là xanh và đỏ. Các tấm biển hiệu khá giống nhau, không gây phản cảm. Các mái vẩy, mái che được tháo dỡ để tránh mất mĩ quan.
Các biển hiệu cao đều nhau và chỉ có màu xanh hoặc đỏ.
Tuy tạo nên một khung cảnh khá đẹp mắt nhưng việc chỉ có 2 màu xanh đỏ khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu đối với nhiều thương hiệu lâu đời, ví dụ như OPPO hay Samsung... khi được đặt vào phố kiểu mẫu này thì sẽ phải để biển hiệu màu gì?
Việc quy định màu xanh và đỏ cho biển hiệu sẽ khiến các thương hiệu nổi tiếng phải... khóc ròng. Như trong bức ảnh này, nếu nhìn không kĩ thì các thương hiệu rất nổi tiếng về nhận diện màu sắc đặc trưng sẽ bị nhầm lẫn với nhau
Câu hỏi này đã tạo ra 2 luồng ý kiến trái chiều. Trong khi một số cho rằng phương án tốt hơn hết là thay đổi màu tất cả các thương hiệu này trở thành màu xanh hoặc đỏ thì đa số đưa ra ý kiến màu sắc của thương hiệu ấy đã tồn tại rất lâu năm và trở thành một đặc trưng giúp người tiêu dùng nhận diện.
Còn nếu thương hiệu thời trang Mango muốn giữ đúng màu logo của mình thì sẽ... tai nạn thế này!
Starbucks chắc chắn là rất ngại ngần nếu màu xanh lá cây truyền thống trên bảng hiệu của họ sẽ không còn nữa!
"Từ lâu nay nhiều người vẫn khó chịu với các biển quảng cáo của Việt Nam. Từ màu sắc, vị trí, kích thước lung tung, lộn xộn rất mất mĩ quan cho thành phố. Việc quy hoạch này theo tôi là cần thiết và nên áp dụng để tạo ra một thành phố kiểu mẫu và đẹp mắt trong lòng người dân và du khách", một người dùng mạng đưa ý kiến.
"Nếu biển nào cũng giống nhau, cùng nguyên màu sắc, người đi đường rất khó nhận diện, cứ xanh xanh đỏ đỏ nhìn vào rất hoa mắt. Hơn nữa, màu sắc đã trở thành một đặc trưng quan trọng trong việc xác định thương hiệu. Nếu biển hiệu nào cũng giống nhau thì quảng cáo để làm gì?", một người đưa ra ý kiến.
Theo N.V.Hoàng, một kiến trúc sư tại Hà Nội, anh rất ủng hộ sự thống nhất về kích cỡ kiểu dáng và độ dày của bảng biển quảng cáo như trên con phố này. Nhưng hoàn toàn không nên có sự áp đặt màu sắc. Về nguyên tắc quy hoạch đô thị, thường cũng không cho phép khống chế màu sắc của công trình.
Mỗi nhãn hàng sẽ có bộ nhận diện thương hiệu riêng và màu sắc cũng là yếu tố quyết định, nếu chỉ có 2 màu xanh và đỏ, thì những nhãn màu khác sẽ phải làm như thế nào.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến cho rằng, việc quy định các biển quảng cáo phải cao bằng nhau và chỉ có 2 màu xanh đỏ được sử dụng chỉ là demo cho hình ảnh ban đầu của tuyến đường kiểu mẫu này. Nhiều khả năng sự đồng bộ các biển hiệu được nói đến ở đây chỉ là về mặt kích cỡ chứ không phải màu sắc.