Tôi còn nhớ như in những ngày tháng thơ bé, ngày mà cả thế hệ chúng tôi chẳng đứa nào biết cái điện thoại là gì. Sáng thức dậy chỉ biết xúng xính quần áo mới, cùng ba mẹ sang nhà người thân mừng tuổi, con nít trong họ hàng gặp nhau tay bắt mặt mừng, tụm lại chơi năm mười, cá sấu lên bờ, ô ăn quan,.. thậm chí có đoàn múa lân nào đi ngang qua cửa nhà là đòi đi xem cho bằng được.
Liệu có ai còn nhớ những trò chơi dân gian này?
Bây giờ, phải nói là phát ngán khi nhìn đâu cũng thấy đứa nào cũng khư khư ôm điện thoại. Bất cứ việc gì cũng làm cho thật nhanh, thật qua loa, cốt chỉ để có nhiều thời gian cắm mặt vào màn hình điện thoại.
Ngày xưa, bạn bè họp mặt thì chuyện kể không hết, đến mức đứa này tranh kể với đứa kia, bao nhiêu câu nói đùa, bao nhiêu lời than thở, bao nhiêu chuyện buồn vui cũng cùng nhau chia sẻ, cùng nhau khóc, cùng nhau cười.
Bây giờ, mỗi lần cùng bạn bè lê la quán cà phê, dù không phải tuýp người thích để ý xung quanh, bản thân tôi cũng cảm thấy khó chịu vì nhìn đâu cũng thấy cảnh một hoặc nhiều người trong nhóm mải mê ôm điện thoại, chẳng còn cùng nhau trò chuyện, chẳng còn những tiếng cười giòn tan, sự ấm áp, gần gũi giữa người với người cũng từ đó biến mất. Những thứ còn sót lại bây giờ, chỉ là con người vô cùng nhàm chán, buồn hay vui cũng chỉ biết ôm khư khư lấy chiếc điện thoại.
Tết đến rồi, đừng khư khư điện thoại nữa.
Đa số chúng ta, ít có ai thật sự biết cách quan tâm đến cảm xúc của người khác. Bạn làm sao hiểu được cảm giác chán nản, lạc lõng, thậm chí thấy bản thân họ còn thua cả máy móc của người đối diện khi họ muốn trò chuyện, trong khi bạn chỉ biết chăm chú vào điện thoại?
Bạn bực tức khi người thân cằn nhằn: "Suốt ngày chỉ biết ôm điện thoại, chẳng phụ giúp được gì cho gia đình!". Có bao giờ bạn nghĩ họ đã buồn và thất vọng thế nào chưa? Bạn vui vẻ chụp ảnh nồi bánh chưng cùng củi lửa, post lên Facebook cùng caption: "Canh bánh chưng cả đêm" rồi thản nhiên đi ngủ, bạn bè chỉ biết là bạn, có ai nhìn thấy được cả đêm không ngủ của chính bố, hay ông của bạn, cách 5-10 phút lại nhóm củi, giữ cho lửa đừng tắt, để nhà bạn có được những chiếc bánh chưng thật ngon? Còn rất nhiều, rất nhiều điều nữa.
Là một con người trẻ, trân trọng những điều giản dị, tự nhiên. Bây giờ nếu còn Ông Bụt, Bà Tiên, tôi chỉ ước một điều đơn giản: "Gần nhau hơn đi, đừng để những thứ vô tri vô giác xen vào giữa người với người nữa". Bởi lẽ, cuộc sống đã quá nặng nề, công việc và áp lực đè nặng trên vai, quý giá lắm những lúc được thanh thản nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình, cho bè bạn. Công nghệ là để phục vụ cho con người, chứ không thể thay thế được tình cảm và sự ấm áp giữa người và người với nhau.
Nghĩ kỹ lại, điều đấy không hề khó thực hiện, chỉ cần buông chiếc smartphone, buông hết mọi thứ được tạo ra để kết nối, nhưng thực chất lại rẽ chia người với người, niềm vui thực sự và những ấm áp lại trở về thôi. Nếu có tiếng nói, bạn có biết chiếc điện thoại bạn đang sử dụng sẽ nói gì không? "Smartphone không có lỗi, lỗi là ở con người, thay vì sử dụng, họ lại lạm dụng chúng tôi."
Tết là lúc chúng ta quây quần bên nhau như thế này.
Tết đến rồi, Tết là dịp gia đình quây quần bên nhau, chia sẻ những nỗi buồn năm cũ, chào đón niềm vui của năm mới. Là dịp để chúng ta phụ giúp bố mẹ, ông bà quét dọn nhà cửa. Là dịp bạn bè dành thời gian cho nhau sau cả một năm bận rộn. Nếu có sử dụng điện thoại, hãy chỉ dùng để liên lạc rồi gặp mặt nhau, dùng để selfie hay lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ, khi đã cùng ngồi lại, hãy biết trân quý những lúc bạn và mọi người cùng sẻ chia cho nhau từng niềm vui và nỗi buồn, để mỗi khoảnh khắc đều là những kỷ niệm đáng nhớ.
Tết rồi, smartphone lùi bước về sau, để thấy tình người mới là điều quý giá hơn cả!