Cách đây không lâu, "báu vật" của vương quốc Anh - Hoàng tử bé George đã chính thức hoàn thành học kỳ đầu tiên của lớp một. Chương trình học của Hoàng tử luôn là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, và quả thật nó rất đặc biệt : Không hề có các môn thông thường như toán học, ngôn ngữ, địa lý, lịch sử, khoa học..., mà toàn bộ thời gian được dành để học những môn vốn được coi là môn phụ như tiếng Pháp, tôn giáo, máy tính và các hoạt động ngoại khóa như kịch, nghệ thuật, hội họa và múa ba lê...
Hóa ra là một Hoàng tử Anh không hề dễ dàng
Không chỉ vậy, theo truyền thông nước ngoài, Hoàng tử George còn tham gia vào câu lạc bộ tranh luận của trường. Vừa tròn 5 tuổi, cậu bé ấy đã có đến 10 môn học, thậm chí còn học cả triết học và tôn giáo, những môn mà thông thường chỉ đến khi vào trung học mới bắt đầu tiếp xúc. Hoá ra, làm hoàng tử khó lắm chứ đâu phải đùa!
Giáo trình "bận rộn" này thực chất không chỉ dành riêng cho Hoàng tử bé. Trong một buổi phỏng vấn những học sinh Châu Á hiện đang theo học tại các trường nội trú hàng đầu ở Anh và Mỹ, người ta đã có cơ hội được chứng kiến tận mắt những gì mà nền giáo dục có thể ảnh hưởng lên một con người.
Victor - một cậu học sinh có phong cách nói chuyện rất chín chắn, hiện đang theo học tại trường công lập lâu đời nhất ở Winchester (Anh), tham gia cả tá các lớp học ngoài giờ như: ca hát, piano, đấm bốc, khiêu vũ, trượt tuyết, bơi lội...
Victor Wong - học sinh tại một trường công lập lâu đời nhất ở Winchester (Anh)
Alex, học sinh tại trường Fay - một trong những trường trung học tư thục tốt nhất tại Mỹ nằm ở bang Massachusetts, là một học sinh Châu Á có khả năng chơi bóng rổ, và đánh khúc côn cầu không thua bất cứ một người Mỹ nào. Đây cũng chính người đã tự mình phát triển một trò chơi điện tử, mở một trang web về nông nghiệp, sắp tới còn dự định thành lập một câu lạc bộ kinh tế tại trường học.
"Cháu là Morgan, hiện đang học tại trường Cothill House ở Anh. Cháu thích toán học, vật lý và đam mê sản xuất cơ khí. Cháu đã tự tạo ra các mô hình máy bay và mô hình xe hơi trong lớp học thiết kế của trường."
Những cô cậu học sinh nói trên, học hành rất bận rộn, sở thích cá nhân muốn theo đuổi cũng rất nhiều, nhưng trên người họ người ta không tìm thấy 2 từ mang tên "gánh nặng". Họ chia sẻ về việc học tập hằng ngày với sự hứng thú và tự hào.
Lý do đằng sau điều này có lẽ nhờ những nền giáo dục luôn coi trọng sự cân bằng trong việc phát triển về sở thích và học tập của học sinh. Peter Green, hiệu trưởng của trường Cao đẳng Rugby tại Anh, đã đề cập trong cuộc phỏng vấn rằng trường luôn chú ý vào sự phát triển toàn diện của một con người hơn là chỉ nhìn vào kết quả học tập. Do đó, trường Rugby cung cấp đến hơn 240 hoạt động ngoại khóa khác nhau để học sinh lựa chọn mỗi tuần. Ngay cả khi diễn ra các kỳ thi cuối năm, học sinh cũng được yêu cầu phải tham gia đầy đủ các hoạt động thể thao như bình thường.
Tại sao việc phát triển sở thích cá nhân lại gần như là yêu cầu chung cho tất cả các trường học hàng đầu tại Anh và Mỹ? Có lẽ chúng ta sẽ tìm được câu trả lời qua những gì mà Bill Gates đã từng trải qua và hiện nay vẫn áp dụng với con mình.
Bill Gates, người giàu nhất Đế chế Microsoft, được cha mẹ khuyến khích thử sức với nhiều hoạt động khác nhau từ ngày còn nhỏ: từ bơi lội, bóng đá đến mỹ thuật, tin học... Bất cứ điều gì mà Gates thích học, bố mẹ ông sẽ tìm mọi cách để đáp ứng con mình.
"Ban đầu, việc liên tục phải thử những thứ mới khiến tôi cảm thấy thật nhàm chán và vô nghĩa", Gates nói. "Thế nhưng về sau khi nghĩ lại, tất cả những sự bận rộn vất vả đó không phải để biến tôi thành còn người hoàn mỹ toàn diện, mà là để tôi từ từ phát hiện ra mình có hứng thú thật sự với điều gì hay tuyệt đối không nên "bén mảng" đến lĩnh vực nào. Sau này, khi được đưa vào thế giới phần mềm, tôi chợt nhận ra rằng cảm giác này thật tuyệt vời và không ngừng tin rằng đây là điều tôi nên làm."
Đến khi trở thành cha, Gates cũng áp dụng khái niệm này cho con cái, nỗ lực hết sức để tạo điều kiện cho sở thích của con, giúp chúng khai thác triệt để mọi tiềm năng của mình.
Tỉ phú Bill Gates và con gái
Jennifer Gates, con gái lớn của ông, hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Y học nhi khoa tại ngôi trường đại học danh tiếng Stanford, đồng thời cũng là một tay cưỡi ngựa xuất sắc thuộc đội vận động viên chuyên nghiệp quốc gia. Cô đã từng xếp thứ 19 trong cuộc thi vượt chướng ngại vật của Hiệp hội đua ngựa nước Mỹ. Tổng cộng số tiền thưởng mà cô tự mình đạt được khi tham gia các giải đấu đã vượt quá 1 triệu USD (hơn 23 tỷ VNĐ). Jennifer cho biết ngoài việc trở thành bác sĩ, vận động viên cưỡi ngựa cũng là một trong những định hướng nghề nghiệp lâu dài mà cô nghiêm túc xem xét.
Jennifer Gates trong một giải đua ngựa chuyên nghiệp
Vô cùng ủng hộ sở thích này của con gái, Bill Gates đã từng mạnh tay chi đến 18 triệu USD (khoảng 417 tỷ VNĐ) chỉ để xây dựng một trường đua ngựa riêng cho Jennifer. Năm 2012, Bill Gates cũng chi 1 triệu USD để thuê một biệt thự xa hoa nhằm tiện cho việc đi lại, nghỉ ngơi của cả gia đình khi tham gia lễ hội đua ngựa của Jennifer.
Yêu chiều con gái là vậy nhưng Bill Gates không hề có ý định sẽ để lại tài sản cho con. Dù tài sản ròng của Bill Gates hiện là 90 tỉ USD, theo thống kê của Forbes, thế nhưng ông tiết lộ rằng các con của mình - gồm Jennifer Gates và hai người em ruột là Rory Gates, 18 tuổi và Phoebe Gates, 15 tuổi, sẽ không được thừa kế phần lớn khối tài sản đó.
Năm 2010, Bill Gates và người bạn tỉ phú Warren Buffett đã sáng lập ra "Cam kết cho đi", một phong trào mà những người siêu giàu cam kết hiến tặng ít nhất phân nửa tài sản cho các mục đích từ thiện trong suốt quãng đời của họ. Khi Warren Buffet, người giàu thứ 3 thế giới chỉ sau Bill Gates và Jeff Bezos (ông chủ của Amazon), được hỏi liệu ông có quan tâm đến cảm nghĩ của con mình khi quyên góp đến 99% tài sản của mình không, ông nói: "Các con tôi đã tự tìm ra được định hướng sống của mình, và chúng biết rằng, tôi sẽ luôn hỗ trợ chúng nếu cần thiết".
Warren Buffett - nhà đầu tư thành công nhất thế giới, cổ đông lớn nhất kiêm giám đốc hãng Berkshire Hathaway.
Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ tại Việt Nam, đến tận khi 18 tuổi đi thi đại học vẫn mơ hồ không biết bản thân muốn gì. Họ ý thức rằng cần phải vào một trường đại học danh tiếng, họ cũng đặt mục tiêu phải học những chuyên ngành hot để mang lại thu nhập cao khi tốt nghiệp, nhưng ý nghĩa của những ngành nghề này là gì, có phù hợp hay không, liệu họ có thể học và kiên trì lâu dài hay không, họ không biết và cũng không ai dạy họ. Một số người từng được bố mẹ cho tham gia các lớp học năng khiếu từ nhỏ, thế nhưng đến khi bước vào guồng quay bất tận của việc học hành chính quy, những sở thích này dần bị bỏ rơi, hoặc nếu không thì cũng bị bố mẹ hạn chế để tập trung cho học tập.
Bởi vậy, trẻ con ở nước ngoài cũng bận rộn quay cuồng mỗi ngày ở trường, nhưng là sự bận rộn toàn diện từ học tập cho tới sở thích cá nhân, đem lại niềm thoả mãn và tự hào về chính mình. Còn chúng ta, dù bận rộn vác chiếc cặp sách nặng trĩu tới trường cày cuộc tri thức từ sáng đến tối, đêm đến nằm ngủ vẫn chỉ đọng lại nỗi chán chường khi nghĩ đến những tiết học, những bài kiểm tra vào ngày mai. Và giải pháp cho vấn đề này vẫn đang là niềm trăn trở cho bao nhà làm giáo dục ngoài kia mỗi ngày, mà có lẽ chỉ có thể vượt qua được khi người ta thay đổi những quan niệm truyền thống về học tập đã ăn sâu vào tâm trí người Châu Á biết bao đời nay!