Các teen mê game chú ý: Đại học Rmit có ngành học mới dành riêng cho các bạn!

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 23/05/2022

"Vì mình lỡ thích game rồi, phải làm sao phải làm sao?". Không việc gì phải "xoắn" cả vì RMIT đã ra mắt chương trình Cử nhân Thiết kế Game thật xịn xò để các bạn thỏa chí học tập, sáng tạo nên sản phẩm game có in dấu ấn của mình! Hãy cùng tìm hiểu thêm về ngành học độc đáo này nhé!

1. Thiết kế game (game design) là học gì?

Khi nghe thuật ngữ "thiết kế" (design), ắt hẳn rất nhiều bạn sẽ ngay lập tức nghĩ đến "thiết kế đồ hoạ" hoặc "thiết kế hình ảnh cho game". Từ đó, rất nhiều bạn ngần ngại, dè chừng với ngành này vì cho rằng bản thân không có khiếu hội hoạ, mỹ thuật. "Hông bé ơi!", thiết kế game (game design) không phải như các bạn nghĩ đâu!

Về mặt ngữ nghĩa, "thiết kế" có nghĩa là kiến thiết, sáng tạo. Thiết kế game mang ý nghĩa kiến thiết, xây dựng, sáng tạo nên một sản phẩm game. Được xem như "đầu tàu", các nhà thiết kế game là những người đặt những viên gạch đầu tiên về cơ chế game, luật chơi và cả các tính năng. Tiếp đó, họ sẽ làm việc với các khâu khác nhau, giám sát quá trình làm nên "chiếc game" hoàn chỉnh.

Họ sẽ phải "bật bóng đèn" với các siêu nhân sáng tạo (artists) để định hướng cho phong cách hình ảnh của game hoặc các bản vẽ phác thảo nhân vật. Song song đó, họ còn phải làm việc với các cao thủ lập trình (programmer) - những thợ xây thạo nghề để biến ý tưởng thành thực tế, làm nên bản game cuối cùng. Họ cũng đồng thời phải cân đo đong đếm mọi quyết định để đảm bảo sản phẩm game đúng với tầm nhìn, chiến lược và định hướng của nhà sản xuất và studio.

Các teen mê game chú ý: Đại học Rmit có ngành học mới dành riêng cho các bạn! - Ảnh 1.

Các nhà thiết kế game là những người đặt nền móng cho game từ ý tưởng, luật chơi cho đến các tính năng game

Qua đó mới thấy, thiết kế game là một nghề cực kỳ quan trọng, siêu ngầu và được săn đón rất nhiều giữa thị trường game đang "hot" mỗi ngày. Và RMIT sẽ đào tạo bạn để bạn tự tin trở thành một "MVP" trong ngành game!

2. Thực hành làm game từ trên ghế nhà trường cùng RMIT

Thiết kế game là một công việc đặc thù và đòi hỏi sự va chạm, tiếp xúc nhiều với thực tế. Để trang bị cho các teen đầy đủ kiến thức và bộ kỹ năng, các môn học của chương trình Cử nhân Thiết kế Game được chia thành 3 nhóm: lý thuyết game, kỹ năng phát triển game và thực hành thiết kế game. 3 nhóm môn học này được dàn trải hợp lý, cân bằng trong 3 năm học và được phân cấp từ cơ bản đến nâng cao, tựa như bạn là nhân vật trong game và liên tục phải "lên level" qua mỗi môn học vậy!

Ở các môn học về lý thuyết game như "Nguyên lý và trải nghiệm game", "Văn hoá game" hay "Phân tích game", các teen sẽ học được những kiến thức chuyên sâu cũng như hiểu rõ về bản chất của game. Các bạn sẽ nắm rõ các thành tố tạo nên một sản phẩm game, các thể loại game khác nhau và khám phá các cơ chế game đa dạng. Các bạn cũng sẽ hiểu rõ hơn về các cộng đồng mê game trên thế giới, hành vi và văn hoá chơi game của họ thông qua những bài giảng về lịch sử game và các tác phẩm game tiêu biểu.

Các teen mê game chú ý: Đại học Rmit có ngành học mới dành riêng cho các bạn! - Ảnh 2.

Chương trình học tại RMIT Việt Nam trang bị cho bạn những kỹ năng cần thiết để bước vào ngành game đầy năng động

Đến với chuỗi môn học về kỹ năng phát triển game như "Phân ngành phát triển game" và "Thực hành sáng tạo", các bạn sẽ được mài dũa các kỹ năng, tư duy cần thiết như kỹ năng làm việc nhóm, kiến thức công nghệ và kỹ thuật số, tư duy sáng tạo… Đồng thời, các bạn còn khám phá được thế mạnh của mình: liệu bạn sẽ là một người giỏi tạo nên những cốt truyện hấp dẫn hay là một "chúa tể" của những màn chơi hóc búa?

Đặc biệt, bạn sẽ "thấm thía" thế nào là "học đi đôi với hành", bởi gần 50% thời lượng chương trình nằm ở chuỗi môn học "Thực hành thiết kế game" trong studio chuyên dụng của nhà trường! Đây là nơi bạn áp dụng kiến thức và kỹ năng đã học được để làm nên những sản phẩm game của chính mình. Với tổng cộng 6 môn học với độ khó tăng dần, chuỗi môn học này có thể được xem như "xương sống" của chương trình Cử nhân Thiết kế Game, trang bị cho các bạn tâm thế sẵn sàng để bước vào ngành game đầy năng động, sáng tạo.

Các teen mê game chú ý: Đại học Rmit có ngành học mới dành riêng cho các bạn! - Ảnh 3.

Phòng MacLab, nơi sinh viên RMIT Việt Nam được thực hành thiết kế game

3. Cơ hội nghề nghiệp của ngành game có đa dạng không?

Với tính chất đa nền tảng, đa phương tiện, ngành game là một ngành luôn hot trong thời đại công nghệ số. Bạn có thể bắt gặp game ở bất cứ nơi đâu: trên điện thoại, trên web, trên các thiết bị cầm tay (Nintendo Switch, PlayStation…), trên máy vi tính hay thậm chí là những sản phẩm số ứng dụng game hoá (gamification). Sự phát triển song hành giữa game và xã hội dẫn đến sự tăng nhanh trong nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là mảng thiết kế game.

Để giúp các bạn có thêm thông tin về cơ hội nghề nghiệp, cũng như cung cấp thêm những góc nhìn từ chính các chuyên gia trong ngành, đại học RMIT Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện ra mắt chương trình Cử nhân Thiết kế Game với buổi tọa đàm cùng doanh nghiệp vào ngày 29.5.2022 và lớp học thử cùng giảng viên vào ngày 5.6.2022. Để biết thêm chi tiết về chuỗi sự kiện và hướng dẫn đăng ký tham gia, các teen có thể tham khảo tại đây.

https://kenh14.vn/cac-teen-me-game-chu-y-dai-hoc-rmit-co-nganh-hoc-moi-danh-rieng-cho-cac-ban-20220523000116797.chn