Thị trường âm nhạc Việt Nam hiện tại đang có dấu hiệu bão hoà vì các sản phẩm âm nhạc "na ná" nhau, do quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiêu nhà sản xuất, nhạc sĩ có tiếng. Thế nên việc hàng loạt ngôi sao hát những ca khúc có cách xử lý, thể loại na ná nhau ngày càng nhiều là điều không tránh khỏi.
Trong khi đó, ở "một thế giới khác" của âm nhạc, những nghệ sĩ độc lập vẫn có lượng khán giả riêng của mình. Các ca khúc không ám màu "thị trường", không ồn ào truyền thông, không nhãn hàng quảng cáo vẫn đều đặn ra đời, đôi khi lại có vài bài thành "hit" vì hiệu ứng truyền miệng như "Một nhà" của DaLab, "Đưa nhau đi trốn" của Đen và Linh Káo, hay "Túy Âm" của Masew - Nhật Nguyễn...
Đứng trước tình trạng này, một số ca sĩ đã "khôn khéo" khi bắt tay với những ca khúc của các nhạc sĩ indie, vừa "bơm" được màu sắc mới cho âm nhạc của mình, vừa rẻ hơn việc phải đặt hàng những nhà sản xuất lớn để sản phẩm của mình thật đặc biệt.
À, xin lưu ý rằng vấn đề giá cả không phải là thứ cần bàn đến trong bài viết này. Điều cần quan tâm hơn chính là những cơ hội và những áp lực khi ca sĩ quyết định bắt tay với "indie".
Nhóm DaLab...
... hay Ngọt Band được cộng đồng indie yêu thích bởi âm nhạc mộc mạc, mang màu sắc riêng.
Âm nhạc Indie - nguyên bản, mộc mạc và dễ gây cảm tình
Lấy ví dụ những trường hợp các ca sĩ thị trường đã bắt tay cùng nghệ sĩ indie, chúng ta có Min với ca khúc "Hôn anh" do Trang (hay được biết đến với tên Nhạc của Trang) sáng tác. Ca khúc này ra mắt trong lúc Min đang hướng âm nhạc của mình trở nên mềm mại hơn, nhưng "Hôn anh" vẫn có điểm rất khác với những "Gọi tên em" hay "Có em chờ", "Người em tìm kiếm"… Điều dễ dàng nhận thấy nhất chính là sự hòa quyện của phần lời và giai điệu. Ca từ đơn giản, cụm "Hôn anh, tôi muốn được hôn anh" lặp đi lặp lại khá nhiều nhưng lại không gây nhàm chán. Ngược lại nó còn cộng hưởng với giai điệu mênh mang, tự do, khiến cho bài hát trở nên có hồn phách rất rõ rệt. Nhanh chóng, ca khúc này trở thành hit.
MV "Hôn anh" - Min
Mới đây, Uyên Linh cũng vừa phát hành một ca khúc do Trang sáng tác, có tên "Bài hát của em". Cũng giống như "Hôn anh", "Bài hát của em" có thế mạnh hẳn hoi về thứ âm nhạc nguyên bản, mộc mạc và dễ dàng gây nghiện ngay từ những câu đầu tiên. Lợi thế của Uyên Linh khi sử dụng ca khúc này là điều có thể thấy rất dễ dàng: được khán giả nhớ đến sau 3 năm vắng bóng. Cùng thế mạnh về giọng hát, Uyên Linh có thể dùng chính âm nhạc để người ta mê mẩn, thay vì chiêu trò hay những thứ hào nhoáng.
MV "Bài hát của em" - Uyên Linh
Uyên Linh bắt tay với tác giả Nhạc Của Trang
Không chỉ Uyên Linh hay Min, đã có không ít những ca sĩ khác từng hát nhạc của nhạc sĩ indie như Lê Hiếu với "Phố không em" của Thái Đinh hay Đinh Hương với "Không cần" của Hải Sâm… Tất nhiên mỗi ca khúc là mỗi trường hợp khác nhau, thành công hay thất bại đều là những chuyện cần phải bàn sâu thêm. Nhưng không phủ nhận khá nhiều những ca khúc indie đã trở thành cột mốc và điểm nhấn quan trọng trong hồ sơ âm nhạc của ca sĩ đại chúng. Dù là một cuộc dạo chơi hay chiến lược lâu dài, họ cũng đã có thành công nhất định.
MV "Không cần" - Đinh Hương
Đinh Hương bắt tay với tác giả Hải Sâm trong ca khúc "Không Cần"
Những rào cản và sự tự tôn từ chính người nghe nhạc
Có một hiện trạng mà nếu để ý sẽ dễ dàng thấy được khi một ca sĩ nổi tiếng hát lại một ca khúc của nhạc sĩ indie. Đó là sự phản ứng khá gay gắt, thậm chí là tiêu cực, từ người hâm mộ những tác giả đó. Đọc những bình luận ở các bài hát indie mà Lê Hiếu, Min hay Uyên Linh thể hiện trên Youtube sẽ không khó để thấy những thái độ và bức xúc khá mạnh. Nhiều người không ngại cho rằng các ca sĩ này hát không hay như những nghệ sĩ indie đã thể hiện trước đó, hay thậm chí là cho rằng họ đang phá nát bài hát. Đây cũng là rào cản mà các ca sĩ đang gặp phải khi hát các ca khúc indie.
Những người hâm mộ dòng nhạc indie cho rằng ca sĩ đại chúng không nên, không xứng hát các ca khúc kia chung quy chỉ vì ca sĩ đó đang hát-lại một ca khúc cũ. Đây cũng là vấn đề mà các ca sĩ luôn gặp phải khi cover hay hát lại ca khúc của ai đấy, kể cả là indie hay không. Bởi, ấn tượng về lần đầu tiên luôn rất sâu đậm. Khi bạn không chấp nhận một ca khúc được thể hiện lại, bạn sẽ chê rằng nó dở hơn hoặc ca sĩ hát lại dở hơn. Và việc đó hoàn toàn là một khái niệm lệch lạc trong âm nhạc.
Những nghệ sĩ indie thường chỉ là những người đam mê âm nhạc tự phát, tự học. Xét về kĩ thuật xử lý, chưa chắc đã bằng ca sĩ chuyên nghiệp. Nhạc của nghệ sĩ indie lẫn bản thân họ trở nên khác với thị trường là bởi họ có cách xử lý ca khúc mộc mạc, không bị áp lực về tiền bạc hay hình ảnh, chiến lược. Họ hát theo một cách thoải mái nhất và tìm được sự đồng cảm ở những người nghe cần một không gian âm nhạc đơn giản. Thế nên, khi những ca sĩ của số đông, thị trường tìm đến thế giới của indie và mang các ca khúc ấy đặt vào một không gian to hơn, khán giả indie sẽ cảm thấy bị xúc phạm.
Indie hay Mainstream cốt là để chỉ cách hoạt động của nghệ sĩ với âm nhạc, chứ không dùng để phân định ranh giới hay không gian thưởng thức. Chẳng qua do những nghệ sĩ indie không muốn chi tiền để đầu tư trang phục, vũ đạo hay những MV hào nhoáng, họ chọn cách "kể chuyện" bằng ca khúc nên âm nhạc của họ mộc mạc, chứ không phải mặc định âm nhạc indie là mộc mạc. Vì thế, việc một cộng đồng cho rằng ca sĩ đại chúng đang "phá hủy" thế giới indie bằng cách mua bài hát và hát là một quan điểm có phần phân biệt.
Thái Vũ là một trong những gương mặt Indie nổi tiếng trên Sound Cloud với những ca khúc như "Đông Kiếm Em", "Lạ Lùng", ...
Cứ nghe những bài hát hợp với mình, không thích thì không nghe, đừng gay gắt vì định kiến và cảm xúc
Vậy, nói những ca sĩ bình thường hát nhạc indie dở hơn nhạc sĩ sáng tác bài đó, hay phá nát bài hát là đúng hay sai!? Tất nhiên là sai, hoàn toàn chỉ là cảm nhận chủ quan.
Nói về "hay" hay "dở", hoàn toàn là vấn đề về cảm nhận cá nhân. Bạn có thể đánh giá người khác qua cách họ lên tông, xử lý nốt cao hay giữ cột hơi trong bài hát, qua đó cho rằng họ hát tốt hay yếu. Chứ việc họ hát hay hay không hoàn toàn nằm ở đôi tai và cách mà người nghe tiếp nhận ca khúc đó. Tất nhiên, cách thưởng thức của cộng đồng thì thường là giống nhau, nên mới có từ đại chúng, mới có những bài "hit" vì nó thỏa được số đông. Do đó, những thứ được nhiều người tiếp nhận hay yêu thích thì sẽ được công nhận là "hay".
Những cách nói như "hủy hoại bài hát" hay "ca sĩ đại chúng không hợp hát nhạc indie"... thực chất chỉ là một thái độ gay gắt mà thôi. Bạn nghe một ca khúc và thích nó thì sẽ khó lòng chấp nhận được một phiên bản khác được thể hiện sau đó. Vì người hát lại chắc chắn phải xử lý khác đi, hoặc đơn giản là họ cảm nó theo một cách khác. Còn người nghe đã có sẵn những thứ hay ho và sự si mê về nó trong đầu, nên tất nhiên sẽ không tránh khỏi sự so sánh và chê bai những thứ đến sau.
Giả sử ca sĩ mua một ca khúc của nhạc sĩ indie, và ca khúc đó chưa từng được ai hát, thì chắc chắc sẽ không có những phản ứng tiêu cực kia, cam đoan là như thế, vì không có gì để so sánh cả. Có chăng chỉ là người hâm mộ những nhạc sĩ indie sẽ muốn được nghe phiên bản do nhạc sĩ hát, vì họ vốn thích người nhạc sĩ hoặc cách thể hiện của người nhạc sĩ đó. Mấu chốt của toàn bộ vấn đề nằm ở đây: định kiến và sở thích.
Những ý kiến trái chiều luôn tồn tại bên dưới phần bình luận khi ca sĩ thể hiện một ca khúc quen thuộc từng được cộng đồng yêu nhạc đón nhận trước đó.
Nói đi cũng phải nói lại, các ca sĩ đại chúng có xem những ý kiến tiêu cực kia là áp lực hay thách thức không? Có lẽ là không. Vì rõ ràng đó là một sự cạnh tranh rất công bằng trong nghệ thuật. Việc ca sĩ hát một ca khúc, có khen có chê là hoàn toàn bình thường. Chẳng ai xem việc bị so sánh, chê bai là một thứ áp lực quá lớn đến nỗi phải trầy vi tróc vẩy để vượt qua. Chỉ là với những khán giả của nhạc indie, việc họ bày tỏ ý kiến và bảo vệ không gian "độc lập" của mình có phần gay gắt chỉ khiến cái nhìn của công chúng với họ trở nên xấu xí. Bởi vì chả ai màng nghĩ rằng "khán giả indie nên có gout riêng" hay gì đại loại vậy. Người ta chỉ thấy họ như một cộng đồng fan cuồng đang dùng hết mọi thứ lý lẽ (thậm chí là không lý lẽ) để bênh vực thần tượng, như rất nhiều cộng đồng fan cuồng khác.
Vì thế, hãy là một khán giả sòng phẳng của âm nhạc. Đánh giá một bài hát bằng những tiêu chí đơn giản với bản thân mình, hay hay dở, thích hay không, chứ đừng áp đặt vào đó những định kiến và sự kì thị. Đừng biến thiểu số thành nạn nhân hay một sự méo mó. Âm nhạc là thứ để nghe, nó có được thể hiện bởi nghệ sĩ indie hay mainstream thì vẫn là âm nhạc. Huống hồ một khi nhạc sĩ indie chấp nhận bán ca khúc cho ca sĩ đại chúng, thì đó đã không còn là một ca khúc độc lập nữa rồi. Thế nên, nếu cộng đồng người yêu nhạc indie cho rằng mình không hợp với đại chúng, thì hãy cứ nghe những ca khúc dành cho mình, vậy thôi. Không cần phải dìm sự nỗ lực tử tế của một ai xuống cả.
Indie là dòng dựa theo tiêu chí "independent", các nghệ sĩ theo thể loại này đa số là chưa có tên tuổi, thích tự do thể hiện cá tính của bản thân qua âm nhạc. Các ca khúc Indie không bao giờ bị đóng khung trong một khuôn mẫu và điều đó cũng đồng nghĩa các nghệ sĩ Indie phải tự chủ từ khâu sáng tác, sản xuất và đưa nó đến tai người nghe.
Nhạc Indie không phát hành với sự hỗ trợ của truyền thông, không có công ty quản lý. Các nhóm nhạc hoặc nghệ sĩ Indie thường sẽ ra mắt ca khúc của mình tại các buổi biểu diễn nhỏ ở ngoài trời, quán bar và các câu lạc bộ sinh hoạt âm nhạc hoặc truyền tai. Để nghe được các ca khúc indie, khán giả thường sẽ truy cập vào một số trang nghe nhạc trực tuyến như Soundcloud, Spotify, Youtube…