Các biến thể mới làm thay đổi cách thức chống dịch Covid-19 trên toàn cầu

Đình Nam, Theo VOV 15:14 12/08/2021
Chia sẻ

Các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang làm thay đổi cuộc chiến chống dịch toàn cầu khi tạo ra các làn sóng mới tại nhiều khu vực, nhiều quốc gia; buộc các nước phải đưa ra các biện pháp “mạnh tay” hơn trong công tác phòng chống dịch.

Chính phủ Pháp ngày 11/8 tuyên bố sẽ áp dụng một số biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 cứng rắn hơn, bao gồm việc tăng cường kiểm soát đường biên giới. Người đứng đầu chính quyền các địa phương tại Pháp cũng sẽ được phép ra lệnh áp dụng “chứng nhận y tế” bắt buộc đối với những khu vực có “tỷ lệ mắc bệnh cao” và tại các trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa có diện tích lớn.

Bỉ cũng dự kiến bắt đầu áp dụng hộ chiếu vaccine cho các hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời. Còn Italy đang tìm cách đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho trẻ em. Israel  cũng áp dụng chứng chỉ xanh cho trẻ em trên 3 tuổi, đồng thời cung cấp tài chính, tăng cường năng lực cho các hệ thống y tế trong nước.

Lãnh tụ Tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei ngày 11/8 cũng đã phải ra lệnh cho chính phủ mới của nước này đặt cuộc chiến chống dịch là ưu tiên hàng đầu, đẩy mạnh việc nhập khẩu và sản xuất vaccine.

“Đại dịch Covid-19 đang là vấn đề số một của Iran hiện nay. Đây là vấn đề cấp bách cần phải được kiềm chế. Chúng ta cần thêm các nỗ lực để đẩy mạnh nhập khẩu và sản xuất vaccine. Chúng ta phải cung cấp vaccine cho người dân bằng mọi cách. Hàng triệu liều vaccine phải có”, ông Khamenei nói.

Tại Nga, số ca tử vong đang ở mức đáng báo động. Cụ thể, tổng số ca tử vong trong hơn 40 ngày qua chiếm hơn nửa tổng số ca tử vong mà Nga ghi nhận trong thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 6 năm nay.

Số ca mắc tăng quá nhanh với hơn 15.000 ca/ngày, trong đó có nhiều ca bệnh nặng, cũng đang khiến hệ thống Y tế tại Nhật Bản đứng trước nguy cơ quá tải. Dù Nhật Bản đã kêu gọi các cơ sở y tế tư nhân tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng tình hình vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Giới chuyên gia cảnh báo, cuộc chiến chống dịch của nước chủ nhà Olympic 2020 vừa qua thực sự đang ở giai đoạn “nguy hiểm”.

Trong khi, dù đã các quy định phòng bệnh nghiêm ngặt, Hàn Quốc vẫn bị cảnh báo, đại dịch có thể vượt tầm kiểm soát khi nhiều dấu hiệu cho thấy làn sóng thứ 4 tại nước này dường như khó kiềm chế hơn trước đây, dù chưa đạt đỉnh. Giới chức y tế nước này tiếp tục kêu gọi Chính phủ thắt chặt các quy định hơn nữa.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, nếu thế giới không hành động, với đà lây lan hiện nay, số ca mắc Covid-19 trên thế giới sẽ vượt mốc 300 triệu vào đầu năm 2022, thay vì hơn 200 triệu như hiện tại.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Tuần trước, ca mắc Covid-19 thứ 200 triệu đã được báo cáo, chỉ sau 6 tháng khi thế giới chứng kiến 100 triệu ca. Số ca mắc Covid-19 thực tế thậm chí còn cao hơn số liệu được báo cáo này. Liệu chúng ta có vượt mốc 300 triệu ca mắc và chạm tới mốc đó nhanh tới mức nào, đều phụ thuộc vào hành động của tất cả chúng ta. Với đà hiện tại, mốc 300 triệu có thể được báo cáo vào đầu năm 2022. Tuy nhiên chúng ta có thể thay đổi điều này, nếu hành động cùng nhau”.

Người đứng đầu WHO cũng cho biết, cơ quan này đang thử nghiệm thêm 3 loại thuốc điều trị Covid-19, gồm Artesunate - thuốc điều trị sốt rét ác tính, Imatinib - thuốc sử dụng cho một số bệnh ung thư và Infliximab - thuốc điều trị rối loạn hệ thống miễn dịch. Việc thử nghiệm này diễn ra trên hàng nghìn bệnh nhân tình nguyện tại hơn 600 bệnh viện ở 52 quốc gia.

Trước đó, WHO cũng đã thử nghiệm 4 loại thuốc điều trị Covid-19 khác gồm Remdesivir, Hydroxychloroquine, Lopinavir và Interferon với sự tham gia của gần 13.000 bệnh nhân tại 500 bệnh viện của 30 quốc gia. Kết quả thử nghiệm bước đầu cho dấu hiệu khả quan và kết quả cuối cùng dự kiến sẽ công bố vào tháng tới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày