Nỗi ám ảnh người lùn như trẻ lên 3 kéo dài thế kỷ
Người đời vẫn thường nói "không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời", nhưng nếu chứng kiến gia cảnh khốn cùng của "gia đình lùn" tại thôn Nội Lễ (An Viên – Tiên Lữ - Hưng Yên) thì mới thấy được nỗi khốn khó trải qua nhiều thế hệ.
"Gia đình lùn" mà chúng tôi nhắc đến là chị Nguyễn Thị Bình (56 tuổi) cùng người em trai Nguyễn Văn Lâm (31 tuổi) và con trai chị Bình là Nguyễn Thành Công (17 tuổi).
Video: Cảnh "gia đình lùn" tách tâm sen 2 ngày thu về 25.000 đồng.
Người phụ nữ ấy từng có cha mẹ, có chồng, sinh con đẻ cái như bao người phụ nữ khác… ấy thế nhưng, điều khác biệt duy nhất là thân hình chị chỉ cao chừng 80cm, bằng đứa trẻ lên 3.
Chị kể: "Ông nội của tôi sinh được 2 người con trai, người kia bình thường nhưng bố tôi sinh ra lại như một đứa trẻ lên 3. Bố lấy mẹ và sinh ra hai chị em tôi, thế nhưng, cả hai chúng tôi mang gen giống bố, chỉ cao chừng 80cm thôi".
Chị Bình, anh Lâm, cháu Công đều cao chừng 80cm.
Quá đau buồn nhưng rồi chị Bình, anh Lâm đành chấp nhận số phận, rồi những người sinh thành cũng rời xa cõi đời về với tổ tiên. Những năm 2000, chị Bình từng có người thương để rồi đến năm 2001 cháu Công được ra đời. Ít lâu sau cha của Công cũng bỏ lại 2 mẹ con rời xa cõi đời mãi mãi. Từ đó đến nay, trong căn nhà dột nát, ẩm ướt và thiếu thốn là nơi trú ẩn của 3 thành viên trong "gia đình lùn".
Chị Bình cho hay: "Tôi không biết chữ nên phải cho thằng Công học bằng được, mong sau này nó có công việc tốt hơn nghề tách tâm sen".
"Cha mẹ tôi nghèo đói nên tôi và Lâm chẳng được học hành gì, đến giờ chúng tôi đều không biết chữ, chỉ biết nhẩm tính những con số đơn giản mà thôi. Nhưng, riêng thằng Công con trai tôi phải được học hành để biết chữ", chị Bình vừa nói vừa chỉ tay về đứa con trai của mình.
Chàng trai 17 tuổi tựa đứa trẻ lên 3.
Cậu vẫn phụ giúp mẹ và cậu những việc lặt vặt trong nhà.
Ngôi trường chỉ cách nhà hơn 1km nhưng Công phải đi bộ mất 40 phút.
Công dù bước sang tuổi 17 nhưng hiện đang theo học lớp 9 tại địa phương do thân hình quá nhỏ bé cũng như trí thông minh có hạn nên buộc phải học trễ nhiều năm.
Dáng người nhỏ bé, lùn thấp nhưng nét từng trải hằn lên khuôn mặt của Lâm.
Riêng anh Lâm, dù bước sang tuổi 31 nhưng anh cũng chỉ cao hơn chị gái và cháu mình chỉ vài cm. Trên gương mặt hằn lên sự rắn rỏi, từng trải, anh kể: "Chúng tôi chỉ biết nương tựa vào nhau mà sống qua ngày. Chúng tôi sinh ra không được như những người bình thường nên đành chấp nhận số phận".
Cậu và cháu trong giây phút suy tư về cuộc đời.
Nói về dự định, gương mặt Lâm ánh lên niềm hi vọng: "Tôi đã lang thang nhiều, đi nhiều nơi trong vùng, cũng từng mong muốn gặp được người con gái cùng hoàn cảnh, thương mình về ở cùng nhưng chưa gặp được".
Lâm cũng chia sẻ: "Về ở cùng cho có nơi nương tựa thôi chứ không dám sinh con cái nữa đâu, sinh ra thì lại khổ chúng nó thôi...".
Cả tháng không biết đến miếng thịt, sướng nhất là được ăn cơm trắng
Chúng tôi tình cờ có mặt tại gia đình chị Bình vào cuối giờ chiều, cũng là lúc chị đang đun nồi cơm cho cả gia đình ăn tối. Cứ ngỡ chị đun nấu xong nồi cơm sẽ có thêm món ăn, thức uống nào đó, hay đơn giản chỉ là bát canh nóng.
Nhưng, khó có thể tin rằng khi mâm cơm được dọn ra, cả gia đình mỗi người một bát cơm trắng ăn ngon lành. Chị cười và nói: "Chúng tôi ăn như thế này quen rồi. Ăn nhiều năm nay chứ không phải hôm nay mới ăn như thế này. Mà được ăn cơm trắng là tốt rồi chứ những mùa giáp hạt chỉ dám ăn cháo thay cơm thôi".
Với chị, cuộc đời đã quá nhiều khốn khó, giờ có vất vả hơn cũng... vẫn chịu được.
Bếp củi chị đun cơm vào mỗi sáng sớm và chiều tối.
"Nếu như những gia đình bình thường họ ăn cơm 3 bữa/ngày nhưng chúng tôi chỉ dám ăn bữa sáng và tối thôi để tiết kiệm, còn bữa trưa đành nhịn, mà nhịn mãi dần thành quen", chị tâm sự.
Người phụ nữ cùng cậu con trai đang cố hết sức để với móc áo.
Là chị gái cả cũng là người mẹ, chị Bình thấu hiểu nỗi khổ của cậu em trai cũng như đứa con trai bé bỏng của mình, và rồi chị càng cố, gắng gượng để kiếm bữa cơm, bữa cháo cho cả nhà bằng việc thi thoảng lên một ngôi đền gần đó để làm công việc hóa vàng cho người dân đi lễ.
Cả 3 người quây quần bên nồi cơm trắng bốc khói nghi ngút mà không có bất cứ đồ ăn gì.
"Thi thoảng rảnh thì tôi lên đền, làm công việc hóa vàng rồi nhận vài ba nghìn đồng của người cho, mỗi ngày cũng xin lộc được hơn chục ngàn đồng. Với lại trên đền người ta cũng thỉnh thoảng cho lộc hoa trái với đồ ăn nữa", chị Bình cười.
Chị nói, có cơm ăn là hạnh phúc lắm rồi bởi thời gian trước còn phải nấu cháo trắng để ăn.
Để lấy tiền mua gạo, trang trải học hành cho Công, nộp tiền điện, tiền sinh hoạt thì cả 3 người nhận thêm việc tách tâm sen với mức giá 5.000 đồng/kg. Do sức khỏe, sự nhanh nhẹn có hạn nên dù cả 3 người làm ngày, làm đêm thì 2 ngày mới tách được 5kg rồi nhận lại 25.000 đồng.
Với mỗi thành viên thì việc ăn cơm trắng là quá xa xỉ, họ chỉ sợ không có tiền mua gạo phải ăn cháo qua ngày.
Chia tay "gia đình lùn" có lẽ chúng tôi vẫn chưa thấu hiểu hết nỗi khổ trăm bề của những người trong gia đình. Ấy thế nhưng, chúng tôi hiểu rằng dù nghèo đói, dù vất vả, dù xóm làng luôn nhìn với ánh mắt thương cảm thì họ vẫn là những con người cần sự bao dung, che chở của xã hội…