Các phim tình cảm lãng mạn Hollywood đi đâu hết rồi?

Minh Quân, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 03/07/2018

Hollywood thời hoàng kim có thể đã khiến cho khái niệm lãng mạn trở nên quá đà nhưng đó không phải lý do chính đáng để người ta xoá bỏ hoàn toàn yếu tố này ra khỏi các tác phẩm như hiện tại. Dòng phim tình cảm và những câu chuyện tình chưa bao giờ lại trở nên mờ nhạt đến thế trên màn ảnh đương đại.

Yếu tố lãng mạn đang là chiếc răng khôn trong các phim bom tấn hiện đại, nó thường được đặt ở vị trí sau cuối và bị coi như một yếu tố tầm thường, hoặc có hoặc không thì cũng chẳng ai coi trọng. Thậm chí tệ hơn, nhiều người cho rằng nó là vết tích còn sót lại của một kỷ nguyên nay đã lỗi thời ở Hollywood.

Như mọi người đã thấy trong các bộ phim đắt tiền gần đây, sự lãng mạn "kém sang" đang dần trở thành một cơn cảm bệnh khó chữa trong lòng giới sản xuất phim ở Los Angeles. Từ Star Wars cho đến Jurassic World, chuyện tình cảm của các nhân vật chính chỉ được đối xử như một yếu tố phụ ngoài lề và bị gạt sang một bên. Dù có một chút cố gắng thêm thắt của kịch bản nhưng mối quan hệ tế nhị nhưng ngượng nghịu của Finn và Rose trong The Last Jedi và chuyện tình không ai quan tâm của Claire với Owen trong Jurassic World: Fallen Kingdom chỉ mang đến cho khán giả một cảm giác lạc quẻ, chấp chới trong toàn bộ tác phẩm.

Các phim tình cảm lãng mạn Hollywood đi đâu hết rồi? - Ảnh 1.

Cứ phim có hai nhân vật chính là nam nữ thì họ ắt phải yêu nhau

Ngày nay, lãng mạn chỉ có dịp được làm nhân vật chính trong các bộ phim thuộc thị trường ngách, nghĩa là các phim thuộc thể loại dành cho các đối tượng có sở thích riêng biệt như phim rom-com và phim độc lập LGBT (Love, Simon thuộc về cả hai thể loại này). Thành thật mà nói, chẳng có gì sai trái khi xếp yếu tố lãng mạn vào riêng các thể loại này cả. Chỉ có điều, nếu nhìn về thời ngày xưa ở Hollywood, mọi người ắt hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng yếu tố lãng mạn từng là trái tim của mỗi bộ phim và là át chủ bài để lôi kéo khán giả đến rạp.

Các phim tình cảm lãng mạn Hollywood đi đâu hết rồi? - Ảnh 2.

Cảnh phim trong "Cuốn Theo Chiều Gió", chàng ngọt ngào nói với cô nàng kiêu kỳ: Em cần phải được hôn, một cách thường xuyên, bởi một ai đó biết cách hôn em".

Người ta gọi đây là thời kỳ Hoàng Kim (Golden Age). Thời kỳ này kéo dài từ cuối thập niên 1920 đến đầu thập niên 1960. Một thời đại được ghi dấu bởi sự xuất hiện hùng hậu của những ngôi sao sáng mãi trên bầu trời điện ảnh, những tài tử - giai nhân hào hoa duyên dáng, với gương mặt đẹp như các thiên thần, góp mặt trong các bộ phim tạo ảnh hưởng lên khắp thế giới. Chính sự ăn ý giữa các tài tử - giai nhân này đã tạo ra cảm giác lâng lâng, phấn khích mà mỗi khán giả luôn tìm kiếm, thu hút người xem bất chấp mọi thể loại mà bộ phim đang theo đuổi. Ngày nay, nếu như có một bộ phim bom tấn nào đó mà giữa hai nhân vật chính có phản ứng hoá học với nhau thì điều đó cũng chỉ giống như một sự may mắn nhiều hơn là cố gắng có chủ đích.

Các phim tình cảm lãng mạn Hollywood đi đâu hết rồi? - Ảnh 3.

Grace Kelly – nữ minh tinh đầy quyền quý thời kỷ nguyên vàng ở Hollywood

Thực ra, thời Hoàng Kim ở Hollywood cũng không phải là hoàn hảo. Thời kỳ này có rất nhiều những vấn đề mà ngày nay có thể xét lại như tính khuôn mẫu, phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc và đủ loại kỹ thuật mang tính lỗi thời khác. Tuy nhiên, nó vẫn mang một dấu ấn riêng biệt thu hút đến khó tả, vừa có một chút gì đó phẩm chất thiên tài của nghệ sĩ lại vừa có một chút gì đó lâng lâng như ma thuật. Ngày nay, khi người ta đã biết khắc phục những điều mà Hollywood năm xưa đã sai sót thì lại bỏ quên đi những giá trị cũ của nó.

Các phim tình cảm lãng mạn Hollywood đi đâu hết rồi? - Ảnh 4.

Cặp đôi vàng Humphrey Bogart và Lauren Bacall

Lãng mạn không hề có lỗi nếu như một tác phẩm bị cho là dở về mặt tổng thể, cũng không hề mang ý nghĩa phân biệt giới tính hay chậm tiến nếu đó là một câu chuyện tình được xây dựng tốt. Hollywood ngày nay có thể tạo ra những nhân vật nữ hấp dẫn và đầy thuyết phục nhưng lại quá khó để đưa vào một câu chuyện tình bay bổng mà không vấp phải những tai bay vạ gió về mặt chính trị như đã nói ở trên. Vấn đề không phải là nhân vật nữ có yêu ai hay không mà ngoài yêu đương ra liệu nhân vật nữ có làm gì khác trên màn ảnh hay không.

Mới chỉ cách đây 10 đến 15 năm thôi, lãng mạn vẫn chưa bị đẩy ra ngoài thành một thể loại độc lập riêng. Nó là yếu tố quan trọng nhất của những bom tấn có tâm huyết và được làm một cách tử tế. Những cặp đôi như Jack và Rose của Titanic, Will và Elizabeth của Pirates of the Caribbean, Jake và Neytiri của Avatar là những hình mẫu tình nhân hoàn hảo dành cho những ai thích mộng mơ và phiêu lưu. Nếu so sánh giữa chuyện tình của Tony và Pepper trong Iron Man 1 với bất kỳ một câu chuyện tình nhạt nhẽo nào trong MCU Phase 3 hiện tại, bạn sẽ cảm nhận ra sự khác biệt.

Các phim tình cảm lãng mạn Hollywood đi đâu hết rồi? - Ảnh 5.

Hẳn là bạn vẫn chưa thể quên câu chuyện tình vừa phiêu lưu vừa buồn bã giữa tiểu thư Elizabeth và gã cướp biển Will trong Pirates of the Caribbean.

Cùng nhìn lại những biểu tượng lãng mạn của Hollywood, chúng ta từng có những cặp đôi mà mãi mãi không thể nào quên như Harry và Sally, Jack và Sally, Jack và Rose, Han và Leila hiện diện trong các bộ phim thuộc đủ các thể loại như hài hước, cảm động, khoa học viễn tưởng... Họ tự khiến cho mình trở thành huyền thoại bằng những câu thoại đáng nhớ, những cảnh phim đi thẳng vào tâm hồn khán giả. Ngày nay, nếu cho bạn thử nhớ về một cặp đôi ăn ý nào đó đến từ một bộ phim lớn của một hãng phim lớn nào đó ở Hollywood trong 5 năm trở lại đây thì chắc câu trả lời sẽ không hề dễ dàng mà đi ra khỏi đầu bạn ngay chốc lát.

Các phim tình cảm lãng mạn Hollywood đi đâu hết rồi? - Ảnh 6.

Những bộ phim như When Harry Met Sally từng là con át chủ bài để kiếm lời ở phòng vé của các ông chủ Hollywood

Điện ảnh, đặc biệt là các bom tấn đắt tiền ở Hollywood, thì không phải là đời thực. Đó là những cuộc đời hư cấu, được tô vẽ sao cho trở nên kịch tính và thu hút người ngoài nhìn vào. Nhưng dù gì đi nữa thì nó vẫn nên trung thành với cảm xúc cơ bản của người, có một cuộc sống và biết yêu đương, biết tận hưởng sự lãng mạn. Hollywood thời hoàng kim có thể đã khiến cho lãng mạn trở nên quá đà hoặc khuôn phép nhưng đó không phải lý do chính đáng để người ta xoá bỏ hoàn toàn yếu tố này ra khỏi tác phẩm như hiện tại. Với việc phải gánh những chỉ trích về cốt truyện quá nông và hời hợt, có lẽ những nhà làm phim ở Hollywood thời nay nên học cách để làm sao chuyển hoá, cải cách yếu tố lãng mạn năm xưa cho trở nên phù hợp và ăn khách hơn trong các bộ phim của mình. Biết đâu đây sẽ là một giải pháp sáng giá cho tình hình hiện nay?